Thiện và ác- Lê Văn Truyền

alt

alt

mỗi ngày

ta gặp quỷ

và gặp Phật

Santoka (Taneda Shoichi, 1882 – 1940)

Đinh Nhật Hạnh Đinh Trần Phương dịch

Nhận ấn thiền sư vào năm 42 tuổi, chỉ một năm sau Santoka bắt đầu cuộc sống của một người khất thực. “Khất thực với tấm lòng hàm ơn chân thành, tôi hy vọng có thể nhập vào thế giới hiện hữu trong ánh sáng vô ngần. Cuộc hành hương này thực chất là đi vào thế giới sâu thẳm của lòng người”, Santoka chia sẻ. Và trong cuộc hành hương này, trong thế giới hiện hữu này, mỗi ngày Santoka gặp bao điều thiện và cái ác, bao nhiêu điều tốt đẹp và cái xấu xa. Trong tác phẩm cuối cùng của đời mình “Minh triết của hiền nhân” (The Thoughts of Wise Man), đại văn hào Nga Lev Tolstoi đã viết: “Nếu không có bóng tối, chúng ta sẽ không biết màu sắc hay ánh sáng. Tương tự như vậy, nếu không có cái xấu ác, chúng ta sẽ không biết đức hạnh hay sự chính trực”.

Nhưng Phật không chỉ ở trên trời, Quỷ không chỉ ở dưới địa ngục. Phật và Quỷ, Thiện và Ác hiện hữu mọi lúc, mọi nơi. Phật và Quỷ cũng không ở ngoại thân ta mà hiện hữu trong ta, trong tất cả chúng ta. Trong cuộc sống, ta phải chấp nhận thực tế ấy.

Một lần, tôi từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội trong một chuyến bay khuya, lên một xe taxi vào lúc nửa đêm. Trên đường, anh lái xe tỏ ra rất thân thiện khi thấy một người lớn tuổi đêm hôm khuya khoắt vẫn còn phải bôn ba mà chưa được nghỉ ngơi. Về đến nhà, khi vội vã lấy hành lý xuống xe, tôi để quên cái cặp trong đó có máy vi tính, máy ảnh, giấy tờ và một số tiền. Tôi mất ngủ suốt đêm vì tiếc cái máy vi tính cũ chứa rất nhiều dữ liệu suốt trong 10 năm làm việc. Sáng hôm sau, một lái xe taxi khác, trẻ tuổi mang một hộp carton được niêm phong đựng chiếc cặp và nói có người nhờ chuyển cho tôi. Khi mở chiếc cặp ra, chiếc máy tính cũ và giấy tờ vẫn còn nhưng chiếc máy ảnh và tiền … đã biến mất. Tôi đành tự an ủi: trong cái rủi vẫn còn cái may và người lái xe taxi đêm qua bên cạnh lòng tham vẫn còn chút thiện tâm. Đến bây giờ tôi vẫn còn thầm cảm ơn anh ta vì đã trả lại cho tôi chiếc máy tính.

Sinh thời, khi làm việc với một số cán bộ phụ trách xuất bản sách “Người tốt việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ: “Mỗi người đều có cái Thiện và Ác ở trong lòng. Ta phải biết sao cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu mất dần đi“. Lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa thế giới – không chỉ là lời dạy của một lãnh tụ cách mạng mà đồng thời cũng là lời răn dạy của một bậc hiền nhân vậy.

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội


SANTOKA TANEDA (1882-1940). Là một trong những nhà thơ haiku hiện đại nổi tiếng nhất và lập dị nhất của Nhật Bản. Ông được cứu khỏi một vụ tự tử khi còn trẻ và sau này trở thành một trong những Thiền Sư Hành Hương thật sự cuối cùng của thế kỷ XX. Thơ haiku của ông thuộc thể tự do cũng như cuộc đời của ông vậy; Ông sử dụng tinh thần của haiku, nhưng không tuân theo số âm tiết và quý ngữ (kigo) của haiku. Có thể đọc haiku của ông bằng tiếng Anh trong tác phẩm “Mountain Tasting: Zen Haiku by Santoka Taneda”, được John Stevens dịch. (Theo Patricia Donegan).

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt