Thiền sư xứ Huế- Lê Văn Truyền

alt

alt

Thiền sư xứ Huế

từ thảo am bước ra nhân thế

song hành cùng Đạt Lai Lạt Ma

*

Vị Bồ Tát đất Việt

hành thiền cùng chánh niệm

gieo đạo từ bi khắp thế gian

*

Đôi chân thiền hành khắp thế gian

cuối đời trên chiếc xe lăn

trở về Tổ Đường Từ Hiếu

Phật tử cả nước cuối tháng 10 năm 2018 hoan hỉ đón mừng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu ở Huế để tĩnh dưỡng. Sau hơn 70 năm bôn ba hành đạo khắp năm châu bốn biển, Thiền sư quyết định trở về Tổ đình Từ Hiếu, nơi nguyên thủy là “Thảo Am An Dưỡng” của Hoà thượng Nhất Ðịnh từng tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Thiền sư quyết định ở lại đây cho đến ngày viên tịch. Chùa Từ Hiếu là nơi Thiền sư xuất gia vào năm 16 tuổi, trở thành sư ông năm 23 tuổi và được trao “ấn khả thiền sư” vào năm 40 tuổi. Năm 41 tuổi, Thiền sư được mục sư Martin Luther King Jr., người đoạt giải Nobel Hòa Bình (1964) đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình. Trong lá thư đề cử thầy Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, Mục sư đã viết: Thích Nhất Hạnh là một con người thánh thiện, vì lòng khiêm cung và đức tin lớn. Ngài là một học giả thông tuệ. Những phát kiến cho hòa bình của Ngài, nếu được áp dụng, sẽ dựng nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người chủ trương và đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (Engaged Buddhism) được trình bày trong tác phẩm “Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa” (Vietnam: The lotus in a sea of fire). Ông nói: “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi yên trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn” và “Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh”.

Là một trong những người lãnh đạo tinh thần Phật giáo ở phương Tây, được coi có vị trí quan trọng và tầm ảnh hưởng chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma (theo New York Times) và được xem là “Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai” (London Times, 2010) những lời răn và phương pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của công chúng đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chủng tộc khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm (mindfulness) thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây. Chánh niệm là sự tỉnh giác, tỉnh thức, biết rõ những gì phát sinh ngay trong mỗi thời khắc (the moment) của hiện tại, bây giờ và ở đây, là việc ý thức được sự quý báu của giây phút hiện tại.

Trong lời tựa cho cuốn sách “An lạc từng bước chân” của Thiền sư Nhất Hạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết: “Thầy Nhất Hạnh đã chỉ cho chúng ta phương pháp làm thế nào sử dụng những lợi ích của niệm và định để chuyển hóa và trị liệu những vấn đề tâm lý phức tạp. Thầy cũng chỉ ra cho chúng ta mối liên hệ mật thiết giữa bình an trong tự thân với bình an trên Trái đất”. Nữ thi hào Alice Walker, người giới thiệu Thầy thuyết giảng tại Đại học Berkeley California năm 2001 cho rằng: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường được đánh giá là vị đạo sư Phật giáo được yêu quý nhất ở phương Tây”.

Elizabeth M. Gilbert, nữ nhà văn, nhà phê bình văn học người Mỹ, đã biểu đạt những cảm xúc và ấn tượng của mình trong lần đầu tiên được tiếp kiến Thiền sư như sau: “Nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói thầy đã đưa từng người của chúng tôi vào trong yên tĩnh của chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc nhưng chưa từng khám phá hay khẳng định. Khả năng thầy đã phát khởi trạng thái này trong tất cả chúng tôi, chỉ bằng sự hiện diện của thầy – đây là một năng lực thiêng liêng. Và đấy là lý do ta tìm đến một Sư phụ: Với hy vọng là công đức của thầy sẽ soi rạng cho ta sự cao quý còn khuất lấp của chính mình” (Elizabeth M. Gilbert: Ăn, Cầu Nguyện, Yêu, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2016, tr.207 -208).

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt