Thiên nhiên trong Haiku Việt- Cao Ngọc Thắng

alt

Theo haikuviet.com CLB Haiku Việt- Hà Nội có 10 thành viên gửi thơ, mỗi người một chùm 5 bài, gia nhập WHA. Đây là những hội viên đã có “thâm niên” sáng tác thơ haiku và một số đã từng có thơ đăng trên tạp chí của WHA những số trước đây, như Đinh Nhật Hạnh, Lý Viễn Giao, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Hoàng Lâm, Lê Văn Truyền, Nguyễn Thị Mai Liên. Năm nay, các haijin Việt chọn trong số những sáng tác mới nhất của mình, thể hiện chiều sâu trong cách chọn đề tài, cách cảm nhận và biểu hiện sự khoáng đạt một cách nhuần nhị, tinh tế và đậm sắc thái, tâm hồn Việt có sức lan tỏa rộng và hội nhập sâu vào haiku thế giới.

alt

Đã ở cái tuổi tám mươi, haijin Phan Hữu Cường vẫn có tâm hồn rất trẻ trung, dụ được bướm theo chân mình:

Nước hoa tóc anh / cảm mùi hương lạ / bướm theo về nhà

Cả khúc thơ là một ẩn dụ về sức hút của tình yêu. Người ta nói: gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt, chứ nào ai lại cảm nhau bằng vị, bằng mùi (?). Nếu loài bướm thật sự như trong thơ Phan Hữu Cường, thì chúng đã bỏ đồng quê đầy hoa thơm cỏ lạ để kéo vào những đô thị cơ man những loại nước hoa đắt tiền của các hãng nổi tiếng trên thế giới (!). Vả lại, nam giới ít dùng nước hoa hơn phái đẹp. Chính cái “nghịch” này khiến bài thơ lộ ra tình ý của thi sĩ, rằng: không phải nước hoa đâu, mà là sự “mới” ở mỗi con người làm nên hương lạ khiến đồng loại khác giới phải chú ý, phải theo bước anh ta, chưa hẳn là về nhà… Chữ thơ có vẻ làm điệu một chút, cố tình giấu đi ý thơ hàm ẩn nội dung khác, từ đó bật ra tứ thơ lạ!

Ngược lại, haijin Minh Trí, ở tuổi còn nhiều sức bật, hướng tới “địa phận” của sự đúc rút những chặng đường đã trải qua:

Đông về / thuyền neo bến / ngẫm ngợi hành trình qua

Sự neo bến của con thuyền là hình ảnh chấm dứt một chuyến đi đầy sóng gió. Hơn nữa, lại vào mùa đông – mùa cuối trong một năm, cũng là bước vào đoạn cuối của đời người. Việc ngẫm ngợi, theo trình tự, là điều tự nhiên dù là người vô tâm vô tính đến đâu. Đó là sự lo xa cho những chặng đường tiếp theo. Cái được và chưa được ở mỗi hành trình đều là những bài học kinh nghiệm có ích, cũng đều là động lực thúc đẩy những phẩm chất tốt đẹp ngày tốt đẹp hơn, điều chỉnh sự nghĩ suy và hành động chưa thật sự phù hợp đi vào quỹ đạo. Nhà thơ không chỉ nói cho riêng mình là vậy.

Thiêu thân là loài côn trùng, hễ thấy ánh sáng là lao vào một cách mù quáng, bất chấp cả cái chết. Người ta ví thiêu thân là xác chết. Haijin Nguyễn Thánh Ngã có cách nhìn khá độc đáo về con thiêu thân:

Sau cái chết / con thiêu thân sống lại / trước ánh đèn

Một xác chết sống lại trước ánh đèn! Cái chết thực của con thiêu thân chỉ khi nó lao đầu vào cái đèn đang tỏa sáng. Ánh sáng của cây đèn đã rọi chiếu vào hình ảnh rẫy chết của con thiêu thân, trước khi nó gục xuống. Sự sống ấy thật ngắn ngủi và điêu tàn, chỉ có ánh đèn mới tỏ tường được. Trong cuộc sống vị vật chất, ham hố tiền, địa vị, không ít kẻ có cuộc sống như con thiêu thân. Đức Phật khuyên con người buông bỏ tham-sân-si, nhưng lòng tham khiến không ít kẻ mù quáng, lao đầu vào những dục vọng để gánh lấy những món nợ đời liên miên, không còn khả năng thanh toán. Rõ ràng, giáo lý nhà Phật luôn luôn đem lại chân-thiện-mỹ, song việc thực hành ở con người khó đi đến nơi, đến chốn cũng chỉ vì không tự thân thoát khỏi sự tung hoành quấy đảo, phỉnh lừa của bọn lục súc.

Nữ haijin Nguyễn Thị Kim biểu cảm sự quan sát rất thật mà cũng rất tinh tế:

Bông sen rời cuống / tơ vương / ánh chiều

Bông sen rời cuống mà để lại những sợi tơ là có sự tác động bên ngoài, có thể do người bẻ/ngắt. Hình ảnh tơ vương rõ ràng là ngược sáng. Ánh chiều tà hắt ngược mới tạo nên vẻ đẹp ngời sáng, lung linh lên những sợi tơ óng mượt, chứ buổi sáng hay buổi trưa không tạo được hiệu quả ánh sáng như vậy.

Hãy đọc phiến khúc haiku dưới đây của haijin Phùng Gia Viên một cách ngẫm ngợi:

Chiếc lá rơi / thời gian / thành góa bụa

Ba hình ảnh rất xa cách mà lại cụm vào thành tứ thơ. Sự góa bụa này dành cho chiếc lá hay dành cho thời gian? Không, không dành cho cái cụ thể nào cả, mà dành cho mối liên hệ, quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng trong thiên nhiên, trong xã hội, vừa thực vừa ảo, vừa có vừa không, vừa cụ thể vừa trừu tượng. Chiếc lá thuộc cây, rơi khỏi cây, mà cây chẳng đoái hoài. Thời gian là ngày-đêm, là bốn mùa, là năm tháng. Lá lìa cành cũng thể hiện thời gian, thời gian của sự luân chuyển có sinh có diệt. Vậy, thời gian là nguyên cớ của sự rụng lá. Cô đơn chẳng dính vào cây, cũng chẳng dính vào thời gian. Chỉ có lòng người trở nên góa bụa (!). Người cùng thời gian đi trong không gian, đau đáu tìm sự thanh nhàn cho đầu óc thảnh thơi, cho thân thể bớt giày vò. Con đường ấy là vô tận, càng đi càng thấy chân trời ở phía trước. Mỗi khi nhìn thấy lá rơi, lòng người quặn thắt, vận vào cuộc đời. Lá lìa cành tựa như chiếc đồng hồ đếm ngược, đưa con người vào chu trình luân chuyển của trời đất. Vậy, không góa bụa làm sao, dù cho thân xác vẫn còn, vẫn ở trong vòng quay thời cuộc, nhưng nhiều trắc ẩn biết tỏ cùng ai…

Đây nữa, cùng đồng hành trạng thái góa bụa:

Ngàn trang sách / mỏi mắt tìm / một trái tim

Làm bạn tri kỷ với sách cốt tìm thấy một trái tim để yêu, mà không được. Cuộc đời là vậy. Haijin Lý Viễn Giao thổ lộ cái cô đơn của người mải miết đi tìm. Nếu như những bài học lịch sử được con người tiếp nhận một cách thật tâm, thấu đáo, thì cuộc đời sau phải tất nhiên tốt, đẹp, bớt đau khổ, bớt bùng nhùng hơn những cuộc đời trước. Nhưng, thế giới loài người không bao giờ chấp nhận hai chữ “nếu như”, do vậy chiến tranh vẫn liên miên, tội ác không giàm mà còn ở quy mô lớn hơn, kỹ xảo hơn, tỷ lệ người nghèo ngày càng gia tăng, thiên nhiên ngày càng kiệt quệ, thảm họa ngày càng mở rộng… Lý Viễn Giao mỏi mắt tìm trái tim nào đây? Đó là trái tim người nhân hậu! Mặt bằng xã hội cả thế giới này đang bị xáo trộn, đang bị tha hóa bởi những lực lượng vật chất đồ sộ, con người trở nên lãnh đạm, thờ ơ, xa rời, tách biệt khỏi chân-thiện-mỹ, mọi giáo lý đẹp đẽ đều bị lãng quên, coi thường. Bản thân sách chứa đựng biết bao điều cần thiết cho cuộc sống, nay cũng là đối tượng của sự lùi tàn trước cơn lốc bùng nổ internete. Bao nhiêu nỗ lực của loài người chẳng qua là nhanh đến đích diệt vong…

Phiến khúc haiku sau đây của haijin Lê Văn Truyền làm rõ thêm sự lệ thuộc của con người vào công nghệ thông tin:

Trên xe buýt / đám đông lặng im / dán mắt vào màn hình điện thoại

Có lẽ thói quen lệ thuộc, ỷ lại và chuộng lạ, chuộng ngoại đã đưa con người đi từ cái lười lười này đến cái lười khác. Số đông bây giờ không ngại ngần thể hiện lòng ích kỷ, chẳng quan tâm đến nhau, đến cộng đồng, cho thấy sự băng hoại tâm hồn, tự làm nghèo đi tính linh hoạt, sôi nổi, tiếp cận cái tốt đẹp, sự đổi thay theo chiều hướng tích cực. Khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng vừa đem lại những điều hay, giúp con người, giúp xã hội tiến nhanh, gạt bỏ những rào cản, xóa đi mặc cảm để đi sâu vào các lĩnh vực tiên tiến, nhưng nó cũng đem lại những hậu quả, trực tiếp hay gián tiếp, vô cùng không có lợi cho sức khỏe, cho túi tiền, cho những mối quan hệ gia đình, xã hội… Dán mắt vào màn hình điện thoại chỉ là một hình ảnh cụ thể trong muôn vàn tiêu cực mà internete đưa lại. Phải chăng con người đang tự trói buộc mình để rồi gỡ ra không nổi?

Nữ haijin Nguyễn Hoàng Lâm đặt vấn đề:

Hỏi nguồn / dòng suối / ngước lên trời

Một vấn đề có tính quy luật tự nhiên. Dòng suối chỉ là một hình ảnh cụ thể, đại diện cho tất cả các sự vật khác tồn tại trong thiên nhiên, bởi cái gì chẳng có nguồn, có gốc, cái gì chẳng có thể ngước lên trời để hỏi – trời là nguồn sống của vạn vật. Nhưng, trời cao và xa lắm, “ông” còn phải điều khiển, điều tiết nhiều thứ lắm, nên mỗi cá thể phải tự mình tìm lấy câu trả lời.

Thì câu trả lời là đây:

Đời như dòng sông / phải vượt thác ghềnh / mới về biển cả

Haijin Đinh Nhật Hạnh nói về một quy luật khác – quy luật tự vận động, phổ biến trong cả tự nhiên cả trong xã hội. Vạn vật sinh ra vốn dĩ đã mang trong mình sự tự vận động. Có vận động mới tồn tại. Sự vận động tất yếu không bằng phẳng. “Sông có khúc, người có lúc”. Thăng trầm là không thể tránh được. Không nghich lý khi nói rằng: đường quanh co là lối đi ngắn nhất để đến đích. Mở đầu bài thơ, tác giả ví đời người như dòng sông là muốn nhấn mạnh sự tự vận động của mỗi người, là con người sinh ra có nghĩa vụ phải đấu tranh, đấu tranh với sự cám dỗ, đấu tranh với chính bản thân mình. Cuộc đấu tranh ấy tất yếu phải phù hợp với quy luật thì mới mong chinh phục được thiên nhiên phục vụ lợi ích chung của loài người, mới mong đương đầu với những lực lượng luôn kéo văn minh thụt lùi, để vươn lên những điều tốt đẹp.

Nữ haijin Nguyễn Thị Mai Liên biểu cảm cũng quy luật ấy bằng cách tư duy khác:

Sóng gió / đẩy thuyền ra khơi / về phía mặt trời

Vị trí địa lý của Việt Nam cho hay rằng, mỗi khi bình minh lên gió từ đất liền thổi ra phía biển (quy luật gió thổi từ vùng áp cao tới vùng áp thấp – sáng sớm nhiệt độ trong đất liền hạ thấp hơn so với ngoài biển, nơi nước biển giữ được độ ấm), nên người dân chài tận dụng lợi thế đó going buồm ra khơi, hướng về phía mặt trời đang mọc. Đấy là nguyên lý phổ biến. Nhưng, ngụ ý của tác giả còn ở chỗ: ra khơi, các con thuyền cùng chung sức để cùng hướng tới mục đích chung, hướng tới lợi ích chung. Mặt trời là trung tâm, hội tụ những mục tiêu chung để cùng tới đích.

*

Qua sự lựa chọn những phiến khúc haiku để bình phẩm như trên, tôi muốn bày tỏ rằng, từ thực tế đất nước mình, bằng những cảm nhận và thể hiện khác nhau, các tác giả đã đưa vào thể thơ haiku một thiên nhiên đặc trưng với tâm hồn Việt khó trộn lẫn. Thiên nhiên Việt Nam và con người Việt Nam luôn luôn hòa nhập trong mối quan hệ gắn bó từ lâu đời, là nền tảng cho tính cách Việt, cho nền văn hóa Việt Nam hình thành và phát triển, tạo nên những truyền thống quý báu và bền vững, vừa hướng vào nội tâm vừa rộng mở ra thế giới. Đặc trưng của thiên nhiên Việt Nam không đơn phương, trái lại luôn là sự ẩn dụ tinh tế, nói lên tâm tư, nguyện vọng và cả sự kín đáo về nhiều mặt của con người Việt Nam trong hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca. Vì thế, việc tiếp nhận và sáng tạo thể thơ haiku đối với người Việt Nam khá nhanh chóng, và cũng nhanh chóng khẳng định hướng đi của haiku Việt trong cộng đồng haiku thế giới.

Láng Hạ vào đông

C. N. T

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt