Từ rừng Tục ngữ- Ca dao nở vườn hoa lạ Haikư

alt

Đinh Nhật Hạnh

alt
(Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh)

I. KHÁI QUÁT

Bắt nguồn từ thơ Haikư Nhật Bản manh nha từ thế kỷ XV, ở Việt Nam thơ Haikư bén rễ và phát triển trong rừng Tục ngữ – Ca dao đã lưu hành bao đời trong dân gian, hiện sưu tầm được hàng vạn câu. Thể thơ Haikư đã nảy mầm và đơm hoa những mùa đầu tiên ở Tp. Hồ Chí Minh (2007) và ở Thủ đô Hà Nội (2009) trong hai Câu lạc bộ.

Cũng cùng cốt cách ngắn gọn, thêm vào đó những lối gieo vần đa dạng, linh hoạt, biến hóa độc đáo chưa thấy trong Haikư thế giới, có thể tóm tắt bốn cách cấu trúc thể hiện của Haikư ở nước ta gần đây:

-không vần

-vần chân, vần cách

-vần sát, vần lưng

-đơn vận, đa vận, liên hoàn 4, 5 vần/câu…

Chỉ riêng lĩnh vực vần điệu này đã tạo nên loại tiết tấu độc đáo có một không hai trên thi đàn Haikư thế giới. Chỉ mới đọc bằng mắt đã uyển chuyển ngân nga như một câu ca trầm bổng vô thanh trong một hơi thở.

Xét về hình thức, Haikư đối chiếu với Tục ngữ, Ca dao Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc, vần điệu nói trên mà Haikư Việt vận dụng hầu như thống nhất. Tuy nhiên, về nội dung nội hàm thì có sự khác biệt cơ bản.

Tục Ngữ là những lời khuyên nhủ hay những kinh nghiệm về tự nhiên, lao động sản xuất và xã hội, trong khi Ca dao thì thiên về đời sống nội tâm con người. Cả Tục ngữ lẫn Ca dao đều là những câu hoàn chỉnh, có ý nghĩa trọn vẹn và thường có tính khẳng định.

Còn Haikư, vẫn giữ cốt cách cơ bản của Haikư Nhật Bản truyền thống cực ngắn gọn, có tính gợi mở cao, không kết luận, giản dị không cầu kỳ, thiên về lấy chất liệu từ thiên nhiên, bốn mùa biến động với hoa lá, trăng mây, bướm, chim, sương, nắng… mà ký thác kín đáo suy tư, cảm xúc một cách lửng lơ, khách quan trước những biến thiên của thời cuộc. Haikư không chỉ dừng, cố định ở chất Thiền đặc trưng của nền Haikư Nhật Bản những thế kỷ trước – vẫn bàng bạc cắm rễ vào tư duy của bao lớp Haijin chính thống nhưng ngày càng có xu hướng ít dần. Ở nước ta, cũng dễ hiểu thôi, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm với bao biến cố long trời lở đất tất nhiên đã tác động mạnh lên tư duy sáng tác của Haikư Việt. Đó là một hồn thơ liên tục chuyển hóa, lạ hóa, mới hóa, một hồn thơ đa thanh. Haikư Việt không rập khuôn hình thức Haikư Nhật Bản, không chỉ quanh quẩn ở thiên nhiên mà muốn ôm choàng lấy cuộc sống trên mọi nẻo đời (lời của Nhật Chiêu). Haikư ở nước ta quán xuyến tinh thần Lục Bát – hồn Việt, sẽ xin trình bày tiếp sau đây.

II. VẦN ĐIỆU – TÍNH NHẠC ĐẶC THÙ CỦA HAIKƯ VIỆT

Điểm sơ qua thi ca trữ tình cổ điển của phương Tây, với các đại diện là Pháp và Mỹ, riêng về cấu trúc và vần điệu có phần đơn điệu, hầu như chỉ sử dụng vần chân như hai ví dụ dưới đây.

Un secret

(Félix Arvers – thơ Pháp) trích

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère

Un amour éternel en un moment conçu:

Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,

Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Tình tuyệt vọng

Lòng ta chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người đeo nặng như hầu không hay

(Khái Hưng dịch thơ)

Strings

(Sue Rudd – thơ Mỹ) trích

I found an old guitar string

Left abandoned in the grass

Bent and forgotten for ever

Crinkled nylon just won’t last

It served its purpose

Made music, then wore out

Someone left it on the ground

For the wind to blow it about

Những sợi dây đàn

Tôi nhặt được sợi dây đàn cũ

Ai bỏ rơi trên cỏ đã lâu rồi

Dây cong queo chủ mình quên lãng

Nhựa xoắn vòng vô dụng vứt đi thôi

Dây đàn đó từng vang lên tiếng nhạc

Kêu hết mình đứt ruột tàn hơi

Ai nỡ bỏ bơ thờ trên mặt đất

Mặc gió lùa năm tháng tả tơi

(Đinh Nhật Hạnh dịch thơ)

Còn với Haikư phương Tây và Haikư Nhật Bản, hầu như tất cả các bài thơ đều không có vần. Ví dụ:

Across the field of stubble

flame stalks flame

Trên cánh đồng trơ gốc rạ

lửa đuổi theo lửa

(David Cobb – Anh)

Moonlight

a sand dune

shifts

Ánh trăng

cồn cát

chuyển động

(Virginia Brady Young – Mỹ)

Your shadow

on the page

the poem

Bóng em

trên trang sách

bài thơ

(Cid Corman – Mỹ)

The wind

forced to blow

on concrete,steel and glass

Gió

buộc phải thổi

trên bê-tông, thép và gương kính

(Jack Cain – Canada)

Un corbeau et moi

allons dans la même direction

à travers les airs

Con quạ và tôi

đi về cùng một hướng

giữa trời

(Jean Antonini – Pháp)

Còn với Haikư Việt, kế thừa những đặc thù của ngôn ngữ, lại có nét rất riêng là giàu nhạc tính và vần điệu! Những nét đặc trưng quốc bảo của ngôn ngữ Việt là ngũ thanh: sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã như nhiên tạo cho ngôn ngữ Việt một âm giai độc đáo. Chỉ một câu nói thường, chỉ một dòng văn xuôi nếu khéo sắp xếp thanh bằng – trắc lại có thể dễ đọc, thuận tai. Khi sáng tác Haikư, tỷ lệ bài không vần thường cao vì tứ thơ chỉ vụt thoáng qua như tia chớp, như ngọn gió, như cánh bướm phải kịp cảm nhận mà ghi chép ngay – như khi ta bấm nhanh một pô ảnh hay ấn máy ghi âm một tiếng chim trời thoắt có thoắt không – một khoảnh khắc thực tại chợt hiện ra. Những bài đa vận, vần liên hoàn thường hiếm hơn, không thể ngồi mà cấu tạo, chắp nối mà vụt đến như một bất ngờ may mắn đem lại niềm vui cho cả người viết lẫn bạn đọc. Ta hãy thử đối chiếu và so sánh vần điệu một số Tục ngữ, Ca dao với Haikư Việt để làm rõ luận điểm cơ bản này.

TỤC NGỮ / CA DAO——————–HAIKƯ VIỆT

1. Không vần

Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi

Mai vàng nảy lộc / nhớ / nụ đào phai

(Lưu Đức Trung)

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Quên đi đôi cánh / mình / có thể bay

(Mai Văn Phấn)

Giàu điếc sáng đui

Một trời mai trắng / ánh mắt / nụ cười

(Lê Đăng Hoan)

Con biết lẫy, bố biết bò

Tiếng cuốc kêu / khắc khoải / nỗi buồn gọi ai

(Lê Anh Tuấn)

Chữa dép ruộng dưa

Nỗi buồn của chiếc lá khô / tôi mở ra xem / ánh trăng

(Đinh Trần Phương)

No ra bụt đói ra ma

Vũng trâu đằm / mặt trời / lộn ngược

(Đinh Nhật Hạnh)

Chuột cắn dây buộc mèo

Vũng nước nhỏ / dưới chân núi / soi tận đỉnh

(Mai Văn Phấn)

Cưa sừng làm nghé

Xuất hiện rồi biến mất / ừ nhỉ / cõi này

(Nguyễn Duy Quý)

2. Vần chân

Việc người thì sáng

Việc mình thì quáng

Bản vắng cheo leo / mái nghèo / nồi khoai đón Tết

(Nguyễn Thị Kim)

rơi / chị quét / nỗi đời

(Nguyễn Hoàng Lâm)

Như thể dao cau / cắt nhau / vết sẹo

(Lý Viễn Giao)

Gió đùa ngọn cao / khẽ nào / chim non ngủ

(Nguyễn Duy Quý)

Ve ngắt hè / bặt tiếng chim cu / chầm chậm thu

(Cao Ngọc Thắng)

Cau phơi tái

Gái đoạn tang

Chim ra ràng

Bé gái nằm đầu / quằn quại kiếp ve / lột xác lên tiếng hát

(Nghiêm Xuân Đức)

Biển Đông / nổi sóng / bài ca giữ đất

(Lê Thị Bình)

Quê xưa nơi nao / làng lâu năm về lại / khác làng trong chiêm bao

(Vương Trọng)

Súc sắc súc sẻ / bi bô tiếng trẻ / vang vọng ngày xưa

(Vũ Tam Huề)

Cà phê đắng ngọt / từng giọt / tình yêu

(Vân Đình)

Kyoto – lá thu vàng nắng / hè phố vắng / bóng ai trải dài

(Hồ Hoàng Hoa)

3. Vần sát

Được làm vua

thua làm giặc

Mưa, mưa / cưa đôi / nỗi nhớ

(Đỗ Tuyết Loan)

Bút sa chết

Mưa tháng ba / ra hạt gạo / mưa tháng tư may còn bát cháo

(Lê Đăng Hoan)

Cơm ráo cháo dừ

Một sự nhịn chín sự lành

Đạp xe lên phố / nhớ tuổi thơ / những giấc dài

(Hoàng Xuân Họa)

phước bước cửa quan

Chiếc lồng mắt tròn / con dê đen không nhìn đâu cả / bên ngoài mùa thu

(Đinh Trần Phương)

4. Vần cách

Hay làm thì đói

Hay nói thì no

Tôi lại quét lá vàng / quét mùa thu / về lối

(Lê Đình Công)

Có chí làm quan

gan làm giàu

Tháng tám đói qua

Tháng ba đói chết

Núi phủ sương / mây vương / hồn Ba Bể

(Diêm Thị Thoa)

Ong vang đốt vàng con mắt

Ong vẽ đốt mẻ lưỡi cày

Tham thì thâm

Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham

Đêm mưa / phố quạnh tiếng rao / bánh bao bánh khúc

(Phan Vũ Khánh)

Đại ngàn / vi vút gió / nghe suối đàn ngân nga

(Đinh Nhật Hạnh)

Chết sông chết suối

Không ai chết đuối đọi đèn

Buôn tàu bán

Chẳng bằng ăn hà tiện

Tơ nhện đọng sương / gió vương hoài cảm / nhớ thương

(Nguyễn Văn Đồng)

Xởi lởi trời gửi của cho

Xo ro trời co của lại

Còn nợ còn đòi

Hết nợ vỗ đếch, vỗ đoi mà về

Hạt sương / treo đầu ngọn cỏ / thu nhỏ bầu trời

(Hoàng Xuân Họa)

Trai vợ đẻ

Gái đoạn tang

Chim ra ràng

Bánh đúc bẻ ba

Mắm tôm quệt ngược

Cửa nhà tan hoang

Rơi cánh sen tàn / thành con đò mỏng / chao sóng hồ mưa

(Lê Đình Công)

Băm chẳng lỗ

Bổ chẳng vào

Ném ao chẳng chìm

5. Vần kép – liên hoàn (cả hai thể đều hiếm gặp)

Chim ra khỏi lồng

Không trông trở lại

Đường vắng / lang thang bướm trắng / hoa nắng tan rồi

(Thanh Tùng)

Băm bầu băm

Băm chị thằng Ngô

Băm chú khách

Vầng trăng / long lanh phố cổ / hoàng thành ngàn năm

(Nghiêm Xuân Đức)

Cau phơi tái

Gái đoạn tang

Chim ra ràng

Hồ mộng / động / vần thơ Ba Bể

(Đinh Nhật Hạnh)

Ngõ về lau lách / chim khách / mách

(Đinh Nhật Hạnh)

Én bay thấp mưa ngập bờ ao

Én bay cao mưa rào lại tạnh

Quỹ thời gian vơi / như giọt lệ đá / rơi trong hang Đời

(Đinh Nhật Hạnh)

Đôi chim ra ràng / ngỡ ngàng / cành bàng Vườn thượng

Đinh Nhật Hạnh

Trên đây xin sơ lược dăm nét, điểm qua một số ít tác giả, khi có điều kiện sẽ khảo cứu sâu kỹ trên hàng ngàn bài haikư chắc hẳn còn lắm điều khoái lạ bật ngờ. Có thể tạm kết luận thơ Haikư Việt bước ra từ rừng Tục ngữ, Ca dao phong phú không vần hoặc có vần đều rất giàu nhạc điệu, hòa vào thi ca nhân loại nở những bông hoa lạ đầu mùa đậm hương sắc Việt Nam trên tinh thần Lục Bát, tạo nên HỒN VIỆT tế nhị, độc đáo, không lẫn không chìm vào bất cứ thơ Haikư nào trên thế giới.

III. HỒN VIỆT – TINH THẦN LỤC BÁT

Năm 2009, trong lần ra Bắc mùa thu chủ đề là Hồn Việt trong thơ Haikư sáng tác ở Việt Nam, nhà văn Nhật Chiêu đã cùng chúng tôi tọa đàm nhiều buổi bên hồ làng Tám trong không gian hương hoa sữa át vị cà phê nhâm nhi say sưa bàn luận. Và năm sau đó, bài “Nắng mới từ thơ Haikư” – bản Tuyên ngôn của dòng thơ mới này ở Việt Nam đã lấp lánh trên lời bạt Tuyển tập thơ Haikư Việt hai miền đầu tiên vừa trịnh trọng, dứt khoát lại cũng bay bổng tuôn trào:

“… Từ khắp mọi miền đất nước, thơ Haikư đã ngân nga tiếng nói đầy nhạc điệu, tiếng nói mang hồn Lục Bát để đi đến một hòa âm mới…”

Xin hãy thưởng thức mấy khúc thơ cực ngắn về Xuân:

Chỉ câu Lục:

Ngày xuân

con én

đưa thoi

.

Lơ thơ

tơ liễu

buông mình

Hải đường

mơn mởn

cành xuân

Ngày vui

ngắn

chẳng tày gang

Chỉ câu Bát:

Lòng xuân phơi phới

chén xuân

tàng tàng

.

Hoa xuân đang nhụy

ngày xuân

còn dài

Đầy thềm hoa rụng

nay người

ở đâu

Đêm xuân

ai nỡ cầm lòng

cho đang

Không thưa chắc ai cũng thừa hay đó là những câu trích trong Truyện Kiều gồm 3254 câu Sáu – Tám bất hủ mà mỗi câu đã có sức chứa bao cảm xúc, bao tình hình, bao trạng huống, bao hành xử, bao tâm tư muôn màu muôn vẻ, thiên hình vạn trạng của cuộc đời, của thiên nhiên bao la muôn sắc, đã thể hiện dưới nét bút thiên tài của đại thi hào mệnh bạc Nguyễn Du.

Chính thể thơ Lục Bát độc đáo của dân tộc đã chắp cánh cho trí lực, tài hoa xuất chúng của Cụ, chấp bút để lại cho muôn đời sau áng thơ bất hủ. Quả vậy, bất cứ thể loại nào khác – từ cổ như Đường Luật, mới như Thơ Mới thời Thế Lữ du nhập từ văn hóa châu Âu… không thể nào thực hiện được. Khả năng thần diệu đó của thể Lục Bát từ xưa đã thể hiện trong nhiều tác phẩm nổi tiếng muôn đời như Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm) với biến thể Song Thất Lục Bát mà Lục Bát vẫn là chủ thể, như Tống Trân Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Phan Trần thành công ở một cấp độ khác thấp hơn.

Lớp người hậu sinh chúng ta, hễ đã biết chữ hẳn ít ai không đọc Truyện Kiều rồi nhập tâm dăm đoạn hoặc không ngâm nga, dẫn xuất Tục ngữ, Ca dao có mặt thường trực trên khẩu ngữ dân gian. Những người làm thơ Haikư lại càng cảm nhận được và tiếp thu linh khí của thể Lục Bát đã nhuần nhuyễn ít nhiều nhập vào tư duy thơ của mình mà thể hiện trên những khúc thơ cực ngắn đó sao! Ta hãy cùng xem một số ví dụ ở đó Lục Bát được thể hiện trong thể Haikư.

1. Lục Bát biến thể

Ngay trong kho tàng Tục ngữ, Ca dao Việt Nam đã thấy nhiều câu Lục Bát biến thể:

“Bánh đúc bẻ ba

Mắm tôm quẹt ngược, cửa nhà tan hoang”

“Còn nợ còn đòi

Hết nợ vỗ đếch, vỗ đoi mà về”

Lục Bát biến thể thành thơ Haikư:

Bằng lăng

lại bâng khuâng tím

vầng trăng Tây Hồ

Đinh Nhật Hạnh

Đàn Koto dìu dặt

nâng ta về

võng mẹ ngày xưa

Đinh Nhật Hạnh

Nỗi niềm xưa

nay

nao nao vẫn khúc đàn này Koto

Đinh Nhật Hạnh

2. Sử dụng câu Lục

Lá rơi

chị quét

nỗi đời

Nguyễn Hoàng Lâm

Mưa, mưa

cưa đôi

nỗi nhớ

Đỗ Tuyết Loan

Võng mây

gà gật

vầng trăng

Nguyễn Hoàng Lân

Cầu vượt

vun vút

gió xuân

Lê Thị Bình

3. Sử dụng câu Bát

Núi phủ sương

mây vương

hồn Ba Bể

Diêm Thị Thoa

Quả táo địa đàng

nếm chung

nửa ngọt

Đinh Nhật Hạnh

Cà phê đắng ngọt

tìm giọt

tình yêu

Vân Đình

Sông như rắn lượn

dòng cuộn

trăng đầy

Lê Đình Công

Một trời mai trắng

ánh mắt

nụ cười

Lê Đăng Hoan

Cách bướm vờn bay

Xuân đầy

mắt trẻ

Như Trang

Heo may gọi mùa

tháng bảy

đồng mưa

Lương Thị Đậm

Quên đi

đôi cánh

mình có thể bay

Mai Văn Phấn

Sổ tay tẩy xóa

thưa dần

số thân

Đinh Nhật Hạnh

Đan chiếc lồng

bằng bầu trời

nuôi chim

Mai Văn Phấn

Cọng rác

trôi nhanh hơn

dòng nước

Mai Văn Phấn

Vũng bùn

lấp lánh

những tia mặt trời

Lê Văn Truyền

Giao thừa

mưa mừng tuổi

người bán muối

Phan Vũ Khánh

Rừng mơ trước mặt

khát

đến bao giờ

Đinh Nhật Hạnh

Thể thơ Lục Bát xuất xứ, hình thành, phát triển duy nhất ở Việt Nam đã được và có thể vận dụng vào sáng tác Haikư Việt rất đắc địa:

-Cấu trúc Lục (6 chữ)

-Cấu trúc Bát (8 chữ)

-hoặc Lục Bát biến thể (2/8 – 4/8)

để tạo nên khung của những bài thơ Haikư bản địa đầu tiên đang thời kỳ thể nghiệm. Đặc biệt, các tác giả Haikư Việt đã bước đầu ứng dụng thành công thổi hồn Lục Bát vạn năng, có thể biểu lộ muôn mặt đời thường về thiên nhiên, về trạng thái tâm tư tình cảm của nhân thế vui buồn, thành bại, hy vọng, suy tư của vòng đời đang xoay chóng mặt, không chỉ dừng lại cảm nhận, mô tả thiên nhiên, lệ thuộc thiên nhiên mà bao trùm lên thiên nhiên, dấn thân vào vòng đời thế sự với tư duy thơ trong sáng, vì Chân-Thiện-Mỹ cao cả. Rất có thể, hồn Lục Bát tạo bản sắc độc đáo của dòng thơ Haikư ở nước ta đang từng bước hình thành, phát triển và khẳng định mình trên thi đàn Haikư thế giới.

IV. KẾT LUẬN

Về hình thức, Haikư Việt mang hồn Việt trong tạo vần độc đáo của Tục ngữ, Ca dao qua các vần chân, vần sát, vần cách, vần liên hoàn… linh hoạt và phong phú chỉ có trong thi ca Việt Nam. Ngoài ra, sự sắp xếp các từ theo bằng, trắc thích hợp sẽ dễ dàng tạo tiết tấu đầy nhạc tính độc đáo chỉ đặc hữu ở nước ta.

Về nội dung, Haikư Việt thừa hưởng và triển khai nội hàm khoáng đạt, vô lượng, vô biên của thể thơ Lục Bát đã tạo nên các tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm…, đã mô tả, chuyển tải được mọi trạng huống tư duy vô cùng tế nhị, phức tạp, phong phú của tâm trạng sâu kín, mọi diễn biến thường nhật hoặc trầm lặng, hoặc gấp gáp của dòng đời biến động quanh ta trong bao trùm của thiên nhiên. Tinh thần Lục Bát thể hiện hoặc trong một câu 6, một câu 8, hoặc biến thể linh hoạt sẽ chắp cánh cho mọi tứ thơ Haikư lung linh, diễn đạt bất cứ cảm thức nào của tác giả trên mọi cung bậc, mọi lĩnh vực.

Chúng ta làm thơ Haikư, có lẽ trước hết nên nhận thức đầy đủ sâu sắc về những nền móng cấu thành đặc thù của thể thơ có nguồn gốc Nhật Bản từ thế kỷ 17 ví như chiếc vạc ba chân luôn vô hình hiện hữu:

-Tịch lặng (wabi)

-U huyền (yugen)

-Đơn sơ (sabi)

Càng đi xa ba tố chất này càng giảm và mất đi thuộc tính của Haikư vốn phải có! Riêng “tính Thiền” – khi hiểu là một triết lý sống lưu hành từ đạo Thiền bàng bạc trong Haikư Nhật Bản như một quy luật ngự trị từ thời của Basho, không thể là cơ sở minh triết ràng buộc của Haikư Việt hình thành và phát triển trong một đất nước thường xuyên phải gồng mình đấu tranh để tồn tại và vươn lên trong suốt mấy ngàn năm. Nhận thức lý luận về Thiền khi ứng dụng trong Haikư Việt hẳn cần thời gian và công sức nhiều thế hệ mới thống nhất được. Thiết nghĩ, chưa nên chốt quá sớm khi Haikư Việt mới đi những bước đầu đời bỡ ngỡ. Nó phải hiện diện, nhưng ở cấp độ nào thì cần bàn luận.

“Trong tiếng Việt, thơ haikư ca hát với một tinh thần tự do. Nó không rập khuôn theo hình thức haikư Nhật, không cần thiết phải là bài thơ mười bảy âm tiết theo nhịp 5/7/5. Nó không nhất thiết phải có quý ngữ như haikư truyền thống Nhật. Nó không nhất thiết quanh quẩn với thiên nhiên dù nó yêu thiên nhiên đến thế nào đi nữa. Nó muốn ôm choàng cuộc sống trong mọi nẻo đời. Ở đây và bây giờ. Nó đa thanh và có tình yêu mải mê với cái hiện tình. Nó cũng đi từ thiên nhiên, từ những hoài niệm của sương và trăng…” (Nhật Chiêu – Nắng mới từ thơ Haikư).

Xin được phép trích những câu trong tuyên ngôn Haikư Việt của Nhật Chiêu để tạm kết luận bài viết này.

Ngõ bằng lăng

Tiết lập thu– 2009-2014

ĐNH

THAM KHẢO

  1. Tục ngữ – Ca dao Việt Nam (Vũ Ngọc Phan, Nxb KHXH. 1998)
  2. Từ điển Tục ngữ – Ca dao Việt Nam (Nguyễn Lân, Nxb Văn Học, 2006)
  3. Haiku mind (Patricia Donegan – Lon Don 2008)
  4. WHA Review số 9, 10, 11
  5. Tuyển tập Haikư Việt – Hà Nội (Nxb HNV, 2010)
  6. Anthologie de la Poésie française – Paris 2010
  7. Tuyển tập Haikư Việt hai miền (Nxb Văn Học, 2010)
  8. Nội san Haikư Việt – Hà Nội
  9. Truyện Kiều

10. Poèmes ZEN – manu Bazzano – Paris 2002

Những bài Haikư Việt trích dẫn trong tiểu luận này còn khu trú và chỉ có tính chất minh họa các thể loại vần để so sánh với Tục ngữ, Ca dao.Chưa hẳn là thơ tuyển

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt