
Kìa, chó mà tử tế
lối mòn né chỗ
cho khách qua đường
Kobayashi Issa (1763-1828)
Đinh Nhật Hạnh dịch
Đọc phiến khúc haiku trên đây của Issa tôi bỗng tưởng tượng ra một hình ảnh thật thú vị. Có thể trong một buổi sáng nào đó, sau khi đến thăm một người bạn già đàm đạo về thế sự, Issa từ giã ra về. Trên con ngõ trúc nhỏ hẹp, đại sư gặp một con chó giữa đường. Như một phản xạ tự nhiên, Issa dừng lại tránh đường cho chú chó đi qua, giống như ông cha ta từng dạy: tránh voi (và cả … chó) chẳng xấu mặt nào! Nhưng, ngạc nhiên chưa chú chó trông thấy khách lạ bỗng “lịch sự” né chỗ cho khách có lối đi qua ngõ hẹp.
Chó nhà là con vật nuôi gần gũi với mọi gia đình, nhưng tôi không hiểu tại sao con người lại vẫn coi chó là con vật để đem ra so sánh với những kẻ xấu xa. Người ta chửi mắng nhau là “đồ chó”, “đồ chó má”, “đồ chó săn” và thậm tệ hơn “đồ chó đẻ” … Rồi “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” … Thật ra, tôi nghĩ loài chó là vật nuôi trung thành lâu đời và có ích nhất của con người kể từ thời tiền sử, khi loài người đang còn sống trong nền “kinh tế hái lượm và săn bắt”.
Chó nổi tiếng về lòng trung thành. Nếu có lúc nào đó nó có làm điều gì không phải với chủ chắc chắn là do con người đã làm điều gì đó không phải với nó. Về sự trung thành và tử tế của loài chó, người ta đã kể lại câu chuyện về những con chó nổi tiếng khắp thế giới như chú chó nằm ở mộ chủ nhịn ăn để chết theo chủ, chú chó khóc khi tìm lại được chủ sau nhiều năm lưu lạc, chú chó Bobby 14 năm nằm canh mộ chủ và đã được dựng tượng ở vùng Edinburg, chú chó Fido ở Italia chờ chủ suốt 15 năm ở bến xe bus như thường lệ mặc dù ông chủ đã chết …
Nhưng có lẽ làm cho cả thế giới xúc động nhất là câu chuyện của chú chó Hachiko đã trở thành một “báu vật quốc gia” của Nhật Bản nhờ vào lòng trung thành tuyệt đối với chủ nhân. Chủ của Hachiko là một giáo sư độc thân tại Đại học Tokyo, người mỗi ngày đều đón tàu đi làm. Cứ mỗi tối, Hachiko lại đến ga tàu đón chủ nhân trở về. Một ngày nọ, vị giáo sư bất ngờ bị xuất huyết não trên giảng đường và không bao giờ trở về nữa. Nhưng Hachiko vẫn ngày ngày đều đặn tới ga tàu để chờ đón ông. Bảy năm sau, câu chuyện về chú chó trung thành ngày ngày ngóng đợi chủ ở ga tàu suốt những năm tháng qua đã được kể lại trong bài báo tưởng niệm vị giáo sư đáng kính. Hachiko trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản và được tôn vinh là “báu vật quốc gia”. Người dân xứ sở hoa anh đào ca ngợi Hachiko như một biểu tượng của lòng trung thành đối với gia đình và Tổ quốc. Năm 1934, khi Hachiko qua đời, tin tức về cái chết của chú được lan truyền khắp Nhật Bản. Và tới tận bây giờ, vẫn có hàng triệu người dân Nhật xếp hàng chỉ để được nghe một đoạn băng ghi âm tiếng sủa của chú chó “báu vật quốc gia” này.
Phải chăng những đức tính của người Nhật: sự tử tế, khiêm tốn, tôn trọng đồng loại, tôn trọng muôn loài, tôn trọng thiên nhiên là yếu tố góp phần quyết định để nước Nhật sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và sống lại từ đống tro tàn trong lúc nhiều dân tộc thắng trận đang lụi tàn vì đã kiêu ngạo trong hào quang chiến thắng.
Phiến khúc haiku của Issa như một lời cảm thán ngợi khen về loài chó bằng một cấu trúc tu từ “tuy là … nhưng …” mà dân gian vẫn hay dùng với hai cụm từ đối lập: tuy là chó nhưng biết lễ độ nhường đường cho khách. Câu ngợi khen đôi chút nhuốm màu hài hước nhẹ nhàng nhưng thật ra rất thâm trầm khi ta làm một phép so sánh. Nó nhắc ta về hiện tượng “sống chụp giật”, “đạp lên đầu nhau mà sống”, về sự “sự phản trắc”, “vô lương” đang lan tràn như dịch bệnh trong thế giới loài người hiện đại ở thế kỷ XXI này.
LVT