Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, Haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản. Vì vậy, ở lĩnh vực văn học nói chung và thơ Haiku nói riêng, người Nhật đều tìm cách phổ cập hóa một cách mạnh mẽ.
Ở Nhật, các cuộc thi sáng tác thơ Haiku được tổ chức rộng khắp và rất thường xuyên ở cả về không gian (có rất nhiều cuộc thi Haiku dành cho những người nước ngoài, không phải là người có quốc tịch Nhật đều có thể tham gia) lẫn đối tượng (không giới hạn độ tuổi). Có thể nói việc phổ cập thơ Haiku tại Nhật Bản cho trẻ em chính là một trong những cách giáo dục tâm hồn trẻ thơ hiệu quả nhất.Thế hệ trẻ cũng chính là tương lai của đất nước do đó việc kế thừa và bảo tồn những tài sản văn hóa tinh thần như thế này cũng rất cần được quan tâm. Để thực hiện trách nhiệm quan trọng là tiếp nối và kế thừa vẻ đẹp của nền văn hóa truyền thống này, tại Nhật, đã và có những cuộc thi thơ Haiku, thơ Haiku dành cho trẻ từ các cấp chính quyền (tỉnh, làng xã) đến các trường học, công ty tư nhân …tổ chức.
Dưới đây, xin giới thiệu một số bài thơ Haiku do các em học sinh tiểu học sáng tác và đã đoạt giải.
くつひもにくやしさのこるうんどう会 ( Kutsuhimo ni / Kuyashisha nokoru / Undoukai)
Trên dây giày
Vẫn còn đọng nỗi thất vọng
Trong cuộc thi thể thao
(埼玉県 小鮒 未来 8歳 : Học sinh tiểu học, 8 tuổi, tỉnh Saitama)
ねる前にかぞえなおすよお年玉 ( Nerumaeni / Kazoenaosu/ Otoshidama )
Trước khi ngủ
Đếm đi đếm lại
Tiền lì xì
(千葉県 増山 波瑠 9歳 : Học sinh tiểu học, 9 tuổi, tỉnh Chiba)
ケシゴムが私を見てる夏休み ( Keshigomu ga / Watashi wo miteru / Natsuyasumi )
Cục gôm
Đang nhìn tôi
Kỳ nghỉ hè
(東京都 安部 未悠 9歳 : Học sinh tiểu học, 9 tuổi, Tokyo)
音楽よ雪のねいろになってみろ (Ongaku yo / Yuki no neiro / ni natte miro)
Âm nhạc ơi !
Hãy thử biến thành
Màu của tuyết nào!
(滋賀県 西村 陽央 9歳: Học sinh tiểu học 9 tuổi, tỉnh Shiga)
しもばしらふんで音でる笑みもでる (Shimobashira / Funde onderu / Warami mo deru )
Bước trên những giọt sương mai
Những âm thanh
Và nụ cười đều bật ra.
(兵庫県 谷口 真那斗 10歳 : Học sinh tiểu học 10 tuổi, tỉnh Hyogo)
Đây là những bài thơ đoạt giải “Những bài Haiku mới” lần thứ 26 (năm 2015) do công ty Itoen- công ty sản xuất các loại trà và là một trong những công ty có hoạt động truyền bá thơ Haiku tại Nhật từ khá lâu. [1]
桜さき田んぼの水が光ってる ( Sakurasaki / Tanbo no mizu ga / Higatteru)
Cành Sakura
Đang phản chiếu
Trên mặt nước của ruộng lúa
(米谷 有未 秋田県大潟小学校3年: Học sinh trường tiểu học Ogata, tỉnh Akita, 8 tuổi)
さくらさきしょうがくせいになかまいり ( Sakurasaki / Shogakusei ni /Nakamairi)
Cành Sakura
Trở thành bạn bè
Với học sinh tiểu học
( 福田 心和 秋田県塙川小学校1年: Học sinh trường tiểu học Hanawagawa, tỉnh Akita, 6 tuổi)
さくらさんがんばれかぜがふいてても ( Sakurasan ganbare/ Kaze ga / Fuitetemo)
Sakura ơi!
Cố lên nhé !
Cho dù gió đang thổi
( 鎌田明日美 秋田県御所野小学校5年 : Học sinh trường tiểu học Ono, tỉnh Akita, 10 tuổi)
花ふぶき光をあびてちょうのよう (Hanafubuki /Hikariwo abite /Chou no you)
Hoa rơi rụng như tuyết
Tắm mình trong ánh sáng
Giống hệt cánh bướm
(小池 閑敬 秋田県港北小学校 5年: Học sinh trường tiểu học Kohoku, tỉnh Akita, 10 tuổi)
Đây là những bài thơ đoạt giải năm 2013 do tỉnh Ogata tổ chức [2].
Cà phê Tsubaki
Rất nổi tiếng
Ở vùng quanh Mejiro
(Fukui Reika, 7 tuổi, Kyoto)
Chỉ có dịp Tết
Là đại gia đình
Sum họp, đoàn tụ
(Nakashima An, 8 tuổi, tỉnh Kagoshima)
Cho dù là học sinh lớp mấy
Nhưng vẫn nhiều lần nghe đấy thôi
Bà ơi !
(Taguchi Kazuki, 8 tuổi, tỉnh Hyogo)
Người tuyết
Rất thích
Chiếc nút bằng đá
(Makita Nanami, 7 tuổi, tỉnh Nagano)
Ở lễ hội cá chép
Tôi tự hỏi
Có từ vựng “ojichan” không nhỉ?
( Ito Atsuki, 6 tuổi, Kyoto)
( Các bài thơ ở trên được dịch theo thứ tự từ trái sang phải)
Đây là những bài thơ đoạt giải lần thứ 8 (năm 2015) do Trường Đại học Bukkyo tổ chức. [3]
Gần đây, với sự phát triển của mối quan hệ giao lưu văn hóa Nhật- Việt, Nhật Bản cũng đã bắt đầu tổ chức những cuộc thi sáng tác Haiku dành cho trẻ em ngay ở Việt Nam như “Cuộc thi làm thơ Haiku cho trẻ em thế giới 2013-2014”, cuộc thi làm thơ Haiku cho trẻ em Việt Nam năm 2014 với chủ đề “Tình bạn”…[4] Thông qua những cuộc thi như thế này, không chỉ giúp làm gắn kết chặt thêm cầu nối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Nhật Bản mà còn là cơ hội giúp các em rèn luyện, phát triển khả năng tư duy về ngôn ngữ và cảm thụ văn học vì sáng tác thơ Haiku cần khả năng quan sát, chắt lọc để thể hiện một cách tinh tế nhất cảnh sắc thiên nhiên, cảm xúc, tâm tư của mình cũng như để gửi gắm những điều muốn nói dưới hình thức “ý tại ngôn ngoại” như đặc trưng vốn có của thơ Haiku.
Ở Việt Nam, thơ Haiku đã được tiếp nhận, tiếp biến và được yêu thích từ rất lâu nhưng việc đưa Haiku vào trong cuộc sống, nhất là đưa Haiku đến gần với thế giới trẻ thơ vẫn còn “bỏ ngỏ”. Gần đây, đã có những cuộc thi Haiku dành cho trẻ em.Từ những kinh nghiệm trong việc phổ cập thơ Haiku tại Nhật cho trẻ em, hy vọng trong thời gian sắp tới, thơ Haiku Việt với những đặc trưng riêng sẽ có thể tìm được con đường kết nối như thế để hòa nhập vào không gian muôn màu, muôn sắc của thế giới Haiku.
ĐTHP
[1] https://www.itoen.co.jp/new-haiku/26/shou-yuu.php
[2] https://www.ogata.or.jp/sightseeing/2013nanohana_haiku.html
[3] http://www.bukkyo-u.ac.jp/haiku/haiku_2014/index.html
[4] http://trungvuong.edu.vn/news/Guong-sang-Trung-Vuong/Le-nhan-giai-Cuoc-thi-lam-tho-Haiku-cho-tre-em-the-gioi-2013-2014-cua-cac-ban-hoc-sinh-lop-chuyen-Nhat-354/
http://hanoitv.vn/Van-hoa/Tinh%20ban-qua-tho-Haiku-Nhat-Ban/45512.htv