Phụ từ trong thơ Haiku do người Việt sáng tác

alt

Xin được gọi tính từ và trạng từ bằng một tên chung là phụ từ cho gọn. Trong thơ Haiku Nhật Bản, nhất là thơ cổ điển, có những yêu cầu rất chặt chẽ về số lượng âm tiết, tính vô sai biệt, quý ngữ… trong đó có quy tắc không sử dụng phụ từ. Đến thời kỳ cận đại, nhiều trường phái giảm dần mức độ trong các yêu cầu. Thơ haiku Nhật hiện đại dường như rất thông thoáng với những tiêu chí này.

alt

Người Việt mang thơ Haiku về gieo trên đất nước mình bằng thái độ dè dặt với các quy tắc nhưng hồ hởi với tính ngắn gọn và súc tích của nó. Thế rồi bằng cách nhìn thế giới tự nhiên, cuộc sống xã hội, nếp văn hóa và tâm hồn phong lưu truyền thống của dân tộc, các tác giả đã mạnh tay cho ra đời những khúc Haiku mang màu sắc Việt mà vẫn giữ nguyên tiêu chí nguyên thủy của thể loại thơ này. Bài nhàn đàm ngắn chỉ xin đưa ra cách nhìn về một quy tắc nhỏ – phụ từ trong thơ Haiku.

Hãy đọc phiến khúc thơ này của haijin Vũ Tam Huề để cùng lắng hơi thở mùa hè qua tiếng hoa phượng nở:

Nắng trưa hè

Im nghe… im nghe

Lao xao phượng nở

Nếu bỏ tính từ “lao xao” đi thì khúc thơ vẫn là thơ Haiku và vẫn gợi. Ta chỉ nhìn thấy hoa nở chứ ít ai nghe thấy trừ những người mang tâm hồn thơ. Hoa phượng nở khẽ lắm cho nên phải im nghe và dẫu đã thế thì cái âm thanh hoa nở cũng chỉ lao xao thầm thào với một tâm hồn lãng mạn.

Việc dùng phụ từ để làm đẹp hơn, bóng bẩy hơn cho một danh từ hay động từ hiện đã khá phổ biến có thể bắt gặp ở rất nhiều bài thơ. Điều đáng ngạc nhiên là đã xuất hiện nhiều khúc Haiku mà tính từ giữ vai trò một ngắt ý (hay hình ảnh) như danh từ hay động từ mà vẫn cứ mang nổi sứ mệnh như một thành phần tạo nên bài thơ.

Bến nước đầu làng

Lời tỏ tình

Trong veo (An Hải)

Tính từ “trong veo” không chỉ là phụ ngữ cho danh từ “Bến nước đầu làng” hay “Lời tỏ tình”. Nó nói lên cái tinh khôi của cuộc tình lứa đôi, của cả câu chuyện dài nơi bến nước đầu làng, nơi mà đôi trai gái mở lời, trao phận .

Lam Hồng đã nằm nghe mưa đêm và nhận về một tâm trạng:

Đêm

Giọt mưa rơi

Chơi vơi

Danh từ “đêm” và một câu ngắn “giọt mưa rơi” là hai ngắt ý tạo dựng thời gian, không gian và tình huống cho khúc thơ. Tính từ chơi vơi chễm chệ ngồi vào vị trí của ngắt ý thứ ba. Có sao đâu, khi người ta nằm thao thức đếm từng giọt mưa đêm, ai chẳng thấy mình nhỏ nhoi, cô đơn giữa không gian đêm thăm thẳm và trầm mặc bên ngoài để rồi liên tưởng mình với giọt mưa. Và chơi vơi là tính từ phù hợp nhất nói giùm tâm trạng chông chênh, lạc lõng của cái cảm giác không biết bám víu vào đâu của người đắm trong tiếng mưa đêm.

Nếu hỏi hình ảnh nào của Hội Lim là đẹp nhất, mang dấu ấn sâu nặng nhất còn đọng lại trong tâm thức cho đến tận lúc đã giã bạn ra về. Có lẽ câu trả lời của không ít người là Chị Hai. Chị duyên dáng trong từng bước đi cùng dải áo mớ bẩy mớ ba quấn gió và chiếc nón quai thao đong đưa nhịp nhàng. Chị xinh tươi khi cất tiếng giao duyên mời trầu, khi trèo lên Quán Dốc, khi ngồi tựa mạn thuyền và cả khi đứng một mình. Khúc thơ này chỉ vỏn vẹn tám âm tiết mà đã khắc họa được hình ảnh Chị Hai trẻ trung, tươi tắn và duyên dáng ấy:

Mớ bẩy mớ ba

Nõn nà

Lúng liếng (Lý Viễn Giao)

Ngắt ý đầu là một danh từ, ngắt ý thứ ba là động từ, còn “nõn nà” chỉ là một tính từ. Ba ngắt ý này hợp lại nâng nhau lên thành hình ảnh một Chị Hai như đã nói. Hình ảnh này còn khiến người đọc tự hình dung ra một hội xuân, một sức sống non tươi, khỏe khoắn đang mơn mởn trong dòng đời dẫu còn nhiều bề bộn.

Thi huynh Đinh Nhật Hạnh có một bài thơ rất trẻ:

Đôi sẻ mùa yêu

Nhấp nhô

Nhấp nhổm

Trẻ ngay từ hình ảnh đầu tiên. Sẻ ít khi chỉ bay đôi, chúng bay thành từng bầy rồi bất chừng sà xuống một bãi cỏ hay ruộng lúa. Nhà thơ đã chộp được đúng lúc chỉ có một đôi đang tình tự. “Mùa yêu” là quý ngữ gián tiếp nhưng rất độc đáo đã làm tăng thêm sức trẻ của tứ thơ. Lần đầu tiên ta bắt gặp trong một khúc thơ có hai tính từ sắm vai ngắt ý. Nhấp nhô nói lên hình ảnh lặp đi lặp lại, lên xuống của một thực thể như sóng hay con thuyền…Nhấp nhổm cũng vậy nhưng có thêm một chút dịch chuyền nhỏ. Toàn cảnh mà khúc thơ vẽ lên là hình ảnh của sự yêu đương, của quy luật sống và đấy là mùa xuân. Bất giác bài thơ làm ta nhớ lại ca từ trong một bài hát, “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau…”

Thế đấy, thơ Haiku đã được người Việt sáng tác theo ngôn ngữ Việt thật tuyệt vời. Có điều khi đưa phụ từ vào thơ vẫn không làm mất đi cốt cách của Haiku là gồm ba ngắt ý nên không thể cho rằng nó là một thể loại khác. Lại nữa, nếu tính từ (hay trạng từ) mà ta đưa vào thay cho danh từ (hay động từ) được dùng mặc định chỉ cho danh từ (động từ) ấy thì giá trị của việc thay thế càng cao. Trong các ví dụ đã nêu, “nhấp nhô”, “nhấp nhổm” chỉ dùng cho hiện tượng lên xuống nhịp nhàng. “Nõn nà” chỉ mặc định chỉ sự non tơ. Xin mạo muội làm một việc “khập khiễng” chẳng hay có đúng. Đó là thơ Haiku cổ phong của Nhật bản coi như một bức tranh thủy mặc thì thơ này do người Việt Nam sáng tác lại như một bức vẽ màu nước lung linh, tươi tắn và lộng lẫy nhờ sử dụng phụ từ một cách khéo léo.

Lý Viễn Giao

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt