Oh, fallen camellias,
if I were you,
I’d leap into the torrent!
Takaha Shugyo
Michael R. Burch phỏng dịch
Ôi đóa trà mi rụng
nếu là ngươi
ta đã gieo mình vào giòng nước
Lê Văn Truyền dịch
Hoa Trà (còn gọi là Trà Mi) có tên khoa học là Camellia, là tên gọi để tưởng nhớ thầy tu dòng Tên đồng thời là nhà thực vật học George Joseph Kamel đã có công du nhập hoa Trà từ vùng Viễn Đông sang Châu Âu. Hoa Trà nổi tiếng ở các nước Viễn Đông như ở Trung Quốc (茶花, “tea flower”), Nhật Bản (椿, tsubaki), Hàn Quốc (동백꽃, dongbaek-kkot) và Việt Nam …
Không tỏa hương thơm ngát hay màu sắc rực rỡ như hoa Hồng, hoa Trà mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng mà kiêu sa. Trong ngôn ngữ của các loài hoa, hoa Trà tượng trưng cho nét đẹp duyên dáng và kiêu hãnh của người phụ nữ. Chính vì vậy, từ hàng ngàn năm hoa Trà đã đi vào văn chương, nghệ thuật. Tuy xuất xứ từ Phương Đông, nhưng khi được di thực vào Phương Tây, vẻ đẹp kiêu sa của hoa Trà cũng đã mê hoặc nhiều văn nhân, thi sỹ và nghệ sỹ … Alexandre Dumas con (1824-1895) đặt tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông “La dame aux camélias” năm 1848 (bản dịch tiếng Việt: Trà hoa nữ) theo ý nghĩa của loài hoa này đối với nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết: Marguerite Gautier. Ca sĩ quá cố Ralph Peer (1892-1960) được coi là Cha đẻ của nhạc đồng quê, sinh thời là Chủ tịch của American Camellia Society (Hiệp Hội Trà Hoa Hoa Kỳ). Lady Coco Chanel (1883-1971) đã nổi tiếng vì mặc y phục màu trắng hoa trà và nụ hoa Trà được coi là biểu tượng của thương hiệu mỹ phẩm và thời trang Coco Chanel nổi tiếng. Hoa Trà cũng được chọn làm hình ảnh biểu trưng cho thành phố Sacramento và cho Temple City (bang Califonia – USA) và cũng được chọn làm loài hoa đại diện cho bang Alabama (USA).
Khi nhìn thấy đóa hoa Trà kiêu sa rụng xuống gốc cây, nhuốm đầy bùn đất, Shugyo liên tưởng đến biểu tượng cho lòng kiêu hãnh của người con gái của đóa hoa Trà. Nhà thơ cảm thấy xót thương cho thân phận của hoa cũng như người phụ nữ trong nghịch cảnh đáng thương. Shugyo tự liên hệ đến thân phận của mình và tự dặn lòng phải “chết trong còn hơn sống đục”, thà tự gieo mình vào “giòng nước trong” còn hơn để bị người đời đọa đầy trong bùn đất theo tinh thần câu phương ngôn phương Đông của người quân tử “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội