Nỗi cô đơn- Lê Văn Truyền

alt

alt

có người đàn bà nào

lưu luyến ta không

màn đêm thu buông

Buson Taganuchi

Đinh Nhật Hạnh dịch

Tôi không biết phiến khúc haiku này được viết vào năm nào, trong giai đoạn nào của cuộc đời Đại sư Buson. Nhưng theo tiểu sử của Buson, ta biết Đại sư lập gia đình rất muộn, vào năm 48 tuổi, khi đã trải qua hai phần ba của cuộc đời. Ông mất năm 1883, hưởng dương 67 tuổi. Có thể nói, là một nhà thơ đương thời nổi tiếng tài hoa cả Thi và Họa, chắc chắn trong suốt cuộc đời mình Buson không thiếu những trang “sắc nước, hương trời” quý trọng, ngưỡng mộ và yêu thương.

Thế nhưng cuộc đời xô đẩy, mãi đến năm 48 tuổi ông mới lập gia đình. Phải chăng trong suốt khoảng thời gian trước đó, bao nhiêu người đàn bà tài sắc đã đến với ông rồi … đi. Vì vậy, trong một đêm thu lạnh lẽo, thấm thía nỗi cô đơn, Buson bỗng tự đặt cho mình một câu hỏi: Trong rất nhiều người đàn bà đã đi qua cuộc đời mình, còn có ai lưu luyến ta không?

Có ai đó nói rằng: “Ở đâu đó có người đang mơ về nụ cười của bạn, ở đâu đó có người cảm thấy sự có mặt của bạn là đáng giá. Vì vậy mỗi khi bạn đang cô đơn, buồn rầu và ủ rũ, hãy nhớ rằng có ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về bạn”. Nhưng lúc này đây, trong khi đang cô đơn, buồn rầu, ủ rũ, bi kịch của Buson là ông không thể biết được liệu có ai trong những người đàn bà thân thiết từng đi qua đời mình còn lưu luyến mình chăng, có ai đang nghĩ đến mình trong khoảnh khắc này không?

Cảm xúc cô đơn nổi bùng của Buson càng thêm da diết trong một đêm Thu lạnh lẽo vì như Ernest Hemingway đã từng chia sẻ: “Tôi biết đêm không giống như ngày: mọi thứ đều khác, có những điều trong đêm không thể giải thích được ban ngày, bởi vì lúc đó chúng không còn tồn tại nữa. Và buổi đêm có thể là thời gian đáng sợ cho những người cô đơn một khi sự cô đơn đã bùng lên”. Có lẽ đây không chỉ là kinh nghiệm sống của Buson hay Ernest Hemingway.

Đa số chúng ta là những người bình thường, không phải là những con người nổi tiếng, nhưng chắc chắn ít nhất một lần trong cuộc đời chúng ta đã tự đặt cho mình câu hỏi như của Buson trong phiến khúc haiku này và chắc chắn chúng ta cũng đã từng trải qua những “thời khắc đáng sợ” mà tác giả của “Ông già và biển cả” đã nhắc tới trong câu nói trên đây của ông.

Lê Văn Truyền

Câu lạc bộ Haiku Việt – Hà Nội

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt