TỨ KHÚC I
1. Đinh Nhật Hạnh
Đôi gươm Damoclès treo lửng lơ
Bom hạt nhân có thể tránh
Bá quyền e còn lâu!?
Có thể nói, “chiếc gươm Damocles” có nguồn gốc từ câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa. Chuyện có hàm ý rằng, những nhà cầm quyền độc tài, bá quyền luôn lo sợ bởi mối nguy hiểm về cái chết.
Mở đầu, nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã khuyến cáo bằng dòng haiku dài như lưỡi gươm, từ “lửng lơ” rất hay vì nó đặt đúng chỗ, có thể cắm phập xuống bất cứ lúc nào! Đó là nỗi hãi hùng cho người có tâm xấu, muốn thôn tính thiên hạ bởi mộng bá quyền!
Tấm gương Tần Thủy Hoàng là một ví dụ…
Thơ haiku chỉ gợi thôi, chúng ta là người đọc thông minh có thể hiểu ngầm nhân vật nào đang rắp tâm nuôi giấc mộng khủng khiếp đó; chỉ vậy thôi đã đủ góp tiếng nói hòa bình cho thế giới.
Vâng, “bom hạt nhân” là vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng có thể tránh được bằng đường ngoại giao, thậm chí là loại hầm đặc biệt dành cho một bộ phận nào đó. Nhưng mộng bá quyền thì e còn lâu!
“Còn lâu” chỉ là cách nói dè bỉu cái không thể.
Đúng vậy, bài haiku của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh là bản thông báo hùng hồn về điều có thể và không thể.
Kẻ ác nghe cũng giật mình, đó là thông điệp lớn của thơ vậy.
2. Lê Quang Vũ
Đau khổ hãy về đây !
Ta sẽ trả thù
bằng nụ cười độ lượng
Phải là người có cái tâm tu dưỡng, mới viết được bài thơ đầy tính “độ lượng” này. Lê Quang Vũ là ai, tôi chưa biết, nhưng cái tâm này tôi đã biết, bởi thơ ông gần với lời Phật.
Lời kêu gọi rằng:” Tên Đau Khổ kia, ngươi hãy về đây nào!”, là cách nói của kẻ trong lòng không còn thù hận, vừa yêu thương vừa hài hước vô tư, bởi sự hài hước thường mang hiệu quả làm nhẹ tính khô cứng. Đây là câu thơ đắc giá, mời gọi được “kẻ thù” đến với ta, không hàm ngôn, không ác ý…
Và “ta sẽ trả thù ngươi” bằng nụ cười rộng mở của ta, tự nhiên xóa đi thù hận, đem lại hòa bình cho muôn loài ân hưởng.
Nụ cười ấy là lòng bao dung, từ bi nhất mà Đức Phật đã dạy, người con Phật đã thực hành trên 2500 năm rồi, đem lại biết bao ân phước cho chúng sinh.
Bài haiku thật hay, đã chiêu cảm tôi viết mấy lời đơn mộc, như tấm lòng của người đọc hồn nhiên vậy thôi…
3. Minh Trí
Bên tráng lệ Tokyo
sông Sumida thanh vắng
ẩn hiện am Basho
Thường những bài thơ tuyệt bút rất giàu hình ảnh, bài thơ này của nhà thơ Minh Trí như một họa sĩ tài ba, đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về đất nước Nhật Bản, khi ông đến thăm nơi lưu niệm Thi hào Basho.
Nước Nhật tuy đã phát triển bậc nhất thế giới, nhưng là nước coi trọng nền văn hóa truyền thống. Một thành phố Tokyo tráng lệ, vẫn có nét riêng cổ kính của nó. Dòng Sumida là lá phổi của Tokyo hiện đại, nó xuyên qua 23 nội thành của thủ đô Nhật Bản. Thời Edo không có cầu, người ta đi thuyền để ngắm hoa đào nở hai bên bờ sông. Ngày nay, tác giả đến nhằm lúc dòng sông còn thanh vắng, nên ngắm được sự tịch lặng của nó. Và tứ thơ bung ra như làn khói mỏng, vừa đủ che mờ chiếc am của Basho những năm cuối đời lang bạt kỳ hồ trở về an dưỡng.
Vâng, chiếc am nhỏ của vị Đại thi sĩ là nét mờ trong bức tranh hiện đại, nhưng xem toàn cảnh, nét mờ là chủ thể, mờ mà không mờ, vì luôn ẩn hiện trong tâm thức của dòng Sumida…
Nhà thơ Minh Trí đã dùng “ẩn hiện”, là từ đắc địa nhất trong ngữ cảnh này, hàm ý chỉ cho người thưởng lãm, dòng haiku tuyệt bút còn đâu đó trên xứ sở Hoa Anh đào…
Quả thật, thi ca đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, về những khát vọng lớn lao của con người…
4. Phan Phượng Uyên
Lời mẹ
vẳng bên tai
con bỗng thành thơ dại
Đọc bài thơ này của tác giả Phan Phượng Uyên, ai là người không nhớ về mẹ!? “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”, câu ca cứ văng vẳng bên tai, không thể nào ngăn dòng nước mắt.
Thật thế, thơ ca có khả năng hướng con người tìm về thế giới của lòng tri ân. Có lẽ, Phan Phượng Uyên muốn tri ân những lời căn dặn vô giá của mẹ dành cho mình, nhưng vô hình dung đã trở thành cho tất cả! Bởi câu thơ đọc lên nghe giản dị, nhưng có đủ chất để thấm thía về tình mẫu tử, khiến ai đó phải ngồi lại và ngẫm nghĩ về công đức sinh thành….
Quả thật, dù ta có lớn khôn dường bao, nhưng đối với cha mẹ, chúng ta vẫn như đứa trẻ thơ dại ngày nào.
Tác giả là người hạnh phúc vì còn có mẹ, còn những lời căn dặn vẳng bên tai. Và đạo lý của thơ là hãy biết tri ân mẹ, để được lạm mẹ!
Đó là thông điệp về hiếu đạo mà thơ đem lại…
Đà Lạt tháng 4.2019
N.T.N
(Còn nữa)
TỨ KHÚC 2 (tuần sau)