Những bông hoa dại- Lê Văn Truyền

alt

alt

lối mòn nghĩa trang

hoa dại vô danh

kiêu hãnh vươn mình

Lê Văn Truyền

Trong bài tùy bút của Nhà văn TS Chu Văn Sơn “Phận hoa bên lề” viết về hoa lau, một trong những loài hoa dại, tác giả đã rất tinh tế nhận xét:

“Đợi khi hầu hết các loài hoa trong năm đã khoe sắc phô hương cả rồi, bông hoa dại mới nở. Nếu xem mỗi niên hoa như một dãy dằng dặc, xếp hàng đợi đến lượt nở, thì nó đứng ở cuối hàng. Kiên nhẫn, nhún nhường, hay biết phận biết thân? Thật khó nói. Chỉ biết khi năm hầu tàn, mùa hầu cạn, chẳng còn loài hoa nào tranh chỏi nữa, nó mới dâng hoa. Nó nở trong gió bấc mưa phùn, dưới màu mây xám bạc và trong cái giá buốt của ngày đông tận. Nhưng không ai đợi nó dịp tất niên. Càng không ai chờ nó cho tân niên”.

Nhận xét về thân phận của những loài hoa dại, nhà văn viết:

“Nó là loài hoa không biết đến hội hè. Nó không có chỗ trong các bình hoa bày trang trọng tại những chốn cao sang. Cũng không có chỗ trong những vựa hoa, quầy hoa, sạp hoa bày trên phố xá. Không ai đầu tư, không ai khuyến mãi. Nó không bao giờ có mặt trong danh sách những thứ hoa cần mua sắm để trang hoàng khánh tiết cho bất kỳ cuộc vui nào. Và nó cũng chẳng dám mơ được nằm trên đôi tay tình nhân trao tặng nhau những dịp lễ lạc. Bàn tay chăm thôi còn chả dám mong, nói gì đến bàn tay tình. Có phải bàn tay duy nhất được biết đến trong đời là bàn tay cầm nắm nó khi triệt bỏ nó? Vương quốc thực sự của nó là những miền đất hoang, là núi đồi gò bãi. Nó là cư dân của những miền đời quên lãng. Nó tự sinh ra để tự khuây khỏa. Khoảng trống của hoang vu có bớt đi được phần nào không, mà giữa chốn hoang vắng, có bóng nó chập chờn, thấy lòng hoang dại bỗng dâng lên một niềm ấm áp”.

Nhà văn hào hoa đã nói thay những gì người đời thường nghĩ về thân phận của những loài hoa dại.

Thế nhưng …

… Do công việc, đôi khi tôi được trú chân trong những khách sạn sang trọng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Và, tôi thật sự ngạc nhiên thậm chí hứng khởi khi thấy nhiều loài dã hoa đồng nội quê nhà được ngự trị ở những vị trí trang trọng nhất và được những nghệ nhân hàng đầu với cả tâm hồn nghệ sỹ và bàn tay tài hoa đã biến chúng thành những bông hoa đẹp một cách lạ kỳ, còn đặc sắc hơn những bông hoa được chăm chút đêm ngày trong những vườn ươm hiện đại, trong những nhà kính mênh mông, lớn lên dưới ánh sáng nhân tạo, tưới nước và điều hòa nhiệt độ được lập trình 24/24 giờ.

Những bông hoa dại sống an nhiên thuận với lẽ tự nhiên của trời đất, không cần ánh sáng nhân tạo, không cần giàn phun sương tự động, không cần các loại phân bón tổng hợp, không cần vô số các thuốc bảo vệ thực vật (mà thực chất là những độc dược) và cũng không cần bàn tay chăm chút của người trồng hoa vì chúng biết rồi sẽ bị họ cắt và đem bán khi đến thì. An nhiên vì trước tiên nó được sống cho nó, để đòi hỏi sự công bằng và chứng minh nó phải có một chỗ đứng nhất định trên mặt đất, giữa muôn loài, dưới ánh mặt trời. Nó khoe sắc trên đồng nội tươi xanh, trên bờ ruộng, bờ rào, trên gò đồi lộng gió, ven những khúc đường quê thanh bình, trong những mảnh vườn nhà thân thương, trong những nghĩa trang u mặc … An nhiên vì nó tự tin về vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên, về sức sống mãnh liệt của mình, không lai tạp bằng nền công nghệ sinh học tiên tiến. Nó không thèm so mình với các loài hoa cảnh được chọn giống và lai giống, õng ẹo, sang chảnh, kiêu kỳ nhưng yếu ớt, sớm nở tối tàn. Nó lại và càng không hạ mình sánh với hoa giấy, hoa nhựa, hoa lụa …, nói chung là các loại “hoa giả” lòe loẹt, vô hồn đang hiện diện khắp nơi kể cả ở những nơi cao sang, tôn nghiêm nhất góp thêm phần vào sự giả dối đang tràn lan trong cuộc sống hiện nay.

Các loài dã hoa đang tồn tại một cách hồn nhiên, ung dung, tự tại chờ giây phút được xòe cánh khoe sắc, mở lòng tỏa hương cho những ai biết dừng chân nâng niu nó trong tay, biết nghiêng mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã, khỏe khoắn của những cánh hoa và hít sâu vào lồng ngực mùi hương dịu dàng, mộc mạc nhưng nồng ấm lan tỏa tràn trề từ nhụy hoa.

Vì vậy, tôi ước gì trên ngôi mộ của mình mai sau, luôn luôn nở những bông hoa dại bốn mùa của quê nhà …

Quê nội, Tháng ba Đinh Dậu Những ngày tìm về nguồn cội

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt