Tôi gặp Cao Ngọc Thắng khi anh 35 tuổi. Thế mà đã 30 năm trôi qua.
Lần đầu gặp nhau, ngồi ở quán nước, hóa ra hai anh em cùng chờ một người bạn. Tôi mở cặp vẽ, phác họa nhanh chân dung anh. Rồi anh cũng ký họa chân dung tôi, trong cặp vẽ của tôi. Một kỷ niệm đẹp, không quên. Tôi vẫn giữ hai bức ký họa ấy. Từ đó chúng tôi thường gặp nhau.
Cao Ngọc Thắng vốn xuất thân từ nghề dạy học. Anh tốt nghiệp khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (ở Cầu Giấy), năm 1976. Ra trường anh được phân công về giảng dạy ở khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội II – Xuân Hòa, cách Hạ Nội 40 km. Anh bảo: Nếu ngày ấy khoa Địa lý ĐHSP II không giải thể, thì có lẽ anh sẽ dạy học đến khi về hưu.
Năm 1984, Cao Ngọc Thắng chuyển công tác, về làm biên tập viên của Tạp chí Kinh tế vùng (thuộc UB Phân vùng Kinh tế Trung ương) ở 48 Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Anh trở thành nhà báo chuyên nghiệp từ ngày đó.
Ngày tôi quen Cao Ngọc Thắng, anh đang là biên tập viên của Tạp chí Thông tin thuộc Bộ Thông tin. Sau này anh thường nói vui: Mình sinh ra đúng thời kỳ nhập-tách rồi tách-nhập, cho đến tận ngày nghỉ hưu. Mà đúng vậy. Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao-Du lịch hình thành, Cao Ngọc Thắng về làm ở báo Văn Hóa, rồi cuối năm 1995 anh về Đài PT-TH Hà Nội.
Thuyên chuyển nhiều chỗ, nhưng anh em bạn bầu (anh bảo đừng dùng “bạn bè”) vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Hai anh em giới thiệu cho nhau những người bạn mới, đều là người làm báo hay họa sĩ, nghệ sĩ. Cao Ngọc Thắng thường đăng báo những bài viết có tính ký sự, chân dung, kể cả khi anh làm phát thanh và truyền hình. Những bài viết, và cả sau này khi làm thơ, viết truyện, anh đều vận dụng nhiều tri thức địa lý. Nhiều lần anh tâm sự: Nghề báo, nghề văn rất cần những tri thức địa lý. Anh thich đi và đi nhiều, hầu như khắp đất nước. Đi đến đâu anh cũng có bài viết, bài thơ về nơi đã tới. Anh có nhiều bài thơ viết về các mùa trong năm, về Hà Nội, về ký ức làng quê. Chẳng hạn, một khổ trong bài “Hà Nội yêu”:
Nhớ Hà Nội là nhớ Hà Nội đêm
Ánh đèn vàng vàng sang cây vào lá
Tiếng dương cầm quyện nước hồ sóng sánh
Cánh tay vòng anh mềm mại lưng em
Khi CLB Haiku Việt Hà Nội chuẩn bị ra Nội san, Cao Ngọc Thắng rủ tôi: Cậu vào làm cho vui. Thế là từ đó tôi trở thành họa sĩ của CLB, vẽ tranh minh họa cho Nội san Haiku Việt và cho các hoạt động khác. Anh thường trao đổi với tôi về thơ haiku. Những bài thơ haiku do anh sáng tác cũng rất đậm màu sắc địa lý. Chẳng hạn:
* Quánh bắp chân
Soi
Dấu hỏi cấy mùa
* Đêm thu
Gom bao điều nhung nhớ
Thả vào trăng mộng mơ
* Hơi thở của gió
Gợn sóng vàng lăn tăn
Trăng run bên song cửa
Nhớ nghề dạy học, anh viết:
* con đò cập bến
người lên người xuống
chuyến mới qua sông
* mùa thu vào
phượng nở
bầy chim nhỏ ùa bay cao
* kiến thức vô cùng
chữ nghĩa chiết trung
làm người – thủy chung
Cao Ngọc Thắng là một trong những cây bút bình thơ haiku được bạn đọc Nội san Haiku Việt và trang web. haikuviet.com yêu thích, vì sự dung dị, sâu sắc. Tôi còn thích cái chất nhà giáo vẫn đậm đà trong con người thi sĩ của anh.
Nhân ngày Nhà giáo 20-11-2017
Hs P.V.K