Một thế giới bất trắc- Lê Văn Truyền

alt

alt

the new calendar!

as if tomorrow
is assured …

Inahata Teiko

Michael R. Burch phỏng dịch

quyển lịch mới

như nói cùng ta

liệu ngày mai có chắc …
Lê Văn Truyền dịch

Mỗi khi đón chào năm mới, ta thường háo hức bóc tờ lịch đầu tiên với bao niềm hy vọng vào một năm sẽ đem lại cho ta những niềm vui mới, hạnh phúc mới như lời chúc “Happy New Year” vẫn thường nổi bật trên bìa quyển lịch. Thế nhưng tại sao phiến khúc haiku của Inahata Teiko lại thể hiện một tâm trạng khắc khoải, bất an … khi bà bóc tờ lịch đầu tiên của năm mới?

Ngày mai có chắc …?” là câu hỏi lửng lơ không lời đáp về một tương lai không chắc chắn, bất định … không chỉ thể hiện tâm trạng của bà mà phần nào là tâm trạng của cả nhân loại trong thời đại này.

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI nền sản xuất công nghiệp toàn cầu phát triển như vũ bão đã để lại những hậu quả kinh hoàng và khó lường cho nhân loại (trái đất nóng lên vì khí thải hiệu ứng nhà kính, tốc độ diệt vong của sinh giới tăng nhanh, môi trường suy thoái khủng khiếp …). Nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đã phải trăn trở đặt câu hỏi: Với cái đà này, đâu là tương lai của nền văn minh công nghiệp?

Ulrich Beck (1944-2015), nhà xã hội học đương đại người Đức, cho rằng: Trước đây con người là nạn nhân của nền “kinh tế khan hiếm” với ý nghĩa khan hiếm của cải vật chất, trong đó các rủi ro và nguy cơ chủ yếu đến từ các thảm hoạ tự nhiên. Ngày nay, chúng ta đang trở thành nạn nhân của những nguy cơ do chính mình gây ra. Nhân loại đang chứng kiến bước ngoặt của xã hội hiện đại từ một xã hội công nghiệp cổ điển chuyển sang một hình thái mới “xã hội công nghiệp nguy cơ” (risk industrial society) trong đó nhân loại phải đối mặt với cả nhân tai và thiên tai, và ngay cả thiên tai cũng có phần không nhỏ do con người gây ra. Gắn liền với “xã hội công nghiệp nguy cơ” là sự chuyển đổi từ phương thức phân phối sự giàu có và phúc lợi sang phương thức phân phối nguy cơ và rủi ro. Sự giàu có, phúc lợi do nền công nghiệp hiện đại tạo ra được phân phối cho một thiểu số người giàu, quốc gia giàu có trong khi đa số người nghèo, những người yếu thế và các nước nghèo phải gánh chịu phần lớn các nguy cơ và rủi ro như là một thứ “phụ phẩm” (by-products) của nền công nghiệp hiện đại.

Không phải là nhà xã hội học cũng không phải là nhà kinh tế học, với tư cách là thường dân của một nước đang phát triển, tôi thì lại muốn đặt tên cho cái “nền công nghiệp nguy cơ” của Ulrich Beck là “nền công nghiệp tham lam”. Tham lam vì nó chiếm hầu hết phần phúc lợi, sự giàu có trong khi trút hết mọi nguy cơ và rủi ro lên đầu người khác. Hãy nhìn các nước thượng nguồn sông Mekong đã xây 15 nhà máy thủy điện và còn dọa sau 2020 sẽ xây thêm 30 đập thủy điện nữa để khai thác tiềm năng 250.000 MW điện năng phục vụ cho nền công nghiệp của họ, biến đất nước họ thành “cái bình điện khổng lồ” của Đông Nam Á, đẩy nước ta vào thế phải hứng chịu rủi ro nhãn tiền về “những quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu và đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa, thủy hải sản, trái cây … nuôi sống hàng chục triệu người sẽ trở thành những “cánh đồng chết” như thế nào! Và đêm 23 tháng 7 năm 2018 mới đây, đập thủy điện Setien Senamnoi trên sông Mekong công suất 410 MW, một “quả bom nước” chứa 5 tỷ mét khối nước, đã nổ ở Attapeu (Nam Lào) chắc chắn không những gieo tai họa nhãn tiền cho người dân địa phương mà nhân dân vùng hạ lưu sông Mekong cũng phải hứng chịu những ảnh hưởng khôn lường.

Ấy thế mà, việc phân bổ nguy cơ và rủi ro cho các nước kém phát triển đôi khi còn được ngụy trang bằng một thuật ngữ kinh tế mỹ miều “đầu tư trực tiếp nước ngoài” (FDI: Lưu Foreign Direct Investment) để chuyển những ngành “công nghiệp rủi ro” sang các nước chậm phát triển.

Thế giới hiện đại đang bất ổn vì cũng như sự bất công trong phân phối của cải, phân phối nguy cơ, rủi ro cũng không công bằng. Nói cho ngay, theo suy nghĩ của kẻ viết những dòng này, nạn khủng bố dã man không thể tưởng tượng nổi đang lan tràn như dịch bệnh nhắm vào những nước giàu, ngoài những nguyên nhân về tôn giáo, phần nào còn phản ánh sự bất mãn về thực trạng mất công bằng trong khai thác tài nguyên, trong phân phối của cải, phúc lợi và rủi ro. Hơn thế nữa, chúng ta đang chứng kiến nạn dịch “hội chứng sùng bái giá trị vật chất” ngày càng lấn át các giá trị tinh thần cao đẹp của con người. Lòng trắc ẩn, tâm từ bi đã trở nên khan hiếm, nhường chỗ cho bạo lực và sự dã man trong khi “lòng trắc ẩn chính là nền tảng của mọi đạo đức” (Arthur Schopenhauer, 1788 – 1860, Đức). “Một người từ bi không bao giờ giàu. Nhưng một người giàu, lại không có chút từ bi” (Tục ngữ Trung Quốc).

Câu hỏi lửng lơ trong phiến khúc haiku của Inahata Teiko tuy ngắn gọn nhưng đã phản ánh sâu sắc tâm trạng khắc khoải, bất an thường trực của cá nhân bà với tư cách là một công dân Nhật, một trong những nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là tâm trạng của nhân loại về một tương lai bất định với những bất trắc, nguy cơ và rủi ro không lường trước được.

Trước thực trạng xã hội đáng buồn của nhân loại, Đạt Lai Lạt Ma đã phải lên tiếng thiết tha kêu gọi: “Lòng trắc ẩn không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề của con người. Nó không xa xỉ nhưng rất thiết yếu đối với sự bình an, sự ổn định tinh thần của chúng ta và đối với sự sống còn của nhân loại.

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt