Cảm thụ Haiku xứ Trầm

HAIKU NGÁT HƯƠNG TRẦM

CẢM THỤ “HAIKU XỨ TRẦM”

Haijin Lê Văn Truyền

          CLB HAIKU VIỆT HÀ NỘI

 Trong heo may gió Thu Hà Nội, tôi nhận được món quà từ Câu Lạc Bộ Haiku Việt Nha Trang: Tuyển tập “Haiku xứ Trầm” xinh xắn. Quyến sách in 3 ngữ: Việt, Nhật, Anh trình bày trang nhã các bài haiku của 15 thành viên và 3 cộng tác viên của Câu Lạc Bộ. Đây là tập thơ thứ tư kể từ khi thành lập Câu Lạc Bộ Haiku Nha Trang.

Thành viên CLB HKV Nha Trang hầu hết là những haijin lớn tuổi, đã từng trải qua nhiều lĩnh vực và cương vị công tác khi còn tại chức, nay tập hợp nhau lại vì tình yêu haiku xứ Phù Tang.

Haiku của các haijin Nha Trang cô đọng, kết tinh những cảm xúc lắng đọng của những trải nghiệm cuộc đời, niêm vui cuộc sống bình dị của những người cao tuổi bên gia đình, con cháu… và cũng không ít những chiêm nghiệm về cuộc đời, những hồi tưởng về tuổi tráng niên cùng đồng đội, bạn bè … thời chiến tranh và dựng xây đất nước đầy gian khó…

Nói về sự hy sinh, haijin Trần Chiến mượn hình ảnh cây dó bầu, loài cây duy nhất có thể tạo ra Trầm hương và Kỳ nam, cùng với Long diên hương là ba hương liệu quý nhất trên thế giới:

Cây dó đại ngàn

thân tàn ruỗng mục

chút hương dâng đời

Cây dó bầu (Tên khoa học: Aquilaria crassana) là loài cây duy nhất chỉ có thể tạo ra Trầm hương và Kỳ nam sau khi đã bị một vết thương trên thân cây. Cây dó sẽ huy động toàn bộ tinh chất của mình để tiết ra một loại tinh dầu: đó là Trầm hương và Kỳ nam. Và quá trình hàng chục năm tạo ra hương liệu cũng là quá trình cây lụi tàn, để lại cho đời khối trầm hương hoặc kỳ nam quý báu. Phải chăng, trong cuộc đời chúng ta đã có bao con người thầm lặng vượt qua những tổn thương thực thể và tâm hồn, sống trong sáng như tấm gương và để lại cho đời những giá trị quý báu?

Cũng tác giả Trần Chiến, một haijin U70 đã có cái nhìn khá hồn nhiên khi thấy:

 Đàn kiến

đưa tang

chú ve ssầu ngủ quên

           Vâng, chú ve sầu sau khi miệt mài ca hát đã vô tư ngủ vùi, và các bạn kiến cũng vô tư nghĩ rằng chú ve đã chết nên vội vàng xúm nhau lại cõng chú ve đến nơi an nghỉ cuối cùng. Một thế giới động vật đầy tình người!

Tháng Ba

đỏ hoa gạo

bến chờ

 Hoa gạo, còn có tên chữ là hoa Mộc miên, là hình ảnh quen thuộc của nông thôn Việt Nam, đặc biệt cây hoa Gạo mọc lên ở các bến đò trên các dòng sông quê. Phải chăng bao đời nay người ta đã trồng những cây gạo để đánh dấu bến đò làng. Và vào cái thời mà những con đò là phương tiện đường thủy phổ biến, cây gạo với những bông hoa đỏ rực là chứng nhân của bao cuộc chia tay, đợi chờ và hội ngộ.

Haijin Lương Thị Đậm tưởng nhớ hình ảnh người Mẹ của mình, như bao bà mẹ Việt Nam đã tần tảo nuôi dạy những đứa con trong chiến tranh loạn lạc và gian khó, những bà mẹ Việt Nam tuy thân hình có thể nhỏ bé nhưng tâm hồn và bản lĩnh không thua kém, nếu không muốn nói là hơn bất cứ một bà mẹ nào trên thế giới:

Mẹ ngoáy trầu

ánh nhìn sâu thẳm

nỗi đòi bể dâu

Nữ haijin Mộng Hòa có một cái nhìn thật trìu mến với chú cún con. Chú con, như một đứa trẻ non nớt chưa phân biệt được đâu là hoa nắng và đâu là một “người bạn” để cùng đùa vui:

Cún con

chạy lon ton

bắt nhầm hoa nắng

          Haijin Nguyễn Tiến Liêu (1938) tôi đồ rằng Ông đã trải qua cuộc chiến tranh, để nay cùng trải nghiệm nỗi đau của những đồng đội – nạn nhân chất độc da cam” – trong cảnh những thế hệ tiếp theo vẫn mang trong mình di chứng:

 Chiến tranh qua đi

hai đứa con

ngồi lì một chỗ

Haijin Nguyễn Văn Lớn (1938) có lẽ là thành viên lớn tuổi nhất của Câu Lạc Bộ. Là người từng trải qua bao biến động và sóng gió của cuộc đời, của gia đình, bạn bè… Với bao chiêm nghiệm về cuộc đời, đã đưa ra một tổng kết:

Nước mắt nhân loại

tưới không tắt

ngọn lửa

 Lửa cháy rừng, lửa do sóng thần, lửa động đất, lửa núi lửa phun trào … do thiên nhiên gây ra. Nhưng lửa chiến tranh, ngọn lửa tàn bạo nhất do con người gây ra vẫn chưa bao giờ tắt trên Trái đất này. Vậy nhân loại còn cần bao nghiêu nước mắt … một câu hỏi lớn của thời đại đặt ra cho một số “cái đầu nóng” đang vận hành thế giới.

Nữ haijin Vũ Phượng đã có một phiến khức haiku làm ta liên tưởng đến đức tính tốt đẹp của những người phụ nữ Việt Nam:

Hoa xương rồng

trên đồi cát bỏng

tươi mầu thời gian

           Haijin Nguyễn Sương (1951) với 70 năm cuộc đời, thật ung dung tự tại trong cõi Thiên – Địa – Nhân:

Vươn tay với Trời

duỗi chân đo Đất

không thấy gì

 Vâng, Trời và Đất không có ý kiến gì thì Ta cứ rong chơi thôi, thưa haijin Nguyễn Sương! Thưa haijin Nguyễn Sương, nếu được phép người viết bài này xin thêm 1 chữ Ta vào đầu đoạn 3: “Ta không thấy gì

Haijin An Hải (1949) nhớ đến mẹ hiền, nay chắc đã khuất bóng. Nhưng chắc chắn bài học về lòng nhân từ của Mẹ vẫn đi theo nhà thơ suốt cuộc đời:

Thềm nhà xưa

đàn kiến giăng giăng tha mồi

mẹ nhẹ nhàng gác chổi

 Haijin Ánh Thu là một TS Vật lý nên đã phát huy tư duy khoa học trong phiến khúc haiku dưới đây, như tổng kết thành một quy luật, hình như là một quy luật về “mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức”:

Già vẫn dại vẫn sai

cây nhiều gai vẫn cho trái ngọt

lẽ đời

 Haijin Mân Thùy Trang đã tặng người đọc một phiến khúc haiku thật gọn gàng, xinh xắn chỉ có 8 từ nhưng chuyển tải ý nghĩa thật là sâu sắc:

Từ bùn đen

sen

vươn mình tỏa hương

Nữ haijin Nguyễn Thị Ngọc Vân cũng cho ta lời khuyên của một người từng trải qua bao nhiêu “nặng nhẹ của cuộc đời”:

Tâm thanh tịnh

không nặng nhẹ chuyện đời

buông

 Và haijin Lê Thị Thanh Vân cũng có tâm hồn đồng điệu, ung dung tự tại (chắc vì cũng tên Vân – nhẹ như Mây):

Nỗi buồn xa

niềm vui qua

ta ở lại

           Haijin kiêm họa sĩ Lê Vũ tuổi U 80, mặc tuổi tác và sương gió cuộc đời, vẫn ung dung tự tại, trong phiến khúc haiku cực ngắn, chỉ gồm có 6 từ:

Cội già

góc vắng

nở hoa

           Thơ haiku Việt của CLB HKV Nha Trang đã tỏa hương không chỉ ở Xứ Trầm mà còn lan tỏa đến các vùng đất miền Trung đầy nắng và gió. Tập thơ có sự cộng tác của 3 cộng tác viên.

Tôi thích phiến khúc haiku xinh xắn như một bức tranh nhỏ, sống động dưới ánh nắng mặt trời của sinh vật vô tình (gốc mai) và hữu tình (đôi chim) mà haijin Khánh Huệ đã vẽ nên:

Nắng đùa trên lá

đôi chim yêu nhau

nụ mai bừng nở

 Và một tiểu cảnh khác của haijin Trà Huy làm lòng người say đắm:

Gió động cành sương

lối mòn trăng tỏa

đêm say

 Không chịu thua kém các nữ hajin, nhà thơ Nguyên Vi thể hiện tình cảm của người nam, vượt qua bao sóng gió, trắc trở để đến với người mình yêu và được tưởng thưởng một cách xứng đáng bằng một cái ôm nóng bỏng:

Con sóng vượt đại dương

cán đích

ôm bờ hổn hển

                                                           Thượng Đình – Thanh Xuân

                                                               Tiết Lập Thu – Quý Mão

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt