Cảm thụ Haiku

NHỮNG PHIẾN KHÚC HAIKU VỀ MỘT NHU CẦU TẾ NHỊ

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

 

Ô cửa số này

khi tôi còn bé

đứng tè ra sân

Ngẫu Thư, 2010

Đứng đái đầu hồi
con ma trơi ơi
kẹp chim tôi rồi

Ngẫu Thư, 2020

 

          Khi tôi mới 5 tuối, cha tôi rời Huế tham gia kháng chiến ở Liên Khu IV. Từ 5 đến 10 tuổi tôi ở với bà ngoại và mẹ trong một ngôi nhà rường cổ ở Tiền thôn, làng Kim Long, thành phố Huế. Ngôi nhà nằm gọn trong một khu vườn rộng 5 sào, cây cối um tùm. Ban đêm, tôi rất sợ phải ra vườn, đặc biệt là sợ “ma”, sợ ánh lửa lân tinh “ma trơi” lập lòe của những con đom đóm.

 

Năm sáu mươi năm trở về trước, những ngôi nhà rường cổ không có toilet hiện đại như bây giờ ở trong nhà, mọi nhu cầu giải quyết “nỗi buồn lớn, bé” phải thực hiện ngoài vườn. Đêm đêm, trước giờ đi ngủ mẹ thường nhắc tôi phải giải quyết lượng nước dư thừa trong bụng để đêm ngủ say khỏi “làm ướt” giường chiếu.

Nhưng tôi sợ ra vườn lúc ban đêm. Vì vậy, rất nhiều lần, đứng trên chiếc giường kê bên của sổ tôi phóng “nỗi buồn” qua song cửa. Và rồi, sau một thời gian, tôi bỗng nhận thấy đám rêu và các loại rau dại, đặc biệt đám rau “càng cua” (mà nay đã thành đặc sản “gỏi rau càng cua trộn thịt bò” trong các nhà hàng ở xứ Huế) ở hiên nhà, dưới cửa sổ mọc lên rất xanh tốt. Có lẽ do nguồn “đạm hữu cơ” tôi cung cấp chăng?

Đọc khúc haiku trên đây của Ngẫu Thư, tôi chợt nhớ đến tuổi thơ của mình. Và chắc chắn có nhiều trẻ con nông thôn lứa tuổi tôi ngày ấy đã thực hành vệ sinh theo kiểu như vậy.

Nhưng cậu bé Ngẫu Thư còn hơn tôi, không đơn giản chỉ giải quyết “nỗi buồn” mà còn oai hơn, muốn ghi một “dấu ấn”, theo tinh thần của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong Trời Đất. Phải có danh gì với núi sông”.

Và nghĩ là làm, cậu bé Ngẫu Thư rất tự tin:

 

Dấu ấn tuổi thơ

lưu lại tên mình

trong một bãi tè

Ngẫu Thư, 2020

 

          Liệu việc giải quyết “nỗi buồn” tầm thường của chúng ta có đáng là đề tài của thể thơ haiku cao quý hay không? Thay cho câu trả lời xin các thi hữu hãy thưởng thức những phiến khúc sau đây của Kobayashi Issa, một trong 4 tứ trụ của haiku Nhật Bản:

 

Lỗ nhỏ mình tè
rỗ trên mặt tuyết
ngay trước cửa nhà

Kobayashi Issa

          Và không chỉ con người, một con vật bé nhỏ như chú ve cũng có cái nhu cầu tự nhiên ấy:

Con ve đầu tiên
nó đói
và nó đái

Kobayashi Issa

Người viết bài này, nhớ hồi nhỏ, ngày hè cầm cành tre dính nhựa mít ngửa mặt lên cành cây để tìm ve. Và mỗi khi chú ve thấy động, trước khi cất cánh bay đi nó “tè” vào mặt tôi như một hành động chế giễu cho cái thằng bé vụng về ngày ấy.

Vườn trưa mùa hè

ngửa mặt lên cây

ve tè vào mặt

Lê Văn Truyền

 

Chú thích: Kobayashi Issa (Tiểu Lâm Nhất Trà; 1763 – 1828), hay vắn tắt là Issa (Nhất Trà), là một nhà thơ haiku nổi tiếng Nhật Bản. Ông cùng với Matsuo BashōYosa, Buson và Masaoka Shiki được xem là 4 nhà thơ haiku vĩ đại nhất của Nhật Bản.

 

Kobayashi Issa (Tiểu Lâm Nhất Trà): 1763 – 1828

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt