Đàn ông chúng ta
-Trong tim, ít ra
hai nữ hoàng ngự trị
(Đinh Nhật Hạnh)
Đọc bài haiku này của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh, tôi không khỏi bật cười. Chuyện này nếu tính luôn các nhà tu hành thì rõ ràng là không đúng rồi. Tuy nhiên, tôi lại hiểu rằng, khi nhà thơ đã viết ra ắt có cái lý của nó. Thời phong kiến người ta quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, là bất bình đẵng đối với phụ nữ.
Câu thơ chỉ rằng “ít ra…” tức là mặc định sự thu hút của giới tính là cực mạnh, khó cưỡng nổi của con người…
Thật ra, trời sinh đàn ông là để chinh phục phụ nữ, người nam rất tham lam, nhất là vấn đề nữ sắc là điều bình thường từ cổ chí kim. Các đấng quân vương thời phong kiến Trung Quốc và Việt Nam đều nổi tiếng có hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Và chiếc xe dê, kéo họ đến với cuộc tranh dành quyền lực thảm khốc trong nội cung.
Điều đó khẳng định nhà thơ đã nói không sai. Trong trái tim đàn ông, ít nhất cũng có hai “nữ hoàng ngự trị”, là một cảnh báo cho chúng ta hãy coi chừng tệ nạn nữ sắc xảy ra bất kỳ thời buổi nào.
Vì sao vậy? Vì nữ sắc thường kéo theo nhiều hệ lụy, làm vua thì mất nước, làm dân thì tan nhà nát cửa vv… Người ham nữ sắc dễ đánh mất tư cách, tiền bạc, chức vụ, sự nghiệp bởi sự “ngự trị” của các nữ hoàng…
Câu thơ muốn nhắc ta tỉnh táo hơn, bởi bất cứ ai cũng dễ rơi vào cạm bẫy. Đặc biệt, theo Phật đạo người còn vướng bận vào nữ sắc không thể tu hành đạt đạo.
Và đạo Phật dạy người Phật tử giới cấm tà dâm, là cách tốt nhất để có một gia đình hạnh phúc!
Xem ra, cái lý của thơ nêu ra là rất lớn, nó chạm đến cuộc sống của con người, nhất là phần tu dưỡng nhân cách, nếu không sẽ bị sắc đẹp làm cho thân bại danh liệt!
Đọc thơ để cảnh giác chính mình và người khác, là thông điệp của thơ Đinh Nhật Hạnh muốn gởi gắm…
H.A.T