Trong mảng thơ haiku của haijin Lê Đình Công, tôi rất thích các bài ông viết về/cho thiếu nhi. Thông thường, thơ viết về/cho thiếu nhi là rất khó, mặc dù bất kể ai cũng đã từng trải qua và chất đầy ký ức về tuổi thiếu thời. Trở lại với tuổi thơ bằng văn chương dường như có sự ngăn cách khó vượt qua, bởi rất nhiều lý do, trong đó có cả lý do tâm lý. Vậy mà, không chỉ ở các thể thơ thuần Việt (lục bát, bốn chữ, năm chữ), Lê Đình Công “dám” thể hiện tâm tình con trẻ bằng thể thơ haiku, thể thơ được người Việp tiếp nhận thành phong trào chưa lâu.
Bài sau đây mới dừng lại ở sự quan sát trực diện của người ngoài cuộc (hoặc sau khi sự kiện đã kết thúc)
Chị em giành nhau/ một món đồ chơi/ mẹ rơi nước mắt
Hay:
Vườn nội lắm ổi/ quả chín thơm vàng/ chào mào ríu ran
cũng vẫn là cảm xúc tức thời, nhưng đã bắt đầu có cái nhìn tươi trẻ. Cái nhìn ấy chuyển sang cái cảm từ ngoại cảnh dần đi vào hành động:
Gà gọi mặt trời/ chim chích học bài/ mình đến trường thôi
“Chim chích học bài” tuy được nhân cách hóa, song cái “hành động” này dẫn đến việc “đến trường” có vẻ khiên cưỡng; có thể dùng “hành động” khác cho tự nhiên hơn, để câu kết có được sự bất ngờ cần thiết.
Nhưng:
Bà nội đã già/ em thương bà quá/ chẳng được đi chơi
là rất thơ ngây, đúng tâm trạng của trẻ. Nào, ai có thể khẳng định việc “chẳng được đi chơi” là nhân vật nào, bà hay cháu? Cái lửng lơ ấy thật đáng yêu. Cũng không thể bảo bà già rồi thì chẳng đi chơi nữa. Trong ý thức còn non nớt, việc đi chơi đối với con trẻ là một nhu cầu, một nguyện vọng chính đáng. Vì thương bà nên “nó” không nỡ để bà ở nhà một mình, nhưng vẫn thèm đi chơi lắm; hay “nó” muốn bà cùng đi chơi cùng nhưng không thể được. Cài lòng thương của trẻ xuất phát tự bên trong mà vẫn bị dằn vặt. Đó cũng coi là một hy sinh ham muốn của trẻ.
Bài thơ trên đây của Lê Đình Công gieo vào người đọc những liên tưởng thú vị, làm sống dậy nhiều kỷ niệm của thời niên thiếu.
CNT