
Chân núi
mặt trời độ lượng
một dãy mồ
Taneda Santoka (1882-1940)
Đinh Nhật Hạnh dịch
Trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, liệu có lúc nào ta để tâm đến một câu hỏi: Trái Đất này, ngôi nhà chung của chúng ta, sẽ như thế nào nếu không có Mặt Trời? Ánh sáng mặt trời – nguồn năng lượng mặt trời – là yếu tố xúc tác cho mọi phản ứng hóa học và quá trình vật lý tạo nên sự sống của vạn vật, của muôn loài và các nền văn minh trên Trái Đất. Không có ánh sáng Mặt Trời, Trái Đất không có sinh vật, không có con người – loài động vật thông minh (Homo sapiens) chúng ta. Khi đó, Trái Đất đẹp đẽ sẽ là một tinh cầu chết, lạnh lẽo, lụi tàn trong bóng tối triền miên, trong một Hố Đen vô biên, vô tận.
Mặt Trời tuy có quyền lực siêu nhiên, quyết định sự sống chết của muôn loài, nhưng sự khác biệt của quyền lực Mặt Trời so với các thứ quyền lực tinh thần và vật chất khác do con người tạo ra dưới ánh Mặt Trời chính là ở chỗ: mặt trời rất công tâm. Từ các bậc vua chúa đến kẻ cùng mạt trong xã hội, sinh ra dưới ánh mặt Trời, đều được hưởng những ân phúc như nhau do mặt trời độ lượng ban phát. Nói theo ngôn ngữ thương mại quốc tế hiện đại, Mặt Trời cấp cho hơn 6 tỷ sinh linh trên Trái Đất cùng một mức “hạn ngạch (quota) ân sủng” như nhau. Anh hùng hay tiểu nhân, vua chúa hay kẻ cùng đinh, người giàu có nứt đố đổ vách sống trong cung điện bằng vàng nguy nga, tráng lệ hay kẻ nghèo hèn cùng cực sống trong túp lều tranh dột nát … chẳng qua là do nhân thế tạo ra chứ không phải do Mặt Trời thiên vị.
Rồi cho đến khi chúng ta từ giã cõi trần, Mặt Trời vẫn mỉm cười công tâm, độ lượng hàng ngày vẫn ấm áp chiếu dọi cho những nấm mồ của mỗi chúng ta nằm cạnh nhau trong bãi nghĩa địa dưới chân núi, dù ta đã từng là người anh hùng vĩ đại hay một kẻ khốn cùng, đã từng là tỷ phú được Forbes xếp hạng là 1 trong 100 người giầu nhất thế giới hay là một kẻ làm thuê thất nghiệp, đã từng là quan tòa thượng thẩm hay là tên tù khổ sai …
Câu nói “dưới ánh mặt trời ai cũng có một chỗ đứng” thật đúng khi ta còn sống và vẫn đúng cả khi ta đã chết. Taneda Santoka đã chuyển hóa ý tưởng minh triết trên đây của dân gian thành một khúc haiku nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc và có phần … dí dỏm. Kính thưa quý vị, chết là … hết chuyện. Vậy nên, xin quý vị đừng tị hiềm nhau sau khi đã chết bằng những thứ hư ảo. Xin hãy đừng nhìn sang bên cạnh mà buồn phiền tại sao nấm mồ của hắn, tấm bia của hắn to hơn của mình. Xin hãy bình tâm, an lạc tận hưởng gió mát, trăng thanh, nắng vàng rực rỡ, tiếng chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai, tiếng dế nỉ non trong đêm tối … mà Mặt Trời độ lượng và công bằng đã ban phát cho nấm mồ của ta mỗi ngày.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội