“Này bông sen trắng, ta sẽ hái đây
sư ông băn khoăn
nhìn kìa, điệu bộ“
Buson Tanaguchi – Yosa (1716 – 1783)
Đinh Nhật Hạnh dịch
Lòng từ bi, vị tha, yêu thương và quý trọng sự sống là tinh thần cao đẹp nhất mà hầu hết các tôn giáo thường đề cập trong giáo lý của mình. Tinh thần vị tha theo đạo Phật không dừng lại ở mức độ yêu thương con người mà còn mở rộng ra tất cả muôn loài. Đạo Phật thường được gọi là “Đạo từ bi”, bởi lẽ giáo lý và hành động thiết thực của Phật giáo nhắm mang đến sự an lạc, bình yên cho hết thảy chúng sinh. Theo nhà Phật, chúng sinh được phân chia làm hai loại: chúng sinh hữu tình là tất cả động vật có sinh mạng, bao gồm cả con người, và chúng sinh vô tình là những loài không thuộc các loài chúng sinh hữu tình, ví như cây cỏ. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học trong mấy chục năm gần đây cho thấy hình như giới thực vật cũng có tri giác, tình cảm dù ở những hình thức rất sơ khai. Ingo Swann, môt nhà sinh học trong quyển sách ‘’The Real Story” (Chuyện Có Thật) xuất bản năm 1998 đã viết rằng: “Những nghiên cứu của Backster bắt đầu vào năm 1996 đã gần như tình cờ khám phá rằng thực vật có khả năng tri giác và đáp ứng tự nhiên những cảm xúc của con người … Những cây cỏ bạn trồng và chăm sóc có thể biết là bạn đang nghĩ gì”.
Thế nên nhà sư trong khúc haiku trên đây đang đứng trước thế lưỡng nan. Thấy bông hoa sen trắng tinh khiết trong hồ sen, sư ông muốn hái để dâng lên cúng dường Đức Phật. Nhưng nghĩ đến đạo từ bi, nhà sư lại băn khoăn không muốn làm đau hoa và sợ phạm giới “sát sinh”, mặc dù trước đó đã hùng hồn cảnh báo đóa sen trắng “ta sẽ hái đây”. Điệu bộ do dự, băn khoăn, mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của nhà sư lúc ấy chắc trông rất buồn cười và khoảnh khắc đáng yêu đã được Buson “ghi hình” trong khúc haiku dễ thương trên đây. Tôi thì cứ nghĩ, nếu Đức Phật thần thông được chứng giám “kịch bản” này chắc hẳn Ngài cũng rất vui lòng khuyên nhà sư hãy để đóa sen trắng được khoe sắc tự nhiên trong hồ sen mà đừng ngắt bông hoa để trưng bày trong đại điện. Đức Phật đã từng dạy rằng sự tôn kính sâu sắc, thành kính nhất là tại tâm chứ không phải bằng sự cúng dường.
Bỗng nhớ lại một sự kiện cách đây vài năm trước ở nước ta. Trong một ngày đẹp trời, quan đầu tỉnh của thành phố nọ hơn 1.000 năm tuổi, vốn được tự hào công bố trước bàn dân thiên hạ là “thành phố hòa bình”, “thành phố xanh”, đã không ngần ngại ra lệnh chặt hạ gần chục ngàn cây xanh, nhiều cây có tuổi đời gần 100 năm, để thực hiện một hợp đồng khủng trồng cây thay thế. Cương quyết đốn hạ gần vạn cây để đổi mới mầu xanh cho thành phố, quan đầu tỉnh được giới “facebooker” cả nước yêu mến tặng cho một “nickname” thật dễ thương “Quan Thay Cây” lưu truyền cho hậu thế.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội