thương thay
bọ chét lều ta
chúng sẽ gầy thôi
Kyobashi Issa (1763 – 1828)
Đinh Nhật Hạnh dịch
Bọ chét là một loài ký sinh trùng sống trên da vật chủ là các loài động vật có vú và động vật có lông vũ để hút máu. Thế kỷ XIV, bọ chét nổi tiếng là kẻ đã gieo rắc “cái chết đen” trong lịch sử nhân loại thời trung cổ khi đã làm lan truyền bệnh dịch hạch khắp Châu Á và Châu Âu. Riêng ở Châu Âu, cái chết đen đã cướp đi ba phần tư dân số. Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn phân tích lý do tại sao con bọ chét – ký sinh trùng nhỏ bé – có thể làm thay đổi cơ cấu cả nền nông nghiệp và nền kinh tế nước Anh thời đó. Theo các nhà kinh tế, việc mất đi ¾ dân số trong một thời gian ngắn đã làm nước Anh giảm đột ngột nhu cầu lương thực, thực phẩm. Vì vậy, những người nông dân còn sống sót phải chuyển qua chăn nuôi cừu, từ đó nền công nghiệp len dạ của nước Anh đã phát triển và nổi tiếng khắp thế giới từ mấy thế kỷ nay. Có nhà kinh tế học còn hài hước cho rằng thị trường len dạ – một trong những thị trường lớn và nổi tiếng thế giới của nước Anh – được tạo ra do những con bọ chét!
Bọ chét ưa nơi tối tăm, thiếu ánh sáng, phần lớn ẩn náu trong các đám lông tơ, lông vũ của động vật, ở giường ngủ, quần áo của con người … Bọ chét không phát triển trong môi trường có độ ẩm thấp. Vì vậy, túp thảo am nghèo nàn, dột nát, ẩm ướt, thiếu ánh sáng của Issa chắc chắn là môi trường phát triển lý tưởng của chúng. Và chúng ta nghĩ rằng chủ nhân của túp lều chắc phải chịu đựng bọ chét như những người bạn “bất đắc dĩ”. Nhưng không, với Issa các con bọ chét là những sinh linh gần gũi của ông. Cũng giống như Ryokan nhân từ trong một ngày nắng đẹp đã bắt từng con bọ chét trên người phơi ra ngoài nắng ấm cho chúng được khô ráo. Rồi khi tối đến lại cẩn thận cho chúng bò trở lại sống trên ngực mình. Ryokan viết:
với bọ chét, chấy rận
hay bất cứ côn trùng
của mùa thu ca hát
ngực áo ta chắc là
cánh đồng Musashino
Đinh Nhật Hạnh dịch
Còn hơn cả Ryokan, người dùng cơ thể mình làm nơi trú ngụ cho bọ chét, Kyobashi Issa dù đang sống một cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn, ốm yếu … nhưng ông không thấy tự thương thân mà lại để tâm lo lắng cho đàn bọ chét đáng thương trong túp lều của mình: chúng sẽ không có gì mà ăn và cũng “sẽ gầy” như ông thôi. Đúng rồi, chủ đã gầy yếu thì “vật nuôi” làm sao mà béo tốt được.
Hơn một trăm năm trước, Ryokan và Issa lấy thân mình để nuôi nấng và làm chỗ trú ngụ cho những con bọ chét. Hơn một trăm năm sau thời của Ryokan và Issa, có biết bao người nghèo đang bị hất đổ bát cơm và phải rời khỏi ngôi nhà của mình để dành đất cho những tòa cao ốc, các resort và sân golf. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại mà lòng nhân từ đối với kẻ yếu thế đã biến khỏi trái tim của rất nhiều người. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hứa hẹn sẽ đến cái thời đại rất gần mà loài người phải sống cộng sinh cùng các thế hệ người máy (robot) với những bộ não nhân tạo và trái tim thép đã được lập trình hàng loạt. Tôi rùng mình, nổi da gà khi nghĩ đến cái ngày định mệnh biết đâu ta phải sống chung với những thế hệ người máy có bộ óc và trái tim được lập trình bởi một “thiên tài vô lương” nào đó. Khi ấy, nhân loại sẽ đi về đâu?
Lê văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội