Ban’ya NATSUISHI
Đinh Trần Phương dịch
1. Sử dụng từ: quý ngữ hay nhãn tự
Haiku là gì? Phải chăng là thể thơ ngắn miêu tả cảnh và vật theo mùa, như nó vẫn thường bị lầm tưởng cả trong lẫn ngoài Nhật Bản? Hay đó là thứ ngôn ngữ huyền nhiệm của khai ngộ satori trong Thiền, như đa phần hải ngoại quan niệm? Chí ít thì, haiku Nhật đương đại của ngày hôm nay đã bung phát vô biên và sâu thẳm. Sự phát triển ấy, cả Matsuo Bashō (1644-1694) – người chủ trương tinh thần tự do cho haiku vào nửa cuối thế kỷ 17, lẫn Masaoka Shiki (1862-1902) – người đã nỗ lực hiện đại hóa haiku trong những thập niên cuối thế kỷ 19, đều chưa từng hình dung nổi. Dẫu vậy, với sự bừng nở mới này, tại sao các từ chỉ mùa (kigo – quý ngữ) lại vẫn được dùng rộng rãi tận cuối thế kỷ 20?
Quý ngữ nhằm chỉ mùa. Lấy ví dụ, tsuyu (sương) chỉ mùa hạ với những cơn mưa dầm dề, khoảng thời điểm khi mận chín. Người đọc sẽ liên tưởng tới tiết trời ẩm ướt và sự khó ở khắp vùng đảo chính của Nhật Bản từ tháng Sáu đến tháng Bảy. Tuy nhiên, ở những nước không có tsuyu, từ này trở nên rỗng nghĩa. Ngoài ra, ở những vùng mưa ít, như Hokkaidō của Nhật Bản hay các nước Âu châu, thời điểm có tsuyu là vào trung hạ: với ngày dài, và ở một số nơi còn tổ chức lễ hội mùa hạ. Do vậy, quý ngữ chỉ là những từ khóa biểu hiện địa phương tính. Đó là bởi vì thời tiết cục bộ của một vùng (như Nhật Bản, Mỹ, hay Âu châu) không thể xem làm chuẩn cho cả thế giới; nó chỉ đơn thuần là một khía cạnh của môi trường toàn cầu và của đa dạng văn hóa mà thôi. Việc nghiêng về phía quý ngữ mùa của người Nhật, bao gồm cả các từ chỉ động vật và cây cỏ, bắt nguồn từ thuyết vật linh (animism): tôn kính thần linh không chỉ trú ngụ trong con người và động vật, mà cả trong những dạng thức tự nhiên khác như đá, nước, lửa, không khí, và mặt trời. Sự kính trọng và trân quý vạn vật thiên nhiên vẫn luôn bền vững và tự nhiên trong não trạng của người Nhật thế kỷ 20. Lẽ tất yếu, mọi sinh vật gồm động vật, cây cối, và các vật trong tự nhiên không nhất thiết phải gắn kết với các mùa. Thay vì thế, một số thi sĩ tìm thấy những giá trị nội tại và tính phổ quát ở chúng. Cho nên, tôi từng khẳng định và bây giờ muốn nhấn mạnh lại rằng, thuật ngữ “nhãn tự” (hay “từ khóa”) nên được sử dụng thay cho cả kigo (quý ngữ: từ chỉ mùa, biểu hiện mùa) lẫn muki (vô quý: từ không-mùa, biểu hiện bất cứ gì ngoài mùa). Dưới đây là mấy khúc haiku đương đại nổi bật có nhãn tự vật linh.
One day / a nameless spring mountain / began to smile
Ngày nọ
vô danh ngọn đồi xuân
chớm nụ cười
Nobuko Katsura (1914-)
For the young peach tree / one light year begins / with expectation
Với cây đào non trẻ
năm sáng rỡ mở ra
mang đầy kỳ vọng
Akira Matsuzawa (1925-)
When I can’t sleep / I count winter waterfalls / in my head
Khó ngủ
đếm thác mùa đông
tuôn chảy trong đầu
Tohshi Akao (1925-1981)
Pushing and shoving / voices of the cherry blossoms / cross the ocean
Xô đẩy
tiếng hoa anh đào
đang vượt trùng dương
Tenko Kawasaki (1927-)
Cutting / the white leeks / like shafts of light
Cắt
những cọng tỏi tây trắng
tựa chùm tia sáng huyền
Momoko Kuroda (1938-)
To a youth / a spring bird comes to / announce himself
Bay đến cậu thanh niên
một con chim mùa xuân
cất tiếng
Nana Naruto (1943-)
Cineraria daisies / in my very act of waiting / twinkling
Sắc diệp cúc
tôi chú tâm đợi
và rồi lấp lánh
Sayumi Kamakura (1953-)
Nhãn tự của mỗi bài haiku trên đây đều bắt vào thuyết vật linh: “ngọn đồi vô danh” trong tiết xuân hiện hữu mang nét người; “cây đào non trẻ” ám chỉ điểm khởi đầu cho mọi tạo thành; “những thác nước mùa đông” thì vỗ về cho ai mất ngủ; “hoa anh đào” vẽ nên một đoàn người đã chết; “tỏi tây trắng” tỏa sáng huyền nhiệm; “con chim mùa xuân” gợi ra linh hồn của những cánh đồng và đồi núi; còn những bông “sắc diệp cúc” lại động viên tinh thần cho người đang chờ đợi một ai đó khác ở nơi hẹn hò. Mỗi nhãn tự này biểu hiện một xúc cảm mùa, nhưng là chuyên chở cho thuyết vật linh thay vì đóng vai trò như kigo gợi mở khía cạnh mùa. Trái lại, có những bài muki haiku, thơ không mùa, mà nhãn tự của chúng không kết nối gì tới mùa. Đó là một phong cách biểu hiện mới của haiku đương đại. Tự do khỏi những giới hạn về mùa, muki haiku đương đại đã trở nên phong nhiêu và rộng mở với vô vàn nhãn tự chỉ dẫn về vạn vật (cây cối, động vật, các hiện tượng tự nhiên) và bản thân con người cùng với văn hóa mà con người tạo ra (cơ thể, quan hệ người, gia đình, văn hóa).
On twenty televisions / at the start line / only blacks
Trên hai mươi ti-vi
ở vạch xuất phát
chỉ người da đen
Tohta Kaneko (1919-)
I’m swimming / in darkness / keeping eyeballs clear
Tôi bơi
trong bóng tối
giữ nhãn cầu trong veo
Murio Suzuki (1919-)
A big blue sky! / have the buffaloes eaten / all of the clouds?
Trời xanh bao la!
liệu phải đàn trâu
ăn hết mây rồi?
Mikihiko Itami (1920-)
The iron eating / ferro-bacteria embraced / inside the iron
Vi khuẩn ăn sắt
được ôm ấp
bên trong sắt
Toshio Mitsuhashi (1920-2001)
A dazzling sea / somebody with bleached bones / stands up
Biển chói lòa
ai đó xương phơi
vừa mới đứng dậy
Kineo Hayashida (1924-1998)
Behind, a stillness / like my image cut out / of a forest of paper
Đằng sau, sự tĩnh lặng
như hình tôi cắt ra
từ một rừng giấy trắng
Kan’ichi Abe (1928-)
From the boulder / smiling up at heaven / a continent begins
Từ tảng đá mòn
cười với thiên đường
một lục địa khởi sinh
Ban’ya Natsuiishi (1955-)
Lower half of my body / surrounded by ocean fishes / Saturday
Nửa thân dưới tôi
cá biển vây quanh
ngày thứ Bảy
Takatoshi Goto (1968-)
Ở những bài haiku trên, các nhãn tự “ti-vi”, “nhãn cầu”, “đàn trâu”, “sắt”, “biển”, “giấy”, “tảng đá mòn”, và “thứ Bảy” vượt thoát khỏi mùa. Thay thế cho các từ chỉ mùa, những từ khóa không mùa này chính là trung tâm của haiku đương đại và giúp kết tinh các mối quan tâm đương đại khác nhau của Nhật Bản vào trong thể thơ ngắn này.
2. Cấu trúc haiku: kire (ngắt) và cú nhảy trong điểm nhìn
Trong một bài thơ ngắn, haiku, ta chờ đợi nhãn tự mùa hay không-mùa được dùng hiệu quả tới mức chạm sâu vào xúc cảm của người đọc. Bằng cách này, haiku tránh khỏi việc kết thúc thuần túy chỉ như một bài thơ ngắn, mà có thể biểu hiện trọn vẹn nội dung phong nhiêu giống như của một tiểu thuyết dài. Hơn thế, để vượt qua sự nhỏ gọn trong cấu trúc, một kỹ thuật cốt tuỷ, kire (ngắt) được sử dụng. Haiku đương đại có hai thể là teikei (định hình) và jiyuritsu (tự do luật). Dưới đây là một trong những bài jiyuritsu haiku ngắn nhất:
Coughing, even: / alone
Ho, cũng:
một mình
Hosai Ozaki (1885-1926)
Bài haiku này, bao gồm “Ho, cũng” (sáu âm trong bản gốc tiếng Nhật) và “một mình” (ba âm trong bản gốc), có kire (ngắt), một sự chuyển dịch trong nội dung và nhịp điệu giữa hai ý. Chỉ với chín âm của bài haiku, kire là chìa khóa mở ra tâm hồn người đọc. Kire đã được sử dụng như một kỹ thuật cốt yếu trong haiku kể từ thời Edo. Ta thấy rằng nó cũng được sử dụng khéo léo ở những khúc haiku đương đại cổ điển. Dưới đây là một số bài. Dấu gạch ngang, không có trong bản gốc, là để chỉ kire.
Oh, a cuckoo! – / how far should I walk / until I meet somebody
Ôi, đỗ quyên –
đi bao xa nữa
mới gặp một ai?
Aro Usuda (1879-1951)
Parting and parting – / the green grasses / the green mountains
Lên đường, lại lên đường –
cỏ màu xanh
những rặng núi màu xanh
Santoka Taneda (1882-1940)
Patching up my tabi – / I am not Nora / but a teacher’s wife
Vá lại chiếc tất –
tôi nào phải Nora
vợ một ông giáo làng
Hisajo Sugita (1890-1946)
Blossoming pear trees – / drifting clouds / on Katsushika plain
Hàng cây lê đơm hoa –
những đám mây trôi nổi
trên đồng Katsushika
Shuoshi Mizuhara (1892-1981)
Với nhiều bài haiku đương đại gần đây, kire giúp cho việc biểu hiện “cú nhảy” trong điểm nhìn độc nhất và sự chuyển dịch trong cấu trúc thơ trở nên khả thi. Đây là một ví dụ khác:
Behind, a stillness – / like my image cut out / of a forest of paper
Đằng sau, sự tĩnh lặng
như hình tôi cắt ra
từ một rừng giấy trắng
Kan’ichi Abe (1928-)
Trong không gian của sự tĩnh lặng phía sau nhà thơ, cái mà trực cảm thơ ca của tác giả bắt được là một rừng giấy mỏng màu trắng. Cú nhảy trực giác thơ ấy, từ thời khắc này sang thời khắc kia, nằm trong sự chuyển dịch diễn ra giữa hai ý. Mấy khúc haiku đương đại sau đây cũng dùng kire để bộc lộ cú nhảy trong điểm nhìn độc sáng của nhà thơ.
War stood – / at the end of the corridor
Chiến tranh ở –
cuối đường hành lang
Hakusen Watanabe (1913-1969)
Infinite night sky – / stars, roses, comrades / waiting for tomorrow
Trời đêm vô ngần –
sao, hoa hồng, đồng chí
đợi chờ ngày mai
Taiho Furusawa (1913-2000)
Here is a stump – / and an ox also / in its simple honesty
Đây một gốc cây –
cả con bò nữa
thật thà ngây ngô
Onifusa Sato (1919-2002)
A youth loves a buck – / on a slope in a storm
Cậu trai yêu con hoẵng –
trên dốc vào cơn dông
Tohta Kaneko (1919-)
Near a tree / the mundane world: – / a crane’s breast moving
Gần một cái cây
tục giới: –
hạc kia cựa mình
Haruko Iijima (1921-2000)
The birth cry / between my thighs – / stretches into budding tree darkness
Tiếng khóc chào đời
giữa cặp đùi tôi –
duỗi vào bóng tối cây đâm chồi
Mikajo Yagi (1924-)
Feeling unloved – / I swim away / toward the open sea
Không được yêu –
tôi bơi
ra ngoài khơi xa
Shoshi Fujita (1926-)
Deep darkness / within me – / firefly catching
Bóng tối
sâu thẳm trong tôi –
đuổi tìm đom đóm
Biwao Kawahara (1930-)
Cherry blossoms are falling – / you also must become / a hippopotamus
Anh đào rơi rụng –
em cũng sẽ thành
một con hà mã
Toshinori Tsubouchi (1944-)
Breaking my yellow crayon – / to draw / the barley harvest field
Bẻ gãy bút chì vàng –
để vẽ
lúa mạch mùa gặt hái
Kei Hayashi (1953-)
Mỗi khúc haiku của Furusawa, Sato, và Tsubouchi bao gồm hai câu ngắn trong bản gốc tiếng Nhật. Iijima sử dụng thiết tự “ya” để biểu thị kire. Vậy nên, có thể nhận biết kire bằng ngữ pháp trong bốn khúc haiku này. Tuy nhiên, trong các khúc haiku còn lại, người đọc được chờ đợi phải đọc cẩn thận và kỹ càng mới hòng phát hiện ra kire. Nhờ vào kire, những bài haiku hấp dẫn thực sự là những tác phẩm mang đậm tính trí tuệ. Nhìn theo cách khác, một nhà thơ xuất chúng là người có thể quây kire khéo léo bên trong bài haiku.
Ichiro Fukumoto (1943-), chuyên gia về văn học và haiku, lý giải sự khác biệt giữa senryu và haiku, cả hai thể thơ này đều thường ở dạng 5-7-5 âm. Ông phản bác quan niệm thông dụng cho rằng senryu thì không dùng quý ngữ chỉ mùa còn haiku thì sử dụng, và rằng senryu thiết lập chủ đề về con người trong khi haiku tập trung vào thiên nhiên. Theo Fukumoto, cách diễn giải quá đơn giản như thế không còn đúng nữa kể từ lúc muki haiku, thơ không mùa, xuất hiện. Lời khẳng định của Fukumoto đó là, khác biệt thực sự nằm ở chỗ senryu không có, còn haiku thì có kire.
Tiểu luận này lấy từ Japanese Haiku 2001 (Modern Haiku Association, Tokyo, Japan, December 2000)