nusubito ni / tori nokosareshi / mado no tsuki
chàng trộm lỉnh rồi
chỉ quên một việc
cửa số còn trăng
Ryokan Taigu (1758 – 1831)
Đinh Nhật Hạnh dịch
Chúng ta thường có hai thái độ khi phải đối mặt với rủi ro: xem xét sự việc với cái nhìn hài hước, lạc quan hay với cái nhìn bi quan, bi lụy. Robert A Heinlein khuyên: “Hãy đừng là người bi quan; người bi quan thường đúng hơn người lạc quan nhưng người lạc quan vui vẻ hơn – và quan trọng hơn là cả hai đều không thể ngăn được dòng sự kiện đang ập tới”.Bi quan hay lạc quan đều không thể ngăn chặn được những rủi ro xảy ra ngoài ý muốn của ta.
Tác giả của khúc haiku đầy hài hước trên đây là Ryokan, một haijin – thiền sư sống cuộc đời lãng du cực kỳ đơn giản. Sống một cuộc đời lý tưởng về sự hòa hợp của con người với thiên nhiên, tâm của Ryokan trở nên vô phân biệt. Ông kết bạn với trẻ con cũng như kết bạn với côn trùng, cây cỏ. Ông ngây thơ đến cảm động và tràn đầy lòng từ bi. Một lần, thương mấy cây tre bị kẹt trong túp lều, ông cố tạo một chỗ trống trên mái tranh để cây tre có thể vươn lên đón ánh sáng mặt trời. Thế rồi, chẳng may Ryokan tự đốt cháy chính mái lều của mình. Có giai thoại kể rằng, một buổi tối có tên trộm lẻn vào túp lều của ông dưới chân núi nhưng chẳng tìm thấy gì đáng giá để cuỗm đi. Khi Ryokan quay về, gặp tên trộm ông nói: “Anh đã đi đường xa đến đây thăm tôi, nên tôi chẳng nỡ để anh về tay không. Tôi tặng anh bộ quần áo này”. Nói rồi, ông cởi bộ quần áo đang mặc trên người cho tên trộm. Tên trộm ngẩn người ra nhưng cũng cầm bộ quần áo và biến mất. Đêm hôm ấy, Ryokan trần truồng ngắm trăng.
Nhưng lần này, một đạo chích khác đã lẻn vào túp lều của Ryokan, khoắng đi tất cả những vật dụng nghèo nàn tối cần thiết của ông. Khi phát hiện chàng trộm đã lỉnh rồi và túp lều của mình trống rỗng, thiền sư đành hài hước tự an ủi rằng: may mà trong lúc vội vàng, chàng trộm đã không để ý còn có vầng trăng treo bên cửa sổ túp lều. Ryokan cảm thấy mình thật may mắn vì nếu hắn ta để ý đến vầng trăng thì đêm nay chắc ông không còn ai để bầu bạn.
Hài hước là liều thuốc an thần, giảm đau hiệu nghiệm cho tâm hồn chúng ta trước những tai ương không thể tránh khỏi trong cuộc sống thường nhật. Hài hước đem cho ta cách nhìn sáng suốt và lòng khoan dung trong hoạn nạn. “Khiếu hài hước là vật liệu để ta lấp đầy những ổ gà trên con đường đời gập ghềnh mà ta phải dấn thân mỗi ngày” (Frank Tyger).
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội
RYOKAN TAIGU: (1758 – 1831), tên thật Yamamoto Eizo sinh ở làng Izumozaki, tỉnh Echigo (Nhật Bản). Ông rời bỏ gia đình rất sớm và tu tập tại ngôi đền Koshô-ji với thiền sư Kokusen. Khi sư phụ Kokusen mất ông bắt đầu sống cuộc đời khất thực. Ông dành cả cuộc đời để làm thơ, viết thư pháp và đàm thoại với thiên nhiên. Thơ ông rất đơn giản và thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Ông rất yêu trẻ con và đôi khi say sưa chơi đùa với trẻ con mà quên cả việc khất thực.ÂÂ Ông không bao giờ tự nhận mình là “nhà sư” hoặc “nhà thơ”. Thơ ông đầy tính thiền và hài hước. Ryokan sống cuộc đời cực kỳ đơn giản và có rất nhiều giai thoại về lòng nhân từ, lòng vị tha của ông. Ông mất ngày 6 tháng giâng năm 1831. Teshin, người bạn thân của ông cho biết Ryokan từ trần trong tư thế thiền định, từ giã cõi đời như đang trong một giấc ngủ quên. (Nguồn: Wikipedia)