Khi ta lìa đời- Lê Văn Truyền

alt

alt

rồi đến một ngày trong cỏ dại

ta lìa đời

đám mới nở hoa, đám nhú mầm

Santoka (Taneda Shoichi) (1882-1933) Đinh Nhật Hạnh dịch

Sống trên đời ai ai cũng tự hỏi, cuộc sống quanh ta sẽ như thế nào sau khi ta từ trần. Có người sống cuộc đời quá bất công, bất hạnh, cực khổ, nhiều khi phải ngửa mặt lên trời mà kêu than: Sao ông Trời không cho ta chết quách cho rồi để nhẹ nợ trần gian? Nhưng có người lại muốn sống để lưu danh muôn thuở:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858)

Vấn đề là để lại cái gì? Và đời có công nhận và ghi nhận không? Có người muốn lưu danh với bất cứ giá nào mà kẻ đốt đền Herostratos là một trường hợp điển hình. Trong hy vọng sẽ được nổi tiếng, năm 356 trước C.N. Herostratos đã phóng hỏa đốt Đền thờ thần Artemis ở Ephesus, ngôi đền đẹp nhất trong số khoảng ba mươi ngôi đền của người Hy Lạp đương thời và là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Trong tiếng Đức hiện đại, tên riêng của kẻ đốt đền đã biến thành danh từ chung “herostrat” dùng để chỉ những kẻ điên cuồng tìm kiếm danh vọng bằng bất cứ giá nào. Đáng buồn là trong cuộc sống quanh ta hiện nay không hiếm những tên đốt đền như Herostratos. Ngược lại, có rất nhiều người sống cuộc đời hết sức giản đơn mà chỉ sau khi họ từ trần nhân loại mới nhận chân được tất thảy giá trị họ để lại cho đời. Những nhà hiền triết, những nhà tư tưởng lớn, những nhà bác học kiệt xuất là những người như thế.

Bậc thầy haiku Ryokan đã sống một cuộc đời cực kỳ đơn giản. Và ông thấy cái chết của mình chẳng có gì quan trọng để đáng nói, đáng sợ. Hãy sống thuận theo quy luật của Đấng Tạo Hóa: sinh, lão, bệnh, tử. Khi giờ của ta đã điểm, hãy nhẹ nhàng lìa đời, siêu thoát vào cõi hư vô. Hãy nhớ rằng, sau khi ta – dù là một kẻ thứ dân bần hàn, vô danh hay là một đấng thiên tài lừng lẫy, kiệt xuất – từ giã cõi đời, cuộc sống bất diệt quanh ta vẫn tiếp diễn. Tài năng, thiện tâm của con người vẫn sẽ như đám cỏ dại đầy sức sống trong khúc haiku trên đây:

đám mới nở hoa, đám nhú mầm

Ryokan luôn bình tĩnh đón nhận cái chết. Ông luôn điềm đạm tự hỏi:

khi nào thì mình chết?

rắc gieo

những hạt mầm

Đừng sợ cái chết. Trái lại, cái chết sẽ là niềm vui sướng đối với kẻ nào đã sống một cuộc đời chân thật” (Marcus Aurelius). Người khất thực Ryokan, bằng cuộc đời chân thật của mình với con người, với muôn loài và thiên nhiên, bằng những khúc haiku đầy tính thiền như những hạt mầm vẫn nẩy nở, đâm chồi, hai trăm năm sau được tôn vinh là một đại thụ trong dòng thơ haiku đang phát triển tại quê hương ông và trên toàn thế giới. Đêm trước hôm từ trần Ryokan đã từng chia sẻ tâm sự với một người bạn: “Mình cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Sẽ thật thích nếu được như lũ chim sẻ hay lũ voi, chết lặng lẽ một mình giữa đồng hoang”.

Khi thầy Lưu Đức Trung tạ thế, kẻ viết bài này đã viếng thầy bức thư pháp do Dương Minh Hoàng thủ bút, khúc haiku sau đây để tiễn thầy về với cõi Vô Ưu:

đời là cõi tạm

nhẹ bước thong dong miền Cực lạc

phiêu diêu cùng haiku.

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt –Hà Nội

SANTOKA TANEDA (1882-1940). Là một trong những nhà thơ haiku hiện đại nổi tiếng nhất và lập dị nhất của Nhật Bản. Ông được cứu khỏi một vụ tự tử khi còn trẻ và sau này trở thành một trong những Thiền Sư Hành Hương đích thật cuối cùng của thế kỷ XX. Thơ haiku của ông thuộc thể tự do cũng như cuộc đời của ông vậy; Ông sử dụng tinh thần của haiku, nhưng không tuân theo số âm tiết và quý ngữ (kigo) của haiku. Có thể đọc haiku của ông bằng tiếng Anh trong tác phẩm “Mountain Tasting: Zen Haiku by Santoka Taneda”, được John Stevens dịch. (Theo Patricia Donegan).

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt