tetsubachi ni / asu no kome ari / yūsuzumi
Ryokan
in the iron bowl
rice for tomorrow
the cool evening!
trong bát sắt khất thực
có nhúm gạo cho ngày mai
chiều buông mát lành
Lê Văn Truyền dịch
Còn nhớ cách đây khoảng 30 năm tôi được dự một lớp ngắn hạn nâng cao trình độ tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ khu vực ASEAN (RELC – Singapore). Trong bài tập cuối khóa cô giáo yêu cầu tôi viết bình luận về một bức ảnh các gian hàng đầy ắp thực phẩm trong một siêu thị ở Luân Đôn.
Với vốn tiếng Anh khiêm tốn, tôi viết đại ý: khoa học công nghệ thế kỷ XX đã đem lại cho nền nông nghiệp thế giới những tiến bộ vượt bậc, năng suất các ngành nông nghiệp đã tăng chưa từng thấy, công nghệ biến đổi gen hứa hẹn sản lượng và chất lượng vật nuôi, cây trồng không ngừng tăng trưởng đủ để nuôi sống nhân loại hơn 6 tỷ người. Thế nhưng, có một nghịch lý của xã hội hiện đại là trong khi ¾ nhân loại đang thừa mứa và lãng phí lương thực, thực phẩm thì theo Tổ Chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) vẫn còn khoảng ¼ loài người luôn đói ăn, khát nước sạch và hàng triệu người vẫn chết đói mỗi năm. Để chứng minh cho thực tế đó, tôi đính kèm vào bài luận bức ảnh được đặt tên “Kền kền chờ đợi” của phóng viên ảnh Kevin Carter (Nam Phi) đang gây ra làn sóng xúc động mãnh liệt trên thế giới lúc bấy giờ: Một con kền kền Châu Phi – với bộ dạng của Thần Chết – đứng lặng im, kiên nhẫn đợi chờ giây phút một bé gái da đen gầy trơ xương đang hấp hối trút hơi thở cuối cùng để xông lên rỉa xác. Một bữa “đại tiệc thịt người” của con kền kền sa mạc.
Kevin Carter, phóng viên ảnh Nam Phi, là người đã chụp bức ảnh này tại Sudan. Bức ảnh được đặt tên “Kền kền chờ đợi” đăng lần đầu tiên trên tờÂÂ The New York Times vào ngày 26 -3 – 1993 làm cả thế giới xúc động. Vào ngày 2 – 4 – 1994, Carter đã giành giải thưởng cao quý nhất trong giới báo chí – giải Pulitzer – cho bức ảnh này. Tuy nhiên, gần 4 tháng sau, ngày 27 – 7 – 1994 cảnh sát đã tìm thấy Kevin Carter tự sát bằng khí gas trong chiếc xe hơi của mình, khi anh mới 33 tuổi. Giải thưởng danh giá Pulitzer phần nào chứng tỏ giá trị tác phẩm của anh nhưng vẫn không đủ để xoa dịu nỗi ám ảnh thống khổ trong con người Carter khiến anh phải tự chấm dứt cuộc đời ở độ tuổi vẫn còn sung sức. Trong bức thư tuyệt mệnh anh viết: “Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ… Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau … về những đứa trẻ chết đói … về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình...”.
Vậy nên, trong thế kỷ XXI này, khi mọi người đang điên cuồng cuốn theo giòng thác của cái “xã hội tiêu thụ”, có lẽ chúng ta phải bình tâm nghĩ đến còn bao nhiêu người đang thiếu đói và những con người khốn khổ đang bị quên lãng ở những mảnh đất xa xôi nào đó trên đất nước mình và trên hành tinh này, để đến mỗi bữa cơm, hãy:
Ăn hết hạt cơm cuối cùng trong bát
xin đừng đổ đi
hạt ngọc của đất trời
Lê văn Truyền