Câu lạc bộ Haiku Hà Nội sinh sau đẻ muộn trong làng thơ Việt. Đến nay nó vẫn được coi là đang lớn. Tuy vậy cái cơ thể non trẻ này tiềm tàng một sức sống đáng nể từ chính những tế bào nội sinh của nó. Cùng với những bàn tay chìa ra nâng đỡ, chắc chắn nó sẽ có những bước đi dài vững chắc để hình thành một sức vóc vạm vỡ, xứng tầm mong đợi. Để có những khúc thơ như ý, các haijin đã chắt ra từ những tài liệu nghiên cứu được viết, được dịch công phu đó đây trên các nội san cũng như sách báo trong nước và nước ngoài. Những bài thơ dịch từ đủ mọi thứ tiếng cũng là nguồn tham bác quan trọng. Đặc biệt bằng những chiêm nghiệm qua cuộc sống, cảm hứng thơ và kho kiến thức kết đọng trong những cái đầu minh mẫn mà những khúc haiku được đẻ ra. Đến nay số lượng bài thơ đã không thể đếm xuể. Số lượng tập thơ đã phải dùng đến hai chữ số mà ghi. Ấn phẩm chung cũng đã có đến sáu nội san và hai tập thơ dầy dặn rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức.
Những khúc haiku được viết đã ngày càng ra dáng một bài thơ hoàn chỉnh, được chấp nhận, trong đó có nhiều bài hay. Không phải đã hết những băn khoăn về tiêu chí của một bài thơ haiku và bài thơ hay. Ai đó cho rằng hãy cứ viết đi, viết nhiều rồi sẽ thành thơ haiku và sẽ hay. Nói vậy liệu có phải là logic ngược không? Phải định hình cho một khúc thơ haiku đã chứ, và phải khẳng định thế nào là hay đã chứ! Có thể vào lúc nào đó và ở đâu đó, chúng ta đã ít nhiều chạm mặt với những nội dung này rồi. Nhưng nay, đứng trước thềm cuộc tọa đàm về thơ Haiku lần thứ hai sắp diễn ra tại Hà Nội xin trao đổi thêm đôi lời may ra sáng tỏ được điều gì bổ ích chăng.
Một khúc haiku phải bao gồm ba thành phần có lẽ đã là đương nhiên. Điều này không phải ta tự bịa mà được rút ra từ trong chính những bài thơ haiku Nhật từ xưa tới nay mà chúng ta được đọc. Gần đây nhất, khi đến dự cuộc tọa đàm thơ Haiku lần thứ nhất cũng tại Hà Nội, chủ tịch hiệp hội Haiku thế giới WHA, ông Ban’ya Natsuishi, trong bài phát biểu của mình đã nhận xét khúc thơ của Lý Viễn Giao:
Trăng lạnh
nghĩa trang
đồng đội xếp hàng
là chỉ có hai hình ảnh! (Do dịch thuật mà dẫn tới điều này chứ thực ra ở đây là ba hình ảnh rất rõ!) Ta lấy ra từ nhận xét này để khẳng định chắc chắn rằng khúc haiku phải hội đủ ba hình ảnh. Ba thành phần trong khúc thơ gọi tên như thế nào là đúng nhất?
Nếu bảo ba dòng sẽ là vô lý. Dòng chưa nói lên điều gì rõ ràng về cấu trúc từ vựng cũng như nội dung. Nó mới chỉ là nhiều chữ viết liền nhau đặt trên một hàng ngang. Vì vậy dẫu có ba dòng chữ nhưng các dòng này chưa có ý, chưa gợi, chưa liên kết để tạo một ý tưởng tổng thể cũng chưa coi là thơ haiku được. Bài thơ “Con ếch”, một khúc haiku được coi là mẫu mực trong nền thơ cổ điển Nhật Bản của Basho có thể viết trên ba dòng:
古池や (Furuike ya)
蛙飛び込む (kawazu tobikomu)
水の音 (mizu no oto)
Hay viết liền một dòng: 古池や蛙飛込む水の音 (Furuike ya mizu no oto tobikomu kawazu) đều được vì bản thân nó đã chứa ba ngắt ý rất rõ ràng: Cái ao cổ / con ếch nhảy vào / nước xao động.
Còn ba câu ư? Điều này cũng không cần thiết bởi đã là câu sẽ phải hội đủ các thành phần chủ ngữ, vị ngữ… của cấu trúc câu. Trong thực tế, một khúc haiku không cần đến thế:
Mê nón úp vại cà
mồ hôi tóc mẹ ta
thâm dấu
(Lê Đình Công)
Đó! Ý thứ nhất coi là một câu đi nhưng hai ý sau chỉ là hai hình ảnh. Đâu cần đến ba câu mới làm nên khúc haiku. Ta bắt gặp rất nhiều bài thơ mà cả ba ý đều chưa phải là câu. Nhưng đó đây ta cũng gặp một khúc thơ có ba câu thật:
Cá xuống nước
mây về trời
ta thả ta vào chân không
(Thiện Niệm)
Vậy nếu nói ba thành phần trong khúc haiku là ba câu thật không chính xác.
Vậy ba ý hay ba hình ảnh? Điều này tế nhị hơn hai tên gọi nói trên. Hình ảnh thường là một ý rồi nhưng ý đâu có nhất thiết là hình ảnh. Bài thơ này của tác giả Lương Thị Đậm:
Dây điện bắc qua
đôi chim ríu rít
tình ca
ý thứ ba không phải là hình ảnh! Còn bài thơ sau của Vũ Tam Huề:
Gió từ đâu lại
mang hương cỏ dại
đường cày mùa xuân
lại chỉ có một hình ảnh ở ý thứ ba thôi. Vậy nên, cho rằng ba thành phần của khúc haiku là ba hình ảnh cũng không chính xác. Suy ngẫm qua nhiều bài thơ, thấy rằng nếu gọi đó là ba ý là đúng hơn cả. Ba ý này không phụ thuộc nhau trong một thể cấu trúc nào; mỗi ý đều trọn vẹn đủ sức tự mình mang ý nghĩa nên thường được nhấn mạnh bằng tên gọi là ngắt ý!
Làm thơ hay đọc thơ, ai cũng muốn hướng đến bài thơ hay. Vẻ hay dở thực ra cũng nhiều chiều bàn luận. Nó phụ thuộc vào cảm quan, tâm trạng, độ trải nghiệm và tầm nhìn, cách nhìn của người viết, người thẩm. Nhưng không phải không có tiêu chí chung về bài thơ hay để dùng làm thước đo cho thơ. Thơ hay trước hết phải hướng con người, cuộc sống đến chân, thiện, mỹ. Phải mang tính nhân văn cao. Phải có nghệ thuật sử dụng ngôn từ, ý tưởng một cách khéo léo để đi vào lòng người theo con đường ngắn nhất và trụ lại một cách bền vững nhất.
Với thơ haiku, do những đặc thù riêng của nó, khúc thơ hay còn cần thêm một số yếu tố mà haijin và độc giả không nên bỏ qua. Trước hết, bài thơ phải có cấu trúc của thơ haiku với ba ngắt ý rõ ràng. Ba ngắt ý này như ba chân của bếp kiềng hay ba Ông vua bếp trong bộ bếp đất cổ để tạo nên một dụng cụ hữu ích hoàn chỉnh. Nói một cách thơ hơn, ba ngắt ý phải ướp hương cho nhau, nghĩa là thấm vào nhau cùng tạo nên ý tưởng chung của toàn bài thơ. Với thể loại thơ cực ngắn này, việc tránh dùng hư từ là điều tối cần thiết. Sử dụng tính từ, trạng từ một cách vừa phài và hợp lý cũng góp phần làm cho hình ảnh bóng bẩy, long lanh hơn. Vần và nhịp điệu trong thơ không có quy định nào bắt buộc nhưng nếu sử dụng khéo léo cũng làm cho các ngắt ý liên kết với nhau mềm mại tạo không khí cho câu thơ bước vào tiềm thức người đọc, người nghe một cách ý nhị. Tính thiền và vô sai biệt không nhất thiết tồn tại trong thơ haiku hiện đại, nhất là thơ do người Việt chúng ta viết hôm nay. Nhưng nếu trong một bài thơ có phảng phất ít nhiều điều này âu cũng coi là một thứ gia vị phụ thêm cho một món ăn ngon khi ta thưởng thức.
Xin mời cùng dạo gót qua vườn hoa Haiku Hà Nội ngắt đôi ba đóa một cách vô tình để coi thử độ mỏng dày của hương sắc mà ngẫm về những gì đã sinh kết dưới bàn tay người gieo trồng.
Viết về mùa xuân, tác giả Nguyễn Thị Kim đã khéo đan cài ba hình ảnh tượng trưng với ba ngắt ý Hoa, Bướm và Người trên một bức tranh thêu đầy sức sống:
Dã quỳ ngõ quê
rập rờn cánh bướm
vàng lối em về
Và cảnh đêm Hồ Tây thơ mộng cũng được haijin Đinh Nhật Hạnh dùng khúc haiku gõ vào hồn thơ người đọc để vang lên ngân nga, lãng mạn:
Sương khuya Hồ Tây
sâm cầm vụt cánh
trăng lay
Nỗi nhớ đồng quê, nhớ mùa màng rơm rạ của người mẹ chân tre còn da diết nào hơn như trong khúc thơ này:
Ra phố ở với con
nhớ đồng mùa gặt hái
mẹ nhìn theo người bán chổi rơm
(Vương Trọng)
Còn gì nữa đâu khi mà người phụ nữ không có bạn đời bên cạnh để mà kề vai nghe hơi thở ấm áp, nghe tiếng thầm thào của hai con tim sẻ chia, để nương tựa:
Vắng anh
trăng lu
mảnh đêm vỡ nát
(Nguyễn Hoàng Lâm)
Con người ta khi đã trưởng thành, mỗi khi nhìn về quá vãng, hình ảnh mẹ vẫn là trước nhất và đậm nhất:
Tiếng võng đưa
ngày xưa
tay mẹ
(Nguyễn Duy Quý)
Khúc thơ sau chỉ vỏn vẹn với bảy âm tiết nằm gọn trong ba ngắt ý mà làm lòng người xao xuyến với nỗi chia xa của lứa đôi:
Ngày em đi
nâng ly
uống sóng
(Lý Viễn Giao)
Nói về chủ quyền biển đảo mà chẳng gào thét, chẳng lên gân hô khẩu hiệu. Chỉ bằng những ngắt ý rành mạch chứa đựng hình ảnh không cầu kỳ mà rất đỗi thôi thúc:
Đảo chìm
lồng ngực anh
sóng vỗ
(Hà Bàng)
Nhiều người cho rằng thơ haiku mang tính triết lý cao. Nó dắt tư duy đi theo mạch ngầm để chiếm lĩnh chốn sâu thẳm của nỗi người, nỗi đời. Nhưng nó cũng rất tế nhị, không răn dạy, không rao giảng. Đọc những phiến khúc này ta có thấy gì không?
Lấp lóa trời cao
có những ngôi sao
thực ra đã tắt
(Lê Đình Công)
Bay cao mười ngàn mét
càng gần mặt trời
càng lạnh
(Lê Văn Truyền)
Đau khổ hãy về đây
ta sẽ trả thù
bằng nụ cười độ lượng
(Lê Vũ)
Mới chừng ấy tuổi đầu mà Câu lạc bộ Haiku Hà Nội đã gieo hạt để gặt hái được nhiều mùa hoa rực rỡ. Những bông hoa vừa ngắt để ngắm trên đây chỉ là ngẫu nhiên trong ngàn bông hoa đẹp. Chúng ta có đủ độ tin cậy cho những vườn hoa, mùa hoa rạng rỡ hơn đang nằm phía trước.
LVG