Đầu thu
úp mặt vào hoa cúc
cho buồn thành hương bay
Nguyễn Thánh Ngã
Trong thiên nhiên quanh ta luôn luôn hiện hữu mùi hương. Một cách vô hình, mùi hương hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng đến hoạt động thể chất và tâm lý của chúng ta, thậm chí có thể nói không quá rằng: hương thơm có thể kiểm soát khả năng hoạt động thể chất và tâm lý của con người. Ở đâu đang tỏa ngát hương thơm, ở đó có một loại ngôn ngữ – ngôn ngữ vô hình – để con người giao tiếp với con người và giao tiếp với thiên nhiên. Người Hy Lạp cổ đại còn tin rằng con người có thể giao tiếp với thần linh thông qua mùi hương: “Ở đâu có hương thơm ngọt ngào, ở đó hiện diện các Thần linh”.
Tác động của mùi hương đến thể xác, tinh thần và tâm hồn chúng ta là cơ sở khoa học của một phép chữa bệnh được gọi là “Hương trị liệu” (Aromatherapy) có lịch sử hơn 6.000 năm và đã được ghi vào các sách cổ trên giấy papirus của người Hy Lạp vào khoảng 1.500 năm trước Công nguyên. Trị liệu bằng hương thơm là nghệ thuật và khoa học sử dụng tinh dầu thơm tự nhiên để cân bằng, hài hòa và thúc đẩy sức khoẻ thể xác, tinh thần và tâm hồn chúng ta. Phép “Hương trị liệu” tìm con đường để thống nhất các quá trình sinh lý, tâm lý và tinh thần nhằm hỗ trợ cho việc chữa trị một số bệnh, đặc biệt là những bệnh tâm căn. Các nhà khoa học hiện đại đã lập được một “Từ điển hương trị liệu” xác định tác dụng điều trị của từng loại hương thơm. Tinh dầu hoa Cúc, đặc biệt là Cúc La Mã (Matricaria chamomilla), được coi là có tác dụng như một thuốc an thần, làm vợi đi những căng thẳng, xoa dịu lo âu trong tâm hồn người.
Khi mùa Thu đến, không gian bàng bạc, khí trời man mác, những mùi hương mơ hồ trong thiên nhiên chung quanh thường mang lại cho ta những nỗi u sầu vô cớ (melancholy). Đôi khi, những ký ức gợi sầu đã bị chôn vùi trong thời gian bỗng dưng hồi sinh mạnh mẽ, da diết vì một mùi hương thân thương, quen thuộc nào đó trong quá khứ thẳm sâu. Và khi tác giả phiến khúc haiku trên đây cảm thấy tâm hồn tràn ngập muộn phiền, không có gì tốt hơn là mượn mùi hương của hoa Cúc để gửi nỗi buồn theo gió bay đi.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội