Mới cuối Xuân 2019, các haijin của Câu Lạc Bộ Haikư Việt Hà Nội đã có cuộc hành hương về đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Cố đô Huế. Những cuộc hội ngộ và giao lưu với các bạn thơ xứ Huế lần đầu tiên gặp mặt nhưng thật đậm đà tình cảm, tưởng chừng không muốn dứt dù nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Tình yêu thơ nói chung và những khám phá mới mẻ về thể thơ haikư đặc sắc của nền văn hóa Nhật Bản đã làm tâm hồn các bạn thơ khắp mọi miền đất nước và các bạn thơ xứ Huế xích lại gần nhau và mọi người đều bịn rịn lúc chia tay.
Chỉ trong vòng ba tháng kể từ ngày ấy đã có hàng chục bạn thơ xứ Huế bén duyên với haikư và trên trang web: haikuviet.com.vn đã xuất hiện những phiến khúc haikư đầu tiên của các bạn thơ: Kim Đông, Hương Giang và mới đây là của bạn thơ Nguyễn Vũ Tiến, nhà giáo của Đại học Tư thục Phú Xuân.
Là một người con xứ Huế tha phương từ lúc hơn 10 tuổi đến nay đã ở tuổi “cổ lai hy”, ấn tượng tuổi ấu thơ không bao giời phai mờ trong tôi là “cái nắng” và “cái mưa” xứ Huế. Trong chùm haikư đầu tay của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiến phiến khúc haikư sau đây đã cuốn hút tôi.
Nắng
cô thành muối
giọt mồ hôi
Chỉ bằng 7 từ, nhà thơ đã thể hiện “cái nắng Huế” mà hình như chỉ những người con xứ Huế mới cảm nhận được. Cái nắng chang chang làm xuất hiện các ảo ảnh trên đường nhựa. Cái nắng như rang mặt đất và hình như đất cũng tỏa “mùi nắng” như khi ta rang những hạt gạo, hạt ngô trên bếp lửa hồng… Vâng, nắng Huế đã cô những giọt mồ hôi thành muối trắng đọng trên vai áo của các em, các chị, các mệ xứ quê nghèo vất vả cuộc mưu sinh. Nắng đã cô những giọt mồ hôi trên lưng áo của các chú, các bác chạy “xe kéo” thời xưa, đạp “xích lô”, chạy “xe ôm” ngày nay … Những ngày gian khổ sau năm 1975, nhiều lần tôi đã trải nghiệm “xe ôm” và được cảm nhận mùi vị mặn nồng toát ra từ những giọt mồ hôi đọng thành các hạt muối li ti trên lưng áo trước mặt tôi của các chú, các bác “xe ôm” xứ Huế
Và, hết nắng thì đến mưa.
Mưa lưa thưa
chưa là
mưa Huế
Cũng chỉ trong 7 từ, phiến khúc haikư về mưa Huế đã tổng kết – chính xác và ngắn gọn như một công thức toán học: “mưa lưa thưa chưa là mưa Huế”. Mưa Huế phải là mưa “dầm dề”, mưa “thối đất”, mưa “sập trời”. Sau mỗi cơn “mưa Huế” kéo dài hơn tuần lễ gần như các tầu lá chuối trong vườn bà tôi đều rách xác xơ. Nhưng những cơn mưa này đã gắn liền với tâm hồn những đứa con xứ Huế chúng tôi đến nỗi, cũng như nhiều người Huế sống khắp mọi miền đất nước và cả ở hải ngoại, trong thâm tâm tôi luôn ao ước mỗi năm được về lại quê nhà vào mùa mưa, đêm đêm được “nghe mưa” như một khúc nhạc ru để quên hết mọi “sự đời” mà đi vào giấc ngủ thần tiên.
Cách đây hơn mười năm, khi chưa bén duyên cùng haikư, trong nỗi nhớ quê hương, người viết bài này cũng đã từng làm ba khổ thơ về “Nắng mưa xứ Huế”.
NẮNG MƯA XỨ HUẾ
Huế, nắng hè rực lửa
Đất đá muốn bốc hơi
Ve ran kinh thành cổ
Trời xanh cao chơi vơi
Huế, mưa lạnh dầm dề
Nhạc buồn gieo trên mái
Vòm trời sát ngọn tre
Vườn xưa xơ xác lá
Đất trời như cuộc sống
Nóng lạnh cứ xoay vần
Cố giữ lòng ấm áp
Ta đón chờ mùa Xuân
Nay đọc lại thấy bài thơ dài đến 60 chữ nhưng không cô đọng, gợi mở được nhiều hơn hai phiến khúc haikư ngắn gọn chỉ có 7 từ.
Cái thần tình, vi diệu, đặc sắc và mê hoặc lòng người của haikư trong thế giới “sống gấp”, “sống ảo” hiện nay – khi chúng ta ít nhìn vào mắt nhau hơn là nhìn vào màn hình smart phone – chính là ở chỗ đó.
Thượng Đình – Hà Nội
LVT