Xó chợ
Chiếc lon trống
Hạt mưa mồ côi
(Nguyễn Thánh Ngã)
LỜI BÌNH:
Thể loại thơ haiku của Nhật Bản quy định rất chặt chẽ về số từ. Một bài thơ Haiku không vượt quá mười bảy từ. Còn với “đứa trẻ” ở đây chỉ có chín từ! Sự tối giản có thể coi là tận cùng. Chín từ lại được sắp xếp có chủ ý, tăng dần theo nhịp điệu của cảm xúc, theo thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm : hai từ, ba từ, bốn từ…
Bài thơ có tên là “đứa trẻ”, nhưng tuyệt nhiên trong chín từ đó, không hề có một từ nào liên quan đến thân phận đứa trẻ. Vì thế, bài thơ rất kín đáo và sâu sắc. Đối với một bài thơ Haiku nói chung, và bài “đứa trẻ” nói riêng, muốn hiểu được một cách cặn kẽ, trước hết ta phải là người đồng sáng tạo với tác giả, hoặc không, ta phải có trí tưởng tượng, sự liên tưởng mạnh mẽ, sự kết nối của ba câu thơ vô cùng ngắn ngủi để giải mã thân phận đứa trẻ.
Tôi cứ mạo muội cảm nhận bài thơ này theo sự rung động, cảm xúc, và cũng phải có sự rung động mãnh liệt của trí tuệ, để giải mã bài thơ với hy vọng mang đến cho người đọc một sự cảm thụ:
“Xó chợ”
Tác giả đã cho ta nhận biết về một địa điểm cụ thể: “xó chợ” – một địa điểm bất an. Cổ nhân đã dạy “đầu đường xó chợ”, tức là một địa điểm chứa chấp những kẻ bất lương trộm cắp, và những người cùng khổ. Còn hơn thế, đó là nơi chứa chấp những thứ rác rưởi hôi thối của cả cái chợ dồn về, phải đợi đến tối những người lao công mới dọn dẹp xong. Vâng, đó là địa điểm “đứa trẻ” đang đứng, hoặc ngồi. Ta đã nhìn thấy ở cái “xó chợ” bất an kia, một “đứa trẻ” gầy gò, xanh xao ốm yếu, quần áo rách nát tả tơi trong một buổi chiều chạng vạng rét mướt thê lương, ngồi bên:
“Chiếc lon trống”
Trống nghĩa là không có gì! “Chiếc lon trống” đã minh chứng rõ ràng đứa trẻ ăn xin với “chiếc lon” để đựng những đồng tiền cáu bẩn, rách nát, có khi cả những mẩu thức ăn dư thừa của người đời. Thế nhưng, từ sáng đến chiều chiếc lon vẫn trống, đồng nghĩa lại một đêm nữa đứa trẻ bụng đói nằm co ro rét mướt ở cái “xó chợ” bất an bẩn thỉu đó…
“Chiếc lon trống” không có đồng xu, đồng hào, hay một mẩu thức ăn. Điều đó đã minh chứng rằng, cuộc đời này đã vơi cạn tình thương và sự lương thiện. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta đang tôn vinh những nhà nọ, nhà kia làm từ thiện với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Có phải họ tốt không? Có phải họ thực sự là người lương thiện không, chỉ có lương tâm của họ mới cân đong đo đếm sự lương thiện, lòng hảo tâm của chính mình. Họ làm từ thiện, trước hết là vì chính họ, vì thương hiệu của họ, chắc gì đã vì những đứa trẻ đói khổ, bần hàn đầu đường xó chợ?
Vâng! những đứa trẻ ở cái “xó chợ” ấy, không hề nhận được một xu, một hào, từ những đồng từ thiện hảo tâm ấy. Một “chiếc lon trống”: trống tiền, một mảnh đời trống rỗng, một cõi người trống rỗng!
Nhưng như thế, vẫn là chưa hết trong một buổi chiều chạng vạng, trong “xó chợ” âm thầm ấy bỗng nhiên:
“Hạt mưa mồ côi”!
Mồ côi là đơn lẻ, là duy nhất. Nhưng thật quái ác, cái đơn lẻ, cái duy nhất mong manh nhỏ bé đó, bỗng nhiên khuấy động lên trong đứa trẻ một chút hy vọng mong manh. Vâng, cái “hạt mưa mồ côi” ấy đã rơi đúng vào chiếc lon trống, làm vang lên một tiếng động, và đứa trẻ giật mình, chợt nghĩ đã có ai đó bố thí cho nó một đồng xu, đồng hào. Nhưng đứa trẻ chỉ nhận được âm thanh của một hạt mưa mồ côi…
Ôi cái “hạt mưa mồ côi” vô cảm ấy, sao có thể là kẻ đồng lõa với cõi người vô cảm mà hành hạ đứa trẻ khốn khổ đến cùng kiệt!?
Bài thơ khép lại rồi, ta vẫn nhìn thấy nơi “xó chợ” kia, một đứa trẻ gầy gò, ốm yếu xanh xao, áo quần tơi tả ngồi bên “chiếc lon trống” mà trong đó, chỉ có “hạt mưa mồ côi” quái ác đọng lại. Vậy là một đêm nữa, đứa trẻ lại đói rét, lạnh lùng…
Bài thơ chỉ “chín từ” thôi, mà gửi đến cho cõi người một thông điệp đớn đau về sự bần hàn, đói khổ của biết bao đứa trẻ mồ côi không mẹ không cha, nạn nhân của những cuộc ly hôn, vì tình yêu chộp giật của thời hiện đại!
Đọc bài thơ ta mới thấu hiểu tấm lòng nhân ái của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã lớn lao biết chừng nào…
Bài thơ xứng đáng sống mãi trong lòng người đọc, và người yêu thơ bốn phương…
Nguyễn Xuân Dương
…
Nguyễn Xuân Dương
Tên thật: Nguyễn Xuân Vương. Năm sinh 1940. Sinh quán: Nguyên Cát, Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Trú quán: Số 7, đường Thành Cổ, Vệ An, TP Bắc Ninh