này, bướm đang đập cánh
ta cũng như cậu
chỉ là hạt bụi thôi
Issa Kobayashi
Đinh Nhật Hạnh dịch
Thân phận con người luôn luôn là câu hỏi chúng ta thường đau đáu tìm câu trả lời. Ta từ đâu đến? Và ta sẽ về đâu sau khi chết. Có lên được thiên đường để hưởng thụ những gì ta đã cống hiến (hoặc … hưởng thụ tiếp những gì ta chưa kịp hưởng thụ trên cõi trần thế này) hay về cõi địa ngục để bị đọa đày, trả nợ cho những tội lỗi ta đã gây ra.
Trong Ngày thứ tư Lễ Tro của Kitô giáo bắt đầu cho Mùa Chay trước Lễ Phục Sinh, tín đồ được làm phép xức tro trên trán. Trong Kinh Thánh, sách Sáng thế ký viết: “… Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được sinh ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất“. Phật giáo ở Phương Đông, cho rằng nguồn gốc của vạn vật là từ tứ đại: đất, nước, gió, lửa do nhân duyên kết hợp mà thành. Nhà Phật hay dùng cụm từ “thân tứ đại” để chỉ nhục thân của chúng ta. Cả Phật giáo và Kitô giáo đều cho rằng: “Con người sinh ra từ cát bụi và sẽ trở về với cát bụi”.
Trịnh Công Sơn, chàng nhạc sĩ tài hoa xứ Huế đã thể hiện quy luật sinh diệt này của hai tôn giáo lớn trên thế giới thành một đoạn ca từ rất hay trong bài hát “Cát Bụi”:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
để một mai tôi về làm cát bụi
Cát Bụi – Trịnh Công Sơn
Hai trăm năm trước Trịnh Công Sơn, haijin – thiền sư Issa Kobayashi thì lại thể hiện quan niệm về sinh diệt của Nhà Phật và Kitô giáo trong khúc haiku đầy tinh thần nhân văn trên đây. Ngắm nhìn chú bướm đang đập cánh bay lượn trên những đóa hoa, Issa thì thầm với bướm để gửi đi một thông điệp: dù là một sinh vật nhỏ nhoi, mong manh hay là một thiền sư, ta và ngươi đều như nhau trước Đấng Tạo Hóa. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ cát bụi và đều trở về với cát bụi mà thôi.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt –Hà Nội