Hạnh phúc đơn sơ- Lê Văn Truyền

alt

alt

鉄鉢に明日の米あり夕涼み
tetsubachi ni / asu no kome ari / yūsuzumi
in the iron bowl

rice for tomorrow
the cool evening


trong bát sắt khất thực

có nhúm gạo ngày mai

chiều buông mát lành

Ryokan Taigu (1758 – 1831)

Lê văn Truyền dịch

Hạnh phúc là điều mà mọi người đều theo đuổi, dù bằng cách thật chính đáng hay bằng cách đáng ngờ. Sống trong cái “xã hội tiêu thụ” này đôi khi ta tự hỏi: thế nào là hạnh phúc, những gì và những ai sẽ đem hạnh phúc đến cho chúng ta. Có người coi thành công là hạnh phúc, có người chọn sự giàu sang, danh vọng là hạnh phúc nhưng cũng có người đơn giản chỉ tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn để được hạnh phúc.

Aristotle (Hy Lạp, 384 – 322 trước C.N.) đã nói: “Hạnh phúc phụ thuộc vào chính bạn”. Như vậy, hạnh phúc không phải là món quà mà người khác đem đến cho ta. Đó là thứ ta phải tự tạo ra bằng chính đôi tay và sự nỗ lực của bản thân một cách trung thực. Socrates (Hy Lạp, 469 – 399 trước C.N.) thì cho rằng: Bí mật của hạnh phúc không nằm ở việc bạn tìm kiếm nó, mà là ở việc bạn hưởng thụ hạnh phúc như thế nào”? Như vậy, hạnh phúc không đến từ những yếu tố ngoại thân như các phương tiện vật chất mà chúng ta sở đắc hay những danh vọng mà ta được tưởng thưởng. Hạnh phúc đến từ chính bản thân mỗi người bằng sự cố gắng, nỗ lực và hưởng thụ những thành quả tự mình tạo ra. John Stuart Mill (Anh, 1806 – 1873) lại nói rằng: “Hãy học tìm kiếm hạnh phúc bằng cách giảm bớt nhu cầu chứ không phải tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu”. Điều quan trọng nhất của hạnh phúc là thay vì mê đắm đuổi theo sự đầy đủ về vật chất hãy giảm bớt những nhu cầu không cần thiết và sử dụng mọi thứ đúng mục đích.

Khúc haiku của Ryokan dường như đã kết tinh được những gì mà các nhà triết học trên đây đã phát biểu về hạnh phúc. Mặc dù là con trưởng trong một gia đình khá giả, được trọng vọng, Ryokan đã sống một cuộc sống đơn giản, vô cùng bình dị, không vương vấn bụi trần như một thiền sư. Một buổi chiều nào đó, Ryokan cảm thấy hạnh phúc khi trong cái bát khất thực nhỏ nhoi của mình đã có được nắm gạo cho ngày mai:

có nhúm gạo ngày mai

Nhúm gạo ngày mai” có trong chiếc bát sắt con con đã làm cho tâm hồn thiền sư bỗng trở nên nhẹ nhàng, không bợn chút lo toan để hạnh phúc thấy “chiều buông mát lành”. Ngày mai Ryokan đã có bát cơm ăn, để tiếp tục tồn tại, để mở lòng tận hưởng niềm hạnh phúc mà thiên nhiên ban tặng.

Mục sư Robert Waldinger – giáo sư tâm lý học của Đại Học Havard- đã nghiên cứu trên 724 người trưởng thành trong suốt 75 năm nhằm tìm hiểu quan niệm về hạnh phúc trong cuộc sống con người. Thông qua kết quả nghiên cứu dài hạn này, Mục sư Robert Waldinger khẳng định: Khoa học và Phật giáo có cùng quan điểm cơ bản về giá trị hạnh phúc: “Thoát khỏi cái tôi nhỏ bé là nguồn gốc của sự mãn nguyện và ý nghĩa hạnh phúc”.

Dù người đương thời đã tặng Ryokan biệt hiệu “Taigu” (Đại Ngu) nhưng cuộc đời và khúc haiku cách đây hơn 200 năm cho thấy Ryokan có cái nhìn thật minh triết về hạnh phúc, rất trùng hợp và không thua kém các kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại của Đại Học Havard trong cái “xã hội tiêu thụ” ngày nay của chúng ta.

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

Thượng Đình, Hà Thành

RYOKAN TAIGU: (1758 – 1831), tên thật Yamamoto Eizo sinh ở làng Izumozaki, tỉnh Echigo (Nhật Bản). Ông rời bỏ gia đình rất sớm và tu tập tại ngôi đền Koshô-ji với thiền sư Kokusen. Khi sư phụ Kokusen mất ông bắt đầu sống cuộc đời khất thực. Ông dành cả cuộc đời để làm thơ, viết thư pháp và đàm thoại với thiên nhiên. Thơ ông rất đơn giản và thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Ông rất yêu trẻ con và đôi khi say sưa chơi đùa với trẻ con mà quên cả việc khất thực.  Ông không bao giờ tự nhận mình là “nhà sư” hoặc “nhà thơ”. Thơ ông đầy tính thiền và hài hước. Ryokan sống cuộc đời cực kỳ đơn giản và có rất nhiều giai thoại về lòng nhân từ, lòng vị tha của ông. Ông mất ngày 6 tháng giâng năm 1831. Teshin, người bạn thân của ông cho biết Ryokan từ trần trong tư thế thiền định, từ giã cõi đời như đang trong một giấc ngủ quên. (Nguồn: Wikipedia)

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt