Tôi đã đọc không ít các phiến khúc Haiku Việt về rượu, nhưng có hai phiến khúc sau đây cứ làm tôi lâng lâng hạnh phúc cùng tác giả.
Bắt đầu là ông Người Mèo ở nhà sàn lưng chừng núi, có thể là Sa pa, nhà thơ- họa sĩ Phan Vũ Khánh. Một hôm vừa đi nương về, rửa ráy xong, bê hũ rượu ra rót vào bát, định làm một hơi cho đã khát, thì bỗng những đám mây từ ngoài núi ùa vào và ông kêu lên:
Ấy da
mây vào nhà
uống rượu ta!
Thật là hoan hỉ! Thật là hạnh phúc! Đang định độc ẩm thì có bạn tới – mà lại là bạn hiền, thân thuộc cùng núi non trời đất vào chung bát thì còn gì khoan khoái hơn! Và thế là họ nghiêng ngả bên nhau. Mây say, mây ngất ngưởng ra núi. Ông Người Mèo say lăn luôn ra sàn, đánh một giấc dài, ngáy như sấm. Ôi tự do, tự tại! Đó là mối tình muôn thuở của “thiên nhân hợp nhất” vốn được trân quí đời đời.
Rõ ràng tứ thơ trên là rất mới. Bài thơ kiệm lời và lời thơ thì mộc mạc, hồn nhiên mà vẫn gây được xúc động nơi người đọc bởi âm điệu, hình ảnh và sức gợi sâu xa của nó.
Cũng như vậy, câu thơ sau đây của nhà thơ- nhà giáo Lý Viễn Giao:
Rượu đầy
lời bay
dạ cạn!
Cực ngắn và đầy âm điệu. Nhưng mỗi cặp từ trong bài là một hình ảnh sinh động và đầy năng lượng bởi tính gợi thật kỳ diệu. Tiếp bạn quý đến nhà, mời nhau từng li rượu đầy. Rồi thi nhau “lời bay”, thi nhau dốc hết bầu tâm sựÂÂÂ sâu kín của mình cho đến khi “dạ cạn“ thì còn gì hạnh phúc hơn! Bởi vì trên đời này không phải ai, không phải lúc nào cũng có được một người bạn như thế, những giờ phút “thả phanh” vô tưÂÂÂ như thế!
Tứ thơ trong bài này không mới vì người xưa đã có câu “rượu vào lời ra”. Nhưng nhà thơ Lý Viễn Giao đã “làm mới” nó và “nâng” nó lên một tầm mới, sâu sắc hơn, mạnh mẽ và “thơ” hơn.
Haiku Việt là thế: hai phiến khúc trên đều súc tích, giản dị, nhưng đều chứa đầy năng lượng, không những thể hiện cảm xúc mà còn thể hiện cả khát vọng của con người về một thế giới an bình, hạnh phúc, thấm đẫm Tự do và Tình yêu giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người.
Quả đúng như nhà thơ Bằng Việt đã nhận xét về Haiku Việt là “Thơ hơn một lần Thơ”. Xin chân thành chúc mừng, ngưỡng mộ và chia sẻ cùng hai nhà thơ Phan Vũ Khánh và Lý Viễn Giao!
L. Đ. C