Sơn nữ gùi nước
bầu ngực trần
giọt nắng tung tăng
Phan Vũ Khánh
Dưới chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò và quyền lực rất lớn trong cộng đồng. Bởi họ là người có chức năng thiêng liêng: sinh ra và nuôi dưỡng các thế hệ tương lai để duy trì và phát triển giống nòi. Trong đời sống xã hội nguyên thủy, lương thực, thực phẩm rất hạn chế, nguồn dinh dưỡng duy nhất cho những đứa bé sơ sinh chỉ là sữa mẹ. Mặt khác, cộng đồng phải đối mặt với nạn “hữu sinh vô dưỡng” do thiếu dinh dưỡng và điều kiện vệ sinh kém nên trong nhận thức của xã hội nguyên thủy, bầu vú của người nữ có giá trị hết sức thiêng liêng. Với nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới, tập tục để ngực trần thể hiện sự trân trọng của cộng đồng và sự tự hào của người phụ nữ.
Ở nước ta tập tục đẹp này vẫn được vẫn được một số dân tộc ở Tây Nguyên duy trì cho tới ngày nay. Trong đời sống thường nhật, hình ảnh bầu vú căng tròn xuất hiện khắp mọi nơi, kể cả những nơi linh thiêng nhất (nhà mồ, nhà rông …) một cách tự nhiên như biểu trưng cho nguyện vọng của cộng đồng về sự sinh sôi, nảy nở và phồn thực của con người và giới tự nhiên. Một điển hình là chiếc cầu thang đực – cái đặt trước cửa nhà sàn Tây Nguyên. Bên cạnh cầu thang đực nhỏ bé đơn giản, chiếc cầu thang cái làm từ một thân cây to lớn mang hình một con thuyền đang lướt sóng. Trên bậc cuối cùng của cầu thang có khắc hình hai bầu vú căng tròn thể hiện sự viên mãn, hạnh phúc, phồn thực. Vì vậy, để ngực trần khoe bầu vú của mình là điều tự nhiên, là niềm tự hào của người phụ nữ về thiên chức sinh nở và nuôi dưỡng các thế hệ tương lai cho cộng đồng.
Tự nhiên, tôi lại nghĩ đến nạn dịch “bơm ngực” đang lan tràn trong nhiều cô gái trẻ trong xã hội hôm nay. Các thẩm mỹ viện đang quảng cáo om sòm về các kỹ thuật hiện đại để làm tăng kích thước “vòng một” cho các thanh nữ. Đủ các loại vật liệu được bơm vào ngực của các cô gái trẻ: từ mỡ tự thân, các chất làm đầy tự nhiên và các chất làm đầy nhân tạo (filler) … để các cô có thể “thửa” bầu ngực của mình theo tiêu chuẩn quốc tế của những nữ hoàng nhan sắc hoặc minh tinh điện ảnh một thời như B. B. – Brigitte Bardot, Marylin Monroe … hay các nữ hoàng K-Pop hiện nay đến từ “quê hương của nhân sâm và linh chi” … mà không hề mảy may lo lắng cho thiên chức làm mẹ trong tương lai của mình. Bầu ngực từ hình ảnh biểu trưng linh thiêng cho thiên chức làm mẹ đã trở thành “vật trang trí nhân tạo” trên cơ thể người phụ nữ (đôi khi khá rẻ tiền do các “spa bình dân”, các “spa dạo” cung cấp).
Họa sĩ – Haijin Phan Vũ Khánh, trong một sáng sớm mai Tây Nguyên đã may mắn bắt gặp một sơn nữ đang cõng nước từ suối trở về nhà. Bộ ngực trần sáng lên trong nắng sớm và ánh bình minh đang nhảy múa tung tăng trên bầu ngực khỏe mạnh, phồn thực của nàng. Tôi đoán chắc, có thể trái tim của chàng họa sĩ – nhà thơ lúc ấy cũng nhảy múa không kém những giọt nắng đang nhảy múa kia. Hay là vì trên “điện tâm đồ”, nhịp tim nhà thơ – họa sĩ đang nhảy múa nên chàng thấy ánh nắng cũng như đang nhảy múa?
Nhưng, xin lỗi chàng họa sĩ – haijin tài hoa, bạn của tôi! Nếu tôi được may mắn như bạn trong buổi sớm mai tuyệt trần ấy chắc chắn tôi sẽ thấy trên bầu ngực sơn nữ không phải chỉ hai giọt nắng tung tăng mà là cả hai vầng mặt trời ấm áp, rực rỡ, lung linh.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội