Đôi điều bàn luận về “Chơi thơ”- Lý Viễn Giao

alt

Sau khi bài viết “Chơi thơ” được đưa lên trang website Haiku, tôi rất vui vì thấy có người nối lời bàn luận – Haijin Nguyễn Thánh Ngã ! Anh đã nói về tôi bằng nhiều lời hơi quá với cái mà tôi có nên hơi bị mắc cỡ. Còn anh nói về bài Chơi thơ, tôi thấy đôi điều cần làm cho rành mạch hơn.

alt

Trước hết Thánh Ngã nói suy nghĩ của mình với việc chơi thơ. Anh viết “…tôi có thể nói rằng tôi hoan nghênh mọi cách chơi tao nhã và nên thơ; và hoàn toàn đồng ý với nhà thơ rằng, có cách chơi thơ đó, mà không đồng ý gọi đó là thơ Haiku.”. Ở đây có sự lầm lẫn giữa khái niệm Thơ và Chơi thơ ! Thơ được viết theo các thể loại, chơi thơ là những cung cách khi sử dụng hoặc sáng tác thơ. Có cách chơi nào là thơ lục bát, thơ tứ tuyệt hay thơ Đường luật…đâu ? Có ai gọi việc chơi này là thơ Haiku đâu ?

Haijin dành ít dòng đề cập đến thơ Đường luật. Tôi thấy sao mà giống cách nhìn của một số người đến thế. Thẩy đều cho rằng thể loại này đã lỗi thời, là sản phẩm của Trung Hoa xưa mà nay chính họ đã bỏ đi, là gò bó và cả là cầu kỳ, không có hồn, không hay… Tôi không là tín đồ của thơ Đường luật nhưng cũng được xin thưa rằng, mỗi thể loại thơ đều có cái hay riêng, phù hợp với đề tài mà tác giả muốn thể hiện. Trên đất nước hình chư S này chẳng nhan nhản các câu lạc bộ thơ Đường luật từ cấp thôn xã đến cấp quốc gia đó sao. Xin viện dẫn bài thơ Đường luật của một tác giả chưa thành danh để tham khảo. Bài “Khúc Đông” :

Gió bấc xô mây đọng cuối trời

Mưa luồn tán lá ngả nghiêng rơi

Cành cong ngõ trước run rung rẩy

Lá rộng vườn sau tốc tả tơi

Trà đượm hương xưa xui tiếng dạ

Thơ say vần cũ giục cơn đời

Có về đông trước cho theo với

Lượm mảnh nhân tình thả bóng chơi !

Đây chỉ là thơ của một tiểu tốt, còn như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Khuyến… thì chớ bảo là không hay !

Nói về sự “được mất” của việc chơi thơ tôi hơi ngạc nhiên. Thôi thì cái được không bàn nữa hãy xem cái mất khi ta chơi với, chơi bằng thơ Haiku. Tại sao khi chơi lại làm cho thơ Haiku “….không còn là thể thơ được mệnh danh là ngắn nhất thế giới nữa!”(Trích nguyên bản từ bài viết của Thánh Ngã) ? Các khúc thơ vẫn còn nguyên vẹn cả hồn cốt đó thôi. Dĩ nhiên cả chùm, cả liên khúc thì sao là bài thơ Haiku được. Xin làm một so sánh giản đơn và thô thiển này để minh chưng cho điều vừa nói. Ta lấy một số sản phẩm cùng loại (như những chiếc ghế chẳng hạn) đặt vào trong một phòng thì mỗi cái ghế vẫn là nó, còn cái phòng bây giờ thành ra phòng chứa ghế chứ hiển nhiên không là ghế. Chùm thơ ví như cái phòng chứa những cái ghế có đặc điểm chung nào đó về chất liệu hay kiểu dáng. Cao hơn thế, liên khúc thơ lại giống cái phòng chứa những ghế không chỉ có đặc điểm chung mà khi kết cấu chúng lại theo cách đã định sẽ tạo nên một sản phẩm mới.

Lại nữa, thơ nào mà chẳng có tính độc lập, riêng gì thơ Haiku. Nó độc lập từ thể loại đến ý tưởng, từ đề tài đến nội dung, từ cảm xúc đến kỹ thuật…Ấy thế mà người ta cũng ghép nó vào một chùm, một cụm như “Chùm thơ biển”, “Trang thơ Quan họ”… đó thôi. Mỗi bài trong đó có mất đi cái gì đâu ? Cũng vì thơ Haiku cực ngắn mà người ta ít đặt tiêu đề cho từng khúc, cứ để nội dung của đoản khúc ấy tự nói. Mặt khác đôi khi lại dẫn đến hiện tượng tiêu đề dài ngang ngửa với nội dung thơ thì vô duyên. Việc đặt tiêu đề cho nhiều bài thơ cùng đề tài hiện đã được nhiều người dùng. Nếu tôi không lầm thì chính haijin Thánh Ngã đã làm như thế ít nhiều lần.

Cuộc chơi nào cũng vậy, tính ràng buộc hầu như không có bởi sở thích chẳng ai giống ai. Khi viết bài “Chơi thơ” tôi chỉ muốn nói rằng mình đã làm thế mà không dám xui ai. Cảm ơn Haijin Thánh Ngã đã để mắt đến bài tôi viết và nối lời. Cảm ơn chủ tịch, tổng biên tập, thi lão Đinh Nhật Hạnh đã xúc tác tạo nên cuộc trao đổi này. Còn điều gì chưa đáp ứng được nhị vị và bạn bè xin được trao đổi tiếp.

LVG

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt