( Un ciel de pluie / descend la pente / le village court devant)
“Cả một trời mưa/ ào ào xuống dốc/ xóm làng chạy trước lao xao”
(Zlatka Timenova – Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ từ tiếng Pháp)
Theo Haikuviet.com: “Zlatka Timenova, thành viên Hiệp hội Haiku Thế giới WHA, sống và làm việc tại Lisbonne, Bồ Đào Nha. Bà nghiên cứu về triết học Pháp và làm luận văn tiến sỹ với chủ đề «Sự im lặng trong văn học và các hình thái của nó thể hiện qua tiểu thuyết của Marguerite Duras». Hiện tại, bà là Phó Giáo sư giảng dạy Ngôn ngữ và Văn học Pháp tại Đại học Lisbonne, đồng thời làm khảo cứu về Ngôn ngữ và Văn hóa Bungary. Ngoài các bài viết trong lĩnh vực phê bình văn học, dịch thuật và giảng dạy ngôn ngữ, Zlatka Timenova còn làm thơ ngắn và thơ haiku. Ba cuốn thơ haiku đã xuất bản của bà gồm có: Chama, a palavra (2013); Comme un oiseau contre le vent (Như một cánh chim trong gió, 2013) và Kato zvezden prah (Bụi sao, 2013)”
Nắng gió, mưa bão vv…là những hiện tượng thời tiết thường xuất hiện trong thơ Haiku. Mưa mỗi xứ mỗi khác, nhưng có một cơn mưa rất gần với làng quê Việt Nam. Đó là cơn mưa ấm áp của nhà thơ Zlatka Timenova xứ Bồ Đào Nha. Thơ của bà được nhà thơ Đinh Nhật Hạnh chuyển ngữ từ tiếng Pháp. Ông cho biết một thông tin khá thú vị, nhà thơ nữ này rất thân tình với CLB Haiku Việt Hà Nội. Bà đã có những trao đổi, chia sẻ với chúng ta trong thơ cũng như trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy, mà trời thấu lòng người đã đổ cơn mưa trong thơ Zlatka Timenova làm thành một nỗi nhớ!
Nếu Zlatka Timenova từng ở Việt Nam, bà sẽ thấy cùng cơn mưa ấy xảy ra ở hai lãnh thổ khác nhau, nhưng có cùng một không khí của làng quê hiền hòa. Vâng, bầu trời và những giọt mưa không có biên giới, không có cả hộ chiếu. Thế mà vẫn mưa. Mưa cùng một giọng điệu, trong hồn người và trong thực tế. Cuộc sống vốn cho ta những hiểu biết về nước. Nước là nguồn sống ở một vị thế nào đó, và sẽ khác khi ở vị thế khác. Và “cả một trời mưa ào ào xuống dốc”, khiến câu thơ kéo dãn nhịp chữ, chảy dài xuống như một dòng thác cuồn cuộn, có thể cuốn phăng cả xóm làng trong sức mạnh của nó. Câu thơ mang tín hiệu bất ngờ, bởi bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả những cơn mưa cần thiết cho đời sống!
Bài thơ không mong chờ gì hơn là có một xóm làng yêu thương, gắn bó để cùng nhau “chạy mưa”. Đó là thông điệp cần thiết cho mỗi nơi ở, mỗi vùng miền trên trái đất. Có tiếng “lao xao” í ới nhau là có thể vượt qua mọi trở lực.
Bài thơ nhắc nhở quy luật vô thường luôn ẩn nấp trong cuộc sống.
Ta nhận ra tính nhân văn trong cơn mưa ở Bồ Đào Nha và ở Việt Nam, có gì khác đâu. Và thơ cũng vậy. Không khác là mấy…
N.T.N