Con bù nhìn- Lê Văn Truyền

alt

“Nào, hãy giống người!”

ông già ước thế

khi dựng con bù nhìn

Buson Taganuchi

Đinh Nhật Hạnh dịch

Nếu được sinh ra và lớn lên ở nông thôn Việt Nam hẳn chúng ta không lạ gì những con bù nhìn (cảo nhân). Vào những thế kỷ trước và cho đến tận bây giờ ở nông thôn trên những cánh đồng lúa ta vẫn thường thấy bù nhìn thường là những con cúi bện bằng rơm, mặc áo tơi lá, đội nón rách, đôi khi có treo cái lon rỗng để phát ra âm thanh khi có gió. Nhũng người nông dân thường đặt bù nhìn giữa ruộng lúa để dọa và xua đuổi chim chóc khỏi phá hoại mùa màng vì khi nhìn thấy con bù nhìn, chim chóc ngỡ có người đang canh ruộng. Vì vậy, khi dựng một con bù nhìn, những lão nông chủ nhân của chúng luôn mong các con bù nhìn “hãy thật giống người” như ông già trong khúc haiku của Buson ước muốn.

Con bù nhìn đơn sơ không chỉ ngự trị trên đồng ruộng mà cũng đã được đưa vào văn thơ nước ta với bài thơ nôm nổi tiếng “Con bù nhìn” tương truyền của Nhà vua thi sĩ Lê Thánh Tông. Và trên thế giới ngày nay, danh từ “bù nhìn” cũng đã len lỏi vào tận chính trường, trở thành tính từ “bù nhìn” để các đối thủ chính trị hào phóng ném vào mặt nhau trong những nghị trường nghiêm trang hoặc trên sạp báo và đặc biệt trên phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay. Thế nhưng ở nước ta gần đây, một số người lại không coi biệt danh “con bù nhìn” là một danh từ để sỉ nhục. Gần đây, trong nhiều phiên tòa xử một số đại gia gây ra các vụ án kinh tế chấn động, nhiều bị cáo có chức sắc thống thiết khai trước tòa đổ lỗi cho đồng sự vì cho rằng tuy được gắn các chức danh chủ chốt (và được … lĩnh lương khủng) nhưng thật ra mình chỉ là “bù nhìn”, không trực tiếp tham gia điều hành và gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ tiền thuế của dân. Thật ra, khi tạo ra một “cảo nhân”, ai cũng mong nó trông “thật giống người” để dọa lũ chim yếu bóng vía. Vì vậy, trên một ý nghĩa nào đó, nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta cũng khó xác định được rạch ròi chung quanh chúng ta ai là một “con người thật” và đâu là một “con bù nhìn”, ít nhất là theo nghĩa bóng.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nơi mà con người đang thừa mứa phương tiện, của cải vật chất nhưng cũng đang tràn ngập nỗi cô đơn trong cuộc sống tinh thần, những con bù nhìn đang có một sứ mệnh tinh thần cao quý và nhân văn khác, hơn hẳn cái chức năng dọa nạt, xua đuổi đám “thiên dịch” gây hại mùa màng và cái chức năng làm công cụ cho các chính trị gia sát phạt lẫn nhau và để một số vị có máu mặt vin vào nhằm chạy tội trước vành móng ngựa.

alt

Đấy là trường hợp trong một ngôi làng nhỏ hẻo lánh, hoang vắng ở Nhật Bản có một người phụ nữ tên là Ayano Tsukimi đã nảy ra ý định đặt những con bù nhìn có kích cỡ như người thật khắp trong thị trấn quê hương Nagoro để nơi đó trông có sức sống hơn. Khi Ayano Tsukimi còn nhỏ, ngôi làng Nagoro thịnh vượng có hàng trăm cư dân sinh sống. Nhưng giờ đây, sau nhiều năm ly hương khi cô trở về cố hương, cả làng chỉ còn lại khoảng chục người. Ayano Tsukimi đã làm những con bù nhìn đặt khắp làng để mong xoa dịu được nỗi cô đơn. Và con đầu tiên cô làm giống hệt người cha của mình.

LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt