Chú giải về Haiku hiện đại- Lê Văn Truyền dịch

KEIJI MINATO

CHÚ GIẢI VỀ HAIKU HIỆN ĐẠI

(Notes on Modern Haiku)

CORDITE POETRY REVIEW

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:

Keiji Minato sinh năm 1973 ở phía nam Quận Osaka, Nhật Bản, lớn lên ở quê hương, đánh bắt tôm (crayfish) và khai thác hóa thạch bọ Ba thùy (fossils of Trilobites). Sau đó, ông sống ở Kyoto hơn mười năm. Ông nghiên cứu văn học Anh, thơ ca Hoa Kỳ và Australia. Ông rất yêu thích haiku của K i Nagata, Kan’ichi Abe và Jack Keruoac. Ông chơi giutar, đàn “ukulele” nhưng không xuất sắc. Keiji Minato sáng tác và xuất bản tập thơ tự do “Garasu no me / Nuno no hifu” (Glass Eyes / Cloth Skin) vào năm 2004. (Theo WHA).

Sau đây là bản dịch bài viết NOTES ON MODERN HAIKU của KEIJI MINATO đăng thành 4 kỳ trên trang web Cordite Poetry Review của Australia (http://cordite.org.au/features/keiji-minato-notes-on-modern-haiku). Người dịch xin cám ơn haijin Lê Thị Bình đã giúp dịch nghĩa một số khúc haiku từ nguyên văn tiếng Nhật để giải thích và đối chiếu với bản tiếng Anh.

Lê Văn Truyền

TOMISAWA Kakio (富沢赤黄男; 1903-1962) tiếp nhận sự tưởng tượng siêu thực và đã thành công với một phong cách riêng:

蝶墜ちて大音響の結氷期

Chô ochite / daionkyô no / keppyôki

A butterfly falls
with great reverberations –
the Ice-forming Age

 

một con bướm rũ xuống

âm vang

kỷ băng hà

 

くらやみへ くらやみへ 卵ころがりぬ

Kurayami e / kurayami e / tamago korogarinu

Into the dark

into the dark

an egg rolls

 

trong bóng đêm

trong bóng đêm

một quả trứng lăn

 

草二本だけ生えている 時間 (間=門に月)

Kusa nihon dake haeteiru / jikan

The time when

only two leaves of grass are grown

 

Thời khắc

chỉ có hai lá cỏ nẩy chồi

 

Những phiến khúc haiku trên đây có thể được coi là những khúc “haiku thuần khiết”. Khúc haiku về con bướm là một trong những bài haiku đầu tiên của ông, cho thấy những hình ảnh gây kinh ngạc với cấu trúc ngôn từ hoàn toàn khác với thế giới thực tại. Khúc haiku thứ hai và thứ ba là những tác phẩm muộn hơn của ông. Trong những khúc haiku này ông gọt giũa không chỉ ngôn từ như các haijin vẫn làm mà cả hình ảnh thật rõ ràng, Tomisawa sử dụng những khoảng ngắt để tách các đoạn trong khúc haiku và đồng thời phá cấu trúc cố định 5 / 7 / 5. Rất nhiều người phản đối thi pháp cực đoan trên đây và cho là vô nghĩa, nhưng đó lại là một thành công không thể chối cãi của ông về sự điêu luyện trong việc thu gọn cả thế giới trong hai từ “hai lá cỏ xanh”.

 

Phong trào “Shinkô Haiku” phải tạm ngừng khi những thành viên chủ chốt của phong trào bị bắt giữ năm 1937 và bị coi là những người có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản (mặc dù không có thành viên nào tham gia hoạt động chính trị).

 

Các haijin hiện đại khác vẫn theo đuổi con đường sáng tác có vẻ bảo thủ. NAKAMURA Kusatao (中村草田男; 1901-1983) là một đại diện tiêu biểu của phong trào Ningen-Tankyu-Ha (人間探求派; trường phái “Inquirers of Humanity”). Trên cơ sở quan điểm bảo thủ do TAKAHAMA Kyoshi (1874-1959) chủ trương, trường phái này đấu tranh để haiku đạt đến thành tựu của tinh thần nhân văn. Những tác phẩm của Nakamura, tuy vậy, là những bước tiến lớn đạt đến những nguyên tắc sáng tác do sư phụ của ông, Takahama đã vạch ra, rất chủ quan, rườm rà đến mức có thể phá hỏng nhịp điệu của thơ:

 

手の薔薇に蜂来れば我王の如し

Te no bara ni / hachi kureba ware / ou no gotoshi

When a bee comes
to the rose in my hand
I am like a king

 

Khi một chú ong sà xuống

đóa hồng trong tay

tôi ngỡ mình là vua

 

万緑の中や吾子の歯生え初むる

Banryoku no / naka ya Ako no ha / hae somuru

Everywhere is green –
my child has begun

to grow teeth

 

Khắp nơi xanh tươi

cái răng con tôi

cũng nhú mầm rồi

 

木の葉髪文藝ながく欺きぬ

Konohagami / Bungei nagaku / azamukinu

Hair shed in winter –
I have been so long
deceived by literature

 

Mùa đông tóc rụng

đã từ lâu rồi

tôi chán thơ văn

 

Những phiến khúc haiku trên đây đầy tính chất chủ quan, xóa bỏ khoảng cách giữa thiên nhiên và con người. Điều này làm cho thơ của ông rất dễ đọc đồng thời không để lại một khoảng không gian cho các chiều kích xã hội (social dimensions). Nakamura thừa kế các bậc thầy sáng tạo một cách nhìn hết sức thuyết phục về con người hiện đại, ngay cả trong cuộc sống riêng tư của họ.

 

Một haijin khác của phong trào Ningen-Tankyu-Ha là KATÔ Shuson (1905-1993; 加藤楸邨), người đã đề cao các chủ đề đạo đức theo chiều hướng hướng nội:

 

鮟鱇の骨まで凍ててぶちきらる

Ankô no / hone made itete / buchikiraru

An anlger fish
frozen to the bones is
chopped down

 

Một con cá vây chân*

đông lạnh tận xương

đã bị chặt khúc

 

*Anlger fish: Cá vây chân, còn gọi là “cá cần câu” loài cá có một mấu thịt ở đầu được sử dụng như một mồi câu. Tên latinh: Lophius piscatorius.

 

蟻の顔に口ありて声充満す

Ari no kao ni / kuchi arite koe / jûman su

The ant’s face
has a mouth filled up
with its voice

 

Trên mặt con kiến

có cái miệng

ngậm đầy tiếng kêu

 

鰯雲人に告ぐべきことならず

Iwashigumo / Hito ni tsugu beki / koto narazu

Mackerel sky –
this is not something
to tell others

 

Mây vảy cá

điều ta muốn kể với người

mà không nói ra lời

Lê thị Bình

 

Mây vẩy cá

chẳng có chuyện gì

để nói với mọi người

 

*Mây vẩy cá: một loại mây tích, nghe nói người Nhật tin rẳng xuất hiện mây này thì được mùa cá trích.

 

Trong những phiến khúc haiku trên đây, quý ngữ về mùa chỉ đơn thuần là những ẩn dụ (metaphor) hoặc chỉ nhằm cho ta biết những tầng nấc của tiến trình nhận thức chủ quan. Hoặc có thể nói, những hình ảnh về mùa ở đây đã bị biến dạng bởi ý thức chủ quan của người viết, trở thành những hình ảnh báo điềm gở, những tín hiệu mơ hồ của những căng thẳng xã hội. Hơn nữa, không có bất cứ vấn đề đạo đức nào đơn thuần được coi chỉ là vấn đề của cá nhân, ngay cả khi chúng ta nhận thức được rằng những khó khăn do chiến tranh gây ra ẩn giấu đằng sau các vấn đề đạo đức.

 

Cho đến gần đây, lịch sử nền haiku hiện đại Nhật Bản cho thấy đây là một nền thơ ca hoàn toàn hướng đến người đàn ông (male – centered) như là nhân vật trung tâm. Thật ra, Nhật Bản cũng đã có những nữ haijin tuyệt vời; họ đa số là những người trong hệ thống “kessha” (kessha, 結社: là một nhóm hoặc môn phái được một sư phụ chủ trì, môn phái có cấu trúc tổ chức theo hệ thống tôn ti, các môn sinh phải tuân thủ các quy tắc do sư phụ đề ra). Hệ thống “kessha” và những quy tắc của nó đã có tác dụng tích cực giúp tài năng của một số môn sinh được nuôi dưỡng, phát triển thay vì bị vùi lấp vì những chuẩn mực cứng nhắc. Một số nữ haijin khác đã có thể cất lên tiếng nói khác biệt của mình và haiku của họ phản ánh những mối quan tâm khác với hoặc ngược lại những mối quan tâm của nam giới.

 

Một trong số họ là MITSUHASHI Takajo (三橋鷹女; 1899-1972). Bà đã tham gia một “kessha” trong một thời gian ngắn và đã phát triển giọng thơ vô song của bà so với các môn phái khác.  Sau này, bà gia nhập nhóm haijin tiên phong do Tomizawa Kakio dẫn đầu. Những khúc haiku đầy nữ tính của bà thể hiện sự bất mãn gần như về hầu hết mọi thứ. Viễn kiến cá nhân của bà hình như theo phong cách Gothic, có vẻ kỳ lạ hơn thơ của Tomizawa:

 

夏痩せて嫌ひなものは嫌ひなり 
Natsuyasete / kiraina mono wa / kirai nari

Thinned by summer heat –
I don’t like what
I don’t like

 

Tôi không thích

không thích cái nóng mùa hè

làm tôi gầy xọp

 

鞦韆は漕ぐべし愛は奪ふべし
Shûsen wa / kogu beshi Ai wa / ubau beshi

A swing is for you
to swing – love is for you
to take away

 

Cái đu này để anh đu đưa

tình yêu này

để anh mang theo

 

羊歯地獄 掌地獄 共に餓へ
Shida jigoku / Tenohira jigoku / Tomo ni ue

The Hell of Ferns
the Hell of Hands
both in hunger

 

Những cây dương xỉ kinh khủng

đôi tay kinh khủng

cả hai đang đói

 

Mitsuhashi không bao giờ e ngại bản chất vị kỷ trong thơ của bà và vẫn đam mê điều đó khi sáng tác. Điều này hoàn toàn trái ngược với tư tưởng chi phối (cả thời đó và thời nay) rằng haiku phải chú tâm vào việc nhận xét thế giới khách quan và không được biểu đạt cảm nhận hoặc cái nhìn chủ quan. Óc tưởng tượng của Mitsuhashi vì vậy thường là siêu thực, bắt nguồn sâu sắc từ nữ tính.

 

HASHIMOTO Takako (橋本多佳子; 1899-1963) là môn đệ của TAKAHAMA Kyoshi (1874-1959), người thiết lập hệ thống “Kessha Hototogisu” (ホトトギス), đã gia nhập nhóm Shinkô trong đó có cả Saitô Sanki. Trong một môi trường sáng tác tự do hơn, Hashimoto xử lý chủ đề bản năng giới tính (sexuality) khá táo bạo trong thơ haiku của bà.

 

七夕や髪ぬれしまま人に逢う 
Tanabata ya / Kami nureshi mama / hito ni au

Star Festival –
with my hair still wet
I go out for a date

 

Ngày hội Ngôi sao

dù tóc đang ướt

tôi vẫn hẹn hò

 

雄鹿の前吾もあらあらしき息す
Ojika no mae / ware mo ara’arashiki / iki su

Facing a stag
I too take
wild breaths

 

Gặp chàng độc thân

đi hội một mình

tôi hít thở làn hương hoang dã

 

乳母車夏の怒濤によこむきに
Ubaguruma / Natsuno dotô ni / yokomuki ni

Baby buggy
with its side toward
big summer waves

 

Chiếc xe nôi

nằm ngang biển sóng dữ

mùa hè

Lê thị Bình

 

Tính cách ái kỷ (narcissim) rất mạnh mẽ nhưng được kiểm soát cho phép bà biểu lộ quan điểm nữ tính cá nhân rất dứt khoát nhưng không quá duy cảm (sensationalism). Trong khúc haiku cuối trên đây, bà còn đưa ra trước công chúng hình ảnh một người phụ nữ trong vai trò người mẹ.

 

HOSHINO Tatsuko (星野立子; 1903-1984) thì ở vị trí ngược lại với hai haijin trên đây. Bà là con gái của Takahama Kyoshi, người đã in đậm dấu ấn lên thơ ca của bà. Tuy nhiên, ta không hề thấy xung đột giữa phụ nữ và nam giới hoặc giữa cha và con gái trong trường hợp đặc biệt này. Trung thành với chỉ dẫn của cha (là tuyên ngôn của nhóm Hototogitsu), bà đã tạo dựng thành công phong cách độc đáo của mình. Bà nổi tiếng với văn phong đơn giản và có vần điệu.

 

朴の葉の落ちをり朴の木はいづこ 
Hô no ha no / ochi ori Hô no / ki wa izuko

Magnolia leaves
fallen on the ground –
where is the magnolia tree?

 

Lá mộc lan

rụng xuống thảm cỏ

cây mộc lan đâu?

 

蝌蚪一つ鼻杭にあて休みをり
Kato hitotsu / hana kui ni ate / yasumi ori

A tadpole rests
with its nose
on a stake

 

Một con nòng nọc

nhô mũi nó lên

trên một cái cọc

 

蛍の国よりありし夜の電話
Hotaru no / kuni yori arishi / yo no denwa

From the country of fireflies
a phone call at night

 

Giữa đêm

một cuộc gọi khuya

từ miền đom đóm

 

Không như trường hợp của Hashimoto và Mitsuhashi, thế giới của bà là sự tự mãn mà không buông thả. Đó là sự hoàn thiện mỹ học của Takahama, hướng về các chủ đề mùa và miêu tả thế giới khách quan, đã trở thành một xu hướng chính thống còn ảnh hưởng sâu rộng cho đến ngày nay.

 

Hiện nay, số phụ nữ sáng tác haiku còn nhiều hơn nam giới, mặc dù các haijin nam vẫn đang giữ vị trí chủ đạo trong nhiều trường phái. Một số thử nghiệm trong các tuyển tập của các nữ haijin đã chứng minh vị trí của họ, tương đối độc lập trong lịch sử nền haiku do nam giới “thống trị” và khơi dậy các khả năng mà các nữ haijin đã khai mở trong thể loại haiku cổ điển.

 

Ngay sau Đại chiến thế giới II, nhà phê bình văn học rất có ảnh hưởng, KUWABARA Takeo (桑原武夫; 1904-1988) đã chỉ trích nặng nề hình thức haiku truyền thống và coi như là một loại “nghệ thuật thứ cấp” (第二藝術). Hầu hết những lời phê bình của ông mang tính chất “chủ nghĩa hướng Âu” (Euro-centrism*), vô lý và không có sức thuyết phục nhưng những nghi ngờ của ông về giá trị của dạng haiku cổ điển đã tác động mạnh mẽ đến những người sáng tác haiku và tanka, buộc họ hoặc phải im lặng hoặc phải lui về chốn riêng, thủ thế và không tham gia hoạt động chính trị sau chiến tranh.

 

“Chủ nghĩa hướng Âu” (Eurocentrism) là khuynh hướng diễn dịch lịch sử và văn hóa của các xã hội phi Châu Âu (non-European societies) theo quan điểm của Châu Âu. Các đặc điểm của chủ nghĩa hướng Âu” là: (1) Cho rằng các xã hội phi Châu Âu là thấp kém so với Châu Âu  (2) Đánh giá thấp những thành tựu mà xã hội các nước Châu Á và Châu Phi đã đạt được hoặc xem xét lịch sử xã hội các nước phi Châu Âu đơn giản bằng những khái niệm của Châu Âu, hoặc như là một phần của sự “mở rộng của Châu Âu” và ảnh hưởng của nền văn minh Châu Âu (Theo ENCYCLOpedia.com)

 

Vậy là, nền haiku tiền phong này (avant-garde haiku) sụp đổ khi “xung lượng” của nó bị bào mòn bởi sự chuyển hướng sang khuynh hướng ổn định và bảo thủ trong xã hội những năm 1970’, giữa những khuynh hướng căn bản trên vũ đài văn chương và chính trị. Hiện nay, những nghi ngờ về dạng thức của haiku được coi là một lực phản tác dụng. Cơ sở của những nghi ngờ đó đã trở thành mong muốn mở ra một viễn cảnh chung có thể bao hàm những khả năng mới cho xã hội Nhật Bản như một tổng thế nguyên vẹn, nhưng không áp đặt lên trên cá nhân, vì đôi khi ta vẫn có thể đạt được một thành tựu nào đó, ngay cả khi bằng một phương thức không lấy gì làm chắc chắn cho lắm.

 

Quan điểm mạnh mẽ áp đặt bởi Big H* hiện nay đang bị nghi ngờ và những thử nghiệm mới chỉ có thể do từng cá nhân thực hiện. Chắc chắn rằng, các thử nghiệm nghệ thuật không bao giờ kết thúc, nhưng hình như các thử nghiệm này đã mất mối liên hệ sống còn với thế giới chung quanh.

 

*Adrian Harris, còn được biết dưới tên nghệ sĩ sân khấu Big H và Big Hooligan, là một nghệ sĩ hip-hop người Anh ở Luân Đôn. (Theo Wikipedia)

 

Trong lịch sử sáng tác haiku, ta có thể thấy sự thay đổi này trong tiến trình chung chuyển tiếp sáng tác haiku sang phong cách hướng về ngôn ngữ.

 

Các tác phẩm của ABE Kan’ichi (阿部完市; sinh 1928) là những ví dụ đầu tiên của thơ haiku không hướng về những ẩn dụ của ngôn từ mà hướng về bản thân ngôn ngữ và những hình ảnh có khả năng sử dụng trong nghệ thuật “chơi chữ” (linguistic play).

 

 

朝の井に小さい木馬にのりあつまれ
Asa no i ni / chi’isai mokuba ni / nori atsumare

Let’s get together
riding on small wooden horses
to the morning well

 

Nào hãy cùng nhau

cưỡi con ngựa gỗ

cho đến bình minh

 

静かなうしろ紙の木紙の木の林
Shizukana ushiro / kami no ki kami no / ki no hayashi

Stillness behind –
trees of paper,
a forest of trees of paper

 

Sự tĩnh lặng đằng sau

những cây giấy

một rừng cây giấy

 

かるい百人朝空からおりてはたらく
Karui hyaku-nin / sora kara orite / hataraku

In the morning from the sky
a hundred light-weighted men
come down and work

 

Sáng sớm từ trên trời

hàng trăm người đàn ông gầy gò

sà xuống và làm việc

 

Trong khúc haiku đầu tiên, câu thơ ở thể mệnh lệnh rất thú vị và không có nhiều ý nghĩa cũng giống như trong những khúc hát ru trẻ. Trong phiến khúc thứ hai, thực thể hiện diện trước mắt chúng ta chỉ là giấy, giấy và giấy và gần như vô nghĩa. Ví dụ thứ ba có thể coi đó là lời phê phán tình trạng làm việc ở Nhật Bản, những nhân viên văn phòng phải ngồi hàng giờ trên tàu mỗi buổi sáng mới có thể đến nơi làm việc, nhưng hình ảnh “hàng trăm người đàn ông gầy gò” (Abe dùng từ “hiragana” mà không dùng từ “kanji”) là để nhấn mạnh thực tế tình trạng căng thẳng này. Phong cách của Abe mang tính chất hậu hiện đại (post – modernistic style), không bắt nguồn từ sự phân biệt chủ quan / khách quan thâm căn cố đế trong haiku thời đại Meiji.

 

KATÔ Ikuya (加藤郁乎; b.1929) là một haijin khác đã thực hiện sự chuyển hóa bắt nguồn ngay từ bản thân ngôn từ. Khác với Abe, ông tiếp nhận rất nhiều chất liệu từ lịch sử haiku như các đoạn văn/liên văn bản (intertext) và từ các nguồn văn học khác vì vậy các sáng tác của ông thường hơi cao siêu (highbrow) và khó hiểu đối với độc giả thông thường:

 

楡よ、お前は高い感情のうしろを見せる
Nire yo / Omae wa takai kanjô no ushiro wo miseru

Oh, elm,
you show the back of a noble emotion

 

Ồ, cây đu

ngươi chỉ ra mặt trái của niềm xúc động cao quý

 

とりめのぶうめらんこりい子供屋のコリドン
Torime no bûmerankori’i / kodomo-ya no koridon

Night-blind boomerangcoly, Coridon who deals in children

 

Định đến quán bumerang

quáng gà nhầm đường

đến trà thất trẻ con của cáo cô độc

Lê thị Bình

 

春しぐれ一行の詩はどこで絶つか
Haru-shigure / Ichi-gyo no shi ha / doko de tatsuka

Spring scattered rain- where should you finish a one-line poem?

Mưa Xuân lất phất – ta viết xong bài thơ một dòng ở đâu đây?

 

Ông phá vỡ hình thức 5 / 7 /5 không phải vì ông không tin vào nguyên tắc cấu trúc vốn có của haiku mà đúng hơn là vì bản chất tự nhiên truyền thống lâu đời và uyển chuyến của haiku mà không phải haijin hiện đại nào cũng công nhận. Katô là một học giả / nhà phê bình haiku hàng đầu trong Thời đại Edo, thời mà thể loại haiku đã thoát khỏi những quy tắc cứng nhắc áp đặt lên người sáng tác sau quá trình Âu hóa của xã hội Nhật Bản. Katô sử dụng các “nghệ thuật chơi chữ” và “ghép từ” như trong khúc haiku thứ hai trên đây. Từ boomerangcoly được ghép từ hai từ boomerang (vũ khí ném của thổ dân Châu Úc) và melancoly (nỗi u sầu). Điều này không làm biến dạng mà đây là sự tái lập cần thiết các yếu tố lịch sử của thể loại này.

 

SETTSU Yukihiko (攝津幸彦; 1947-1996), qua đời khi còn rất trẻ nhưng là một trong những gương mặt có ảnh hưởng nhất đến các haijin trẻ hiện nay. Phong cách của ông phần lớn dựa trên việc kết hợp các hình ảnh một cách hết sức bất ngờ:

 

路地裏を夜汽車と思ふ金魚かな
Roji-ura wo / yo-gisha to omou / kingyo kana

 

Goldfish
take the backstreet
for a night train

 

Cá vàng

đi qua ngõ sau

lên chuyến tầu đêm

 

ひとみ元消化器なりし冬青空
Hitomi moto / shôkaki narishi / fuyu-aozora

Eyes used to be
digestive organs –
winter blue sky

 

Đôi mắt

tiêu hóa –

trời đông trong xanh

 

南国に死して御恩のみなみかぜ
Nangoku ni / shishite go’on no /minami-kaze

Dead in southern countries
they gratefully send
southerly winds

 

Chết ở phương Nam

với lòng biết ơn họ gửi về quê

những làn gió Nam

 

Việc kết hợp một cách bất ngờ các hình ảnh được gọi là “toriawase (取り合わせ)” hoặc “nibutsu-shôgeki (二物衝撃)” là một kỹ thuật truyền thống trong sáng tác haiku. Các kỹ thuật này bắt nguồn từ một kỹ thuật cơ bản thường được sử dụng trong nghệ thuật cổ truyền Nhật Bản gọi là “mitate (見立て)” mô tả một sự vật nào đó như là một sự vật khác để gây ra sự khôi hài và châm biếm. Trong khúc haiku đầu tiên, ta thấy sự kết hợp bất ngờ hình ảnh “ngõ sau” (backstreet: ngõ sau, lối sau) và “chuyến tàu đêm” (night train) với một hình ảnh khác: con “cá vàng” (Goldfish). Có thể nhận thấy kỹ thuật nói trên cũng tạo ra hiệu ứng châm biếm trong khúc haiku thứ ba. Trong khúc haiku này, “họ” (they), những người “biết ơn gửi làn gió phương Nam” cho Thiên Hoàng Shôwa Hirohito, chính là những người lính Nhật Bản đã hy sinh trong Đại chiến thế giới II. Cũng như Katô Ikuya, phong cách của Settsu đã làm sống lại một phần các yếu tố hài hước bị kìm nén trong lịch sử haiku hiện đại.

 

Các nữ haijin thường được chia thành hai nhóm: nhóm tập trung vào ngôn ngữ và nhóm tập trung vào hình ảnh, như đã đề cập ở trên. Ngay nếu như các nữ haijin có phong cách sáng tác khác đi nữa thì họ vẫn có những yếu tố chung với các haijin nam đương thời. Việc xem xét vị trí của các nữ haijin trong bảng “phả hệ” haiku thật ra chỉ có ý nghĩa tham khảo hơn là để xác định họ vào một vị trí riêng biệt so với các nam haijin.

 

Cuộc sống thường ngày luôn luôn đầy những bất ngờ. Với “thương hiệu” phong cách “thông tục” của mình, IKEDA Sumiko (池田澄子; b.1936) đã chứng minh một cách sinh động thực tế này:

 

ピーマン切って中を明るくしてあげた
Pîman kitte / naka wo akaruku / shite ageta

I kindly cut
a green pepper and
let its inside bright

 

Tôi cẩn thận bóc vỏ

một quả hồ tiêu xanh

để hạt tiêu ngời sáng

 

じゃんけんで負けて螢に生れたの
Janken de / makete hotaru ni / umaretano

Beaten in a game
of rock-paper-scissors
I was born as a firefly

 

Thua một ván

“oẳn tù tì”

tôi là con thiêu thân

 

セーターにもぐり出られぬかもしれぬ
Sêtâ ni / moguri derarenu / kamo shirenu

Getting into a sweater
I might be unable
to get out

 

Vào phòng tắm hơi

tôi như thể

không còn muốn ra

 

Tất nhiên, cái hạt tiêu trong một trái tiêu chưa bóc vỏ thường có mầu đen, nhưng có ai đã viết về cái thực tế hết sức hiển nhiên này một cách ấn tượng như trong khúc haiku trên đây? Khúc haiku thứ hai giống như một câu trả lời cho một điều bí ẩn: tại sao một cái gì đó lại chính là nó? Điều đó có thể chỉ phụ thuộc vào sự tình cờ. Nỗi e ngại nhẹ nhàng trong khúc haiku thứ ba chắc chắn là nỗi lòng mà tất cả chúng ta đã trải qua trong thời thơ ấu nhưng đã bị ta quên lãng từ lâu rồi. Giọng điệu hài hước trong cách diễn đạt đã tôn lên cái cảm giác kỳ diệu về một điều tầm thường, những điều thường được che khuất trong cuộc sống chúng ta.

 

Phong cách của KURODA Momoko (黒田杏子; b.1938) thì chính thống hơn, cấu tạo khúc haiku bằng cách kết hợp các hình ảnh nhưng với khả năng phát hiện như những khúc haiku sau đây:

 

十二支みな闇に逃げこむ走馬燈
Jûnishi mina / yami ni nigekomu / sômatô

All the zodiac animals
fly away into the dark –
a phantasmagoria

 

Tất cả con vật cung hoàng đạo

bay vào bóng đêm

một ảo cảnh

 

白葱のひかりの棒をいま刻む
Shiranegi no / hikari no bô wo / ima kizamu

I am now mincing
the stick of light
of a white leek

 

Tôi rất điệu đà

có cái đèn pin

hình cây tỏi tây

 

能面のくだけて月の港かな
Nômen no / kudakete tsuki no / minato kana

A Noh mask
breaks into pieces –
a moon-lit port

 

mặt nạ kịch Nô

vỡ thành hai mảnh

cửa sổ đón trăng

 

Kỹ thuật “mitate” được sử dụng ở đây cũng như trong sángtác của Settsu Yukihito, nhưng nhẹ nhàng hơn. Hình ảnh ánh sáng của ảo cảnh hình như đã biến vào bóng đêm, được xem như là ẩn dụ về những thời khắc đã trôi qua (nói cách khác, ảo cảnh những con vật trong cung hoàng đạo là ẩn dụ về thời khắc đã trôi qua). Trong phiến khúc haiku cuối cùng có sự chuyển tiếp của hai hình ảnh: mặt nạ kịch Nô (能面) và “cánh cửa sổ” (月の港), cho phép người đọc liên tưởng và kết nối hai hình ảnh.

 

Trong những bài haiku của mình, ÔKI Amari (大木あまり; b.1941) cho thấy quan niệm của người phụ nữ rằng haiku một mặt cần phải bảo đảm tính chặt chẽ nhưng mặt khác phải thanh thoát:

 

花ざくろピカソ嫌ひは肉嫌ひ
Hana-zakuro / Picasso girai wa / niku girai

Pomegranate in bloom –
people who don’t like Picasso
don’t like meat either

 

Lựu đang nở hoa

ai không thích Picasso

cũng không thích ăn mặn*

 

*ăn mặn: theo nhà Phật ăn mặn có nghĩa là ăn các loại thịt, đối nghịch với ăn chay

 

夫にして悪友なりし榾を焚く
Otto ni shite / akuyû narishi / hoda w otaku

He is my husband
and also bad old company –
burning firewood

 

Ông ấy là chồng tôi

người bạn đồng hành già yếu –

củi khô đang cháy

 

寒月下あにいもうとのやうに寝て
Kangetsuka / ani imôto no / yôni nete

Under a chilly moon
we sleep like a brother and a sister

 

Dưới trăng lạnh lẽo

mình ngủ với nhau như hai anh em

 

Thưởng thức những câu thơ này ta có cảm giác như đang nghe người phụ nữ thủ thỉ tâm tình những cảm xúc và suy nghĩ bột phát của họ. Ý tưởng trong khúc haiku thứ nhất có vẻ phi lý, nhưng với hình ảnh hoa lựu (thường hàm ý về bản năng giới tính) khúc haiku cho ta thấy một người phụ nữ vẫn rất chân thành dám nói lên cảm xúc của mình. Sự xa cách hoặc gần gũi thân mật với người nam được tự do hơn và được xóa bỏ một cách tế nhị hơn trong các sáng tác của các nữ haijin trước đó: họ gần gũi nhau như những người bạn, như anh trai và em gái. Tính dục và vai trò giới tính trở nên ít bền vững hơn so với trước đây.

 

ÔNISHI Yasuyo (大西泰世; b.1949), chủ yếu sáng tác senryu, sử dụng những hình ảnh tự do về giới một cách rất đặc sắc:

 

如月にうつくしく死ぬ生殖器
Kisaragi ni / utsukushiku sinu / seishokuki

In February
the genitals die
elegantly

 

Tháng hai

cơ quan sinh dục

ngủ yên nhẹ nhàng

 

なにほどの快楽か大樹揺れやまず
Nani hodo no / keraku ka Taiju / yure yamazu

With how much ecstasy –
the large tree
never stops swaying

 

Xiết bao ngất ngây

cái cây to này

không ngừng lay động

 

許されて風を生むより鬼を生む
Yurusarete / kaze wo umu yori / oni wo umu

Forgiven
I will give birth to a demon
rather than the wind

 

Vị tha

thà tôi sinh ra một con quỷ

còn hơn ngọn gió

 

Ở đây, sự thể hiện giới tính (showoff of sexuality) vừa cố gắng phá vỡ vừa phụ thuộc vào hình ảnh truyền thống của tự nhiên. Tháng hai là tháng cây cối bắt đầu nẩy nở trong mùa Xuân. Từ “tháng Kisaragi (如月)” có nghĩa là “sự hồi sinh” (renewal of life: 生更ぎ) và khúc haiku chỉ cần đưa từ “genitals dye” vào đó để nói lên trạng thái căng thẳng giữa sự “sống” và cái “chết”. Trong phiến khúc haiku thứ hai ta thấy sự phóng chiếu cảm giác chủ quan (khát khao khoái cảm nhục thể) vào một vật thể khách quan (cái cây to) đã gây sốc đối với quan niệm truyền thống về thiên nhiên, và qua đó đã biểu lộ một cách rất hiệu quả khát khao buông thả của tác giả như thế nào.

 

Haijin Lê thị Bình chú thích

Khúc haiku dưới đây là của 1 tác giả nữ tên là HASHIMOTO Takako (1899 – 1963) nói về sự bất an của đứa trẻ và cũng là tâm trạng chung của người Nhật trước thiên nhiên và thời cuộc.

乳母車夏の怒濤によこむきに

Ubaguruma / Natsuno dotô ni / yokomuki ni 

Chiếc xe nôi

nằm ngang biển sóng dữ

mùa hè

Khúc haiku của một nhà thơ Nhật Bản hiện đại có tiếng thời Chiêu Hòa là KATO Shuson cũng gây không ít khó hiểu cho người đọc, kể cả người Nhật.  

 

鰯雲人に告ぐべきことならず

Iwashigumo / Hito ni tsugu beki / koto narazu

 

Mây vảy cá 

điều ta muốn kể với người

mà không nói ra lời

Khúc haiku sau đây của nhà thơ Haiku nổi tiếng của Nhật Bản theo trường phái tự do là KATO Ikuya (1929-2012), cuốn hút người đọc bởi âm hưởng của câu thơ:

とりめのぶうめらんこりい子供屋のコリドン
Torime no bûmerankori’I / kodomo-ya no koridon

 

Định đến quán bumerang

quáng gà nhầm đường

đến trà thất trẻ con “Cáo cô độc”

 LVT

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt