Cảm nhận về một bài thơ Haiku của Mai Trinh- Võ Khoa Châu

alt

Thơ haiku, như chúng ta đều biết, là một thể thơ rất kiệm lời của đất nước Phù Tang. Nó chỉ có vỏn vẹn ba câu và ngữ lượng dưới mười bảy từ. Do đó cho nên, người làm thơ haiku phải nắm bắt được tinh hoa của mỗi chữ, phải chắc lọc từng từ sâu sắc.

alt

Thơ haiku mang tính triết lý, luận giải hoặc tỏ bày cảm xúc sau mỗi nhịp thơ. Ta có thể chiêm cảm bài thơ haiku sau đây của nhà thơ Mai Trinh Phan Thị Phượng Uyên, ở Bạc Liêu, hội viên CLB Thơ Haiku Việt:

Trắng muốt

Trên những cánh hoa đan

Hương cà phê dậy thì

Bài thơ mở đầu với hai từ “trắng muốt”. Cái gì trắng muốt? Sự bất ngờ được tác giả khơi gợi một cách có vẻ như đột ngột, ấn tượng về sắc màu, dẫn dắt chúng ta đi tìm ẩn ý phía sau đó. Ta thử “truy nghiệm” cái điều mà Mai Trinh muốn gửi gắm, tư duy về, hoặc muốn nói, muốn biểu đạt ý tưởng sâu xa trong tổng thể bài thơ gồm mười hai chữ nói trên, để xem thế nào.

Trắng muốt, sắc màu thị hiện đã chạm vào ánh mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên của chủ thể khi bắt gặp. Màu tinh khiết tạo cảm xúc trên nền thi ca của xứ sở Mặt trời mọc, làm cho khách thể đồng cảm thi hứng.

Cái gì trắng muốt và trắng muốt ở đâu? Câu thơ thứ hai, tác giả còn giấu chủ ngữ của trắng muốt, hay có thể nói một cách khác, nhà thơ chỉ cho đọc giả thấy cái thuộc tính của sự vật muốn biểu cảm, và cái nơi trình hiện màu trinh bạch “trên những cánh hoa đan”, ấy thôi. Người đọc vẫn chưa biết đó là loại hoa gì. Tên một loài hoa vẫn còn bỏ ngõ. Chỉ với năm từ ngắn gọn “trên những cánh hoa đan”, nhưng nội hàm thơ thì không ngắn gọn. Câu thơ lung linh sắc màu mẫn cảm, và nâng tính vận động thi ca trong từ “đan”. Đan vào nhau, tựa bên nhau, cũng có thể hoa  chen giành nhau khoe sắc, dâng cho người niềm hy vọng ước mơ…Người cảm thấy yêu hoa, yêu đời, yêu cái mặn mà bên nhau trong cuộc sống. Bỗng lòng ta yêu cây lá kết hoa. Tha nhân cảm nhận hoa thơm, sinh tồn theo bốn mùa đổi thay trong lẻ vận hành của vũ trụ.

Cho đến câu cuối của bài haiku kiệm ngữ, nhà thơ mới bật mí “hương cà phê”. À, thỉ ra cái màu trắng muốt ấy, là màu của hoa cà phê trinh nguyên.

Từ “hương” rất là bình thường, nhưng cách sử dụng ở đây, nó làm thành một tầng đa ngữ nghĩa. Hương hoa/ hương sắc/ hương con gái/ mùi thơm da thịt. Và “hương cà phê dậy thì” còn nói lên thời điểm, tính thời gian của mùa cây trái cà phê trước khi kết hạt. Bài thơ là lời phát biểu một niềm tin yêu trong sáng, một hy vọng đẹp tươi từ những bàn tay siêng năng bón chăm cây trái vụ mùa

Nếu như biểu tượng của núi rừng Tây Bắc là hoa ban, hoa mận, thì hoa của Tây nguyên là hoa cà phê “trắng muốt” nở rộ tháng ba. Tác giả giấu cái “quý ngữ” (kigo), cái mùa/quý trong bài thơ, như là một thủ pháp xử dụng thơ Haiku trong yếu tố ”mùa”

Nói một cách khác, người đọc liên tưởng, hòa nhập vào cái “đang là” (être en train de…) trong thời gian tháng ba của bài thơ.

Thơ Haiku của Mai Trinh thường xuất hiện sắc màu – “Gié lục bình/ Tím ngát trên sông/ Chân trời xa vô định”. Tuy nhiên không phải trắng, xanh, đỏ, vàng, tím…mà đôi khi là biểu trưng. Có thể ai đó không đồng tình, nhưng với tôi, tám chữ ấn tượng “ Ôi mái tóc/ Vai trần/ Mây lạc lối” (M T), cũng là hiện hữu của sắc màu thi ca. Tác giả đã dùng thủ pháp tượng trưng về cảm thức mỹ quan trên các cặp phạm trù vừa đối lập, vừa tương đồng màu sắc, thị hiện qua mái tóc vai trần và mây.

Những điều ấy giúp ta mở thêm cánh cửa khám phá 12 từ chắc lọc trong bài thơ haiku “trắng muốt/Trên những cánh hoa đan/ Hương cà phê dậy thì của Mai Trinh Phan Thị Phượng Uyên.

Vạn Ninh, mùa xuân 2019

VKC

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt