Cái quạt của Ryokan

alt

手もたゆくあふぐ扇のおきどころ
te mota yuku / ōgu ōgi no / okidokoro

alt

my tired hand
seeks to find a place
for the fan

Gabor Terebess dịch

tay ta mỏi rồi

muốn tìm một chỗ

cho quạt nghỉ ngơi

Lê Văn Truyền dịch

Khi điện lực chưa thành nguồn năng lượng phổ biến của nền văn minh vật chất, khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở nông thôn Châu Á mỗi khi cần một làn gió mát ta chỉ có thể nhờ cậy vào cái quạt tay. Vẫn còn nhớ vào những năm thập kỷ 50’ của thế kỷ trước, khi tôi được đi xem tuồng ở Rạp hát Đồng Xuân Lâu hoặc xem chiếu bóng ở Rạp Tân Tân (Huế) thì những rạp hát, rạp chiếu bóng này vẫn chưa được mắc quạt điện (chứ đừng nói đến điều hòa nhiệt độ trung tâm công suất lớn như bây giờ). Trên trần rạp hát, rạp chiếu bóng, người ta treo những tấm mành vải rộng khoảng 2-3 m, dài khoảng 1-2 m được nối với những sợi dây thừng dài chạy qua một hệ thống ròng rọc. Các cậu bé nghèo được chủ rạp thuê kéo các sợi dây thừng để hệ thống “quạt trần” này hoạt động suốt trong buổi diễn, lưu thông không khí và tạo làn gió mát cho khán giả. Hiệu quả của những “động cơ sống” này như thế nào, tất cả chúng ta ngày nay đều có thể đoán được.

Thời đó, với mỗi người chiếc quạt tay là vật dụng không thể thiếu. Đối với các bậc vương giả hoặc mệnh phụ phu nhân, chiếc quạt tay là một tác phẩm nghệ thuật, một phụ kiện sang trọng để chứng minh đẳng cấp của người sở hữu nó (cũng như những chiếc túi xách Louis Vuitton giá vài trăm ngàn đôla của các “hotgirl” sang chảnh ngày nay hay chiếc đồng hồ Rolex giá vài triệu đôla của “tay chơi lừng danh” Trịnh Xuân Thanh và của mấy ông tướng đang bị truy tố về tội bảo kê đánh bạc mới đây). Với người bình dân, chiếc quạt tay có thể là một chiếc quạt giấy, chiếc quạt nan tre, chiếc quạt bằng lá cọ hoặc đơn giản là một chiếc quạt mo cau tự tạo. Thế nhưng, những chiếc quạt đơn giản, rẻ tiền này được những người bình dân coi là những “người bạn thân thiết” cùng “chia ngọt sẻ bùi” giúp họ xoa dịu cái nóng, xua tan mệt mỏi trong những ngày hè oi nồng. Vì vậy, khi Ryokan đã mỏi tay quạt cho mình, ông cũng nghĩ đến phải tìm một chỗ “xứng đáng” cho cái quạt tay của ông được nghỉ ngơi chứ không phải tiện tay quẳng nó vào bất cứ chỗ nào.

Mối quan hệ vật dụng – con người thời xưa ấm áp và nhân văn làm sao so với mối quan hệ người – người lạnh lùng, vô nhân trong cái xã hội tiêu thụ được gọi là hiện đại và văn minh của thế kỷ XXI này.

Lê Văn Truyền

(Câu lạc bộ Haiku Việt – Hà Nội)

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt