một cái cuốc
đứng giữa đồng không
nắng thế
Matsuo Shiki
Đinh Nhật Hạnh dịch
Cái cuốc là một trong những nông cụ gắn liền với lịch sử loài người, đặc biệt với lịch sử của các dân tộc Đông Á như Việt Nam, Nhật Bản … từ niên đại hậu kỳ đá mới (3.500 – 4.000 năm trước C.N.). Với sự xuất hiện các loại cuốc mà thoạt kỳ thủy con người cổ đại chế tác từ đá nham thạch: cuốc đá, nền nông nghiệp dùng cuốc đã ra đời thay cho việc trồng trọt bằng cách chọc lỗ, tra hạt. Đến thời đại kim khí, cái cuốc đá được thay bằng cuốc sắt đem lại năng suất lao động cao hơn nhiều. Ở nước ta, cái cuốc không chỉ là công cụ nông nghiệp phổ biến cho đến thế kỷ XX với hình ảnh người nông dân “vác cuốc ra đồng” mỗi buổi sáng mà còn có thể coi cái cuốc là một trong những thứ “vũ khí” để anh bộ đội cụ Hồ, để các chàng trai cô gái thanh niên xung phong đào ma trận chiến hào trong cuộc chiến Điện Biên Phủ thời kháng chiến chống Pháp và các địa đạo Vĩnh Mốc, Củ Chi và phá núi, bạt rừng để tạo nên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Là công cụ lao động gần như quan trọng nhất trong các công cụ lao động sản xuất nông nghiệp, cái cuốc cùng với cái cày, cái bừa, cái liềm, cái hái … và con trâu, con bò là “bạn của nhà nông”. Giữa công cụ lao động, gia súc và người nông dân đã hình thành mối quan hệ tình cảm, tinh thần. Người nông dân chăm chút cho cái cuốc, cái cày … những vật vô tri, vô giác và đối xử với chúng như những người bạn có tri giác và tình cảm cũng như họ đã chăm sóc cho con trâu, con bò … cơ nghiệp của nhà nông.
Một buổi trưa hè, thấy người nông dân tạm dừng công việc, nghỉ ngơi trong bóng mát nhưng để quên cái cuốc trên cánh đồng trơ trọi không một bóng cây, dưới cái nắng chang chang, Shiki bỗng thấy động lòng cảm thán, thương cho cho cái cuốc đang phải đứng giữa trời “nắng thế”. Đọc khúc haiku đầy tính nhân văn trên đây của Matsuo Shiki, tôi đồ rằng trước khi trở thành một đại sư haiku nổi tiếng, chắc chắn Shiki đã xuất thân từ một gia đình nông dân truyền thống của Nhật Bản.
Lê văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội