Bước đi và… hãy ngoái lại- Lê Văn Truyền

alt

alt

hành hương về Yên Tử

mỗi khi lên đỉnh dốc

ta ngoái nhìn đằng sau

Lê Văn Truyền

“Ta phải thấy được mỗi bước chân là phép lạ. Bước đi mà ý thức rằng mình đang còn sống và đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này, đó là một sự giác ngộ. Có những người đi như bị ma đuổi, đi trong sự quên lãng và thất niệm. Còn ta biết đi trong tỉnh thức (mindfullness)” (Thích Nhất Hạnh, Tri kỷ của Bụt, Nhà xuất bản Phương Đông, 2017).

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến một thời đại mà những bộ óc sáng giá nhất, những con người xuất chúng nhất của nhân loại đang dẫn đầu và cuồng nhiệt cổ vũ cho một cuộc chạy đua về tương lai – một cuộc đua đường dài vô tận nhằm mục tiêu thống trị con người, thống trị xã hội, thống trị thiên nhiên và thống trị vũ trụ. Để nhắm đến các mục tiêu lấp lánh như những ngôi sao phía chân trời xa tít tắp kia, cũng như những tay đua xe đạp đường trường của Giải đua xe đạp “Tour de France” danh giá, người ta cứ cắm đầu, cắm cổ guồng đôi bàn đạp mà ít khi ngoảnh mặt lại phía sau để thử xem có những gì đã bỏ lại và những gì đã diễn ra trên chặng đường đã qua.

Các tập đoàn hóa chất toàn cầu đang chạy đua tìm ra những hợp chất mới đem lại lợi nhuận khổng lồ mà cố tình quên rằng công nghiệp hóa chất đã để lại cho Trái Đất, cho Mẹ Thiên Nhiên và cho Nhân Loại những thảm họa ô nhiễm môi trường khủng khiếp như thế nào mà đại họa nhiễm chất độc dioxin của hàng vạn người dân Việt Nam đang kéo dài đến thế hệ thứ ba trong nhiều gia đình Việt chỉ là một trong muôn vàn ví dụ. Các tập đoàn công nghiệp dược phẩm hàng đầu thế giới đang ngày đêm không ngừng ganh đua tìm ra những thuốc mới và bằng đủ mọi cách cổ vũ, động viên các thầy thuốc kê đơn thật nhiều cho bệnh nhân sử dụng mà cố tình giấu giếm một nghịch lý là có rất nhiều bệnh chưa từng gặp trong lịch sử loài người lại là những bệnh do những thuốc này gây ra. Và ở nước ta, các “ngôi sao địa ốc” mới nổi trên bầu trời thị trường bất động sản đang say sưa, hãnh diện, tự hào với các dự án siêu đô thị lung linh, huyền ảo với giá bán từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông mà không bao giờ nghĩ đến hàng vạn gia đình nông dân chỉ được nhận vài trăm ngàn đồng tiền đền bù giải tỏa cho một mét vuông đất đai thấm đẫm mồ hôi và cả máu bao đời ông cha để lại, vốn là nguồn sống duy nhất của họ. Để rồi sau đó, họ bị đẩy vào con đường bần cùng kèm theo biết bao hệ lụy xã hội nặng nề.

Cầu mong sao cho các cuộc đua về tương lai của nhân loại sẽ có rất nhiều chặng. Và sau mỗi chặng đua sẽ có một thời gian nghỉ ngơi và nghĩ ngợi, để các tay đua ngoái nhìn lại phía sau, để có một khoảng lặng chiêm nghiệm những gì được – mất, để còn có cơ hội điều chỉnh cho những chặng đua sắp tới sao cho “người” hơn, nhân văn hơn: cuộc đua ít nhiều vì hạnh phúc mọi người chứ không phải để thống trị và nô dịch con người.

Lê Văn Truyền

Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt