“IT’S THE PHOTO, NOT THE FRAME”
trong góc tường
chiếc khung ảnh chơ vơ
đợi chờ bức ảnh
Lê Văn Truyền
Ngạn ngữ phương Tây thường có câu: “It’s the photo, not the frame” có thể tạm dịch là “bức ảnh chứ không phải khung hình”. Cũng có thể hiểu, tầm quan trọng là ở bức ảnh chứ không phải ở khung hình.
Nhưng có ai đó lại bảo “Ảnh càng cũ càng có giá trị, khung càng mới càng được ngắm nghía”. Hình như có lúc người ta không biết giữa bức ảnh và khung hình cái nào quan trọng hơn, cũng như bộ quần áo đắt tiền có khi lên đến hàng chục ngàn đô la và người mặc nó cái nào đáng quý hơn. Thật ra quý hay không cần phải có sự thử thách của thời gian: chỉ có những thứ gì quý giá mới trường tồn được với thời gian để trở thành báu vật. Vì ai cũng biết rằng có thể dễ dàng thay được một cái khung ảnh nhưng không ai thay được bóng hình cũ, cũng như “bộ cánh” có thể dễ dàng thay được (khi có tiền, hoặc có … rất nhiều tiền) nhưng bản chất và giá trị của người mặc nó không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
“Chiếc áo chẳng bao giờ làm nên ông thầy tu” như một câu ngạn ngữ Phương Tây đã nói.
Các nhà nhiếp ảnh thường quy định “tỷ lệ vàng” giữa ảnh và khung. Điều đấy cho thấy sự gắn bó mật thiết của bức ảnh và khung hình. Một cái khung, dù đẹp đến đâu cũng không bao giờ phù hợp với tất cả các loại ảnh. Cũng như trong cuộc sống, mỗi người phải tự tìm lấy một “cái khung” cho mình. Trong thời đại công nghệ thông tin, chỉ với một cái “click” chuột ta có thể xóa một bức ảnh hoặc thậm chí cả một “file” ảnh trong bộ nhớ máy tính. Nhưng máy tính không thể nào xóa được những hình ảnh đã in đậm trong tâm trí ta qua bao năm tháng. May thay công nghệ hiện đại không làm được điều đó. Nếu không cuộc sống tinh thần và tình cảm của chúng ta sẽ ra sao trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 này?
Thế nhưng, có phải trong cuộc sống hiện đại nhiều khi người ta lại chỉ quan tâm đến cái khung hơn tấm ảnh? Đúng vậy, trào lưu “sống gấp và sống ảo” hiện nay làm người ta không có thì giờ dừng lại để chiêm ngưỡng một bức ảnh và chiêm nghiệm về những gì chứa đựng trong bức ảnh đó. Thật là hiếm có hiện tượng như một Viện Bảo Tàng kia đã từng để một cái khung hình trống trong 86 năm, chờ tìm ra đúng tấm ảnh của người cần được treo vào đó. Trong xã hội hiện đại, liệu người ta có đủ kiên nhẫn và tấm lòng để làm được điều đó hay không?
Có người hỏi tôi: Vậy, điều quan trọng nhất của bức ảnh là gì? Thiển nghĩ: Đó là cái thần của bức ảnh. Ngày xưa, các cụ vẽ “truyền thần”, ngày nay chúng ta “chụp ảnh”. Biết cái nào hay hơn đây vì rất nhiều khi chúng ta có thể “chụp được ảnh” nhưng chưa chắc bức ảnh đó đã “truyền được thần” của nhân vật, đặc biệt trong thời đại “máy ảnh kỹ thuật số”. Một nhà thơ xưa có hai câu thơ tuyệt đẹp về nỗi nhớ người yêu đã mất: “Đập vỡ gương ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi”. Cứ như bây giờ thì làm một cái ảnh màu, đóng khung, lúc buồn nhớ thì ngồi mà ngắm. Các chuyên gia về “công nghệ số” đã phát minh ra kỹ thuật “photoshop” để có thể giúp ta biến một cô Thị Nở thành nàng Tây Thi. Chắc chắn rằng những bài thơ hay về nỗi nhớ nhung của nhân loại đã giảm đi rất nhiều từ khi có máy ảnh. Nỗi nhớ của con người không còn cháy bỏng, thiêu đốt tâm can như trước đó. Trong thời đại của chúng ta sự lãng mạn của tình yêu đã phai nhạt đi rất nhiều. Điều đó tốt hay xấu?
Có người bảo tôi: Nói gì đi nữa thì khi muốn treo một bức ảnh vẫn cần phải có một cái khung. Vâng, đúng vậy. Nhưng, tôi nghĩ: Cái khung chỉ “đóng khung” được bức ảnh, chắc chắn cái khung không thể “đóng khung” được những suy nghĩ của chúng ta về chân dung của người trong bức ảnh đó.
Lê Văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt – Hà Nội