Bài nghiên cứu: Các ứng xử tùy nghi của Haijin Việt

alt

Khi thể thơ Haikư của Nhật Bản xâm nhập vào làng thơ Việt, các nhà thơ Việt đã phải xử lý ngay nhiều quan điểm, có lẽ phải gọi là các cách hành xử ban đầu khi tiếp biến một nền văn hóa từ nước ngoài. Cổ nhân ta đã có các hành xử sáng suốt để chinh phục các thể Thơ chữ Hán ( từ Phương Bắc ) để hình thành dòng thơ Việt và Hán- Việt ; và rồi sau đó là các thể thơ chữ Pháp (từ Phương Tây) để hình thành dòng Thơ Mới. Phải chăng đây là lần tiếp biến thứ ba (từ Phương Đông) như nhà văn hóa Hữu Ngọc đã nói?

alt

Các tác giả Việt phải suy xét cách cư xử mềm dẻo với các “đặc điểm” của thể thơ Nhật bản này, ở đây chúng tôi dùng từ “tùy nghi”.

-Khi tiếp xúc ban đầu với Thơ Haikư, việc đầu tiên là phải ứng xử với cấu trúc 5-7-5 kinh điển của nó. Ta đã quá quen với cấu trúc chặt chẽ dựa vào số từ của câu thơ ( như Thơ Thất ngôn, thơ Ngũ ngôn , thơ Lục bát và Song thất Lục bát…). Tuân theo số từ của câu thơ là điều đầu tiên khi ứng dụng thể thơ đó. Nhưng ngay tại quê hương Nhật bản, ngoài trường phái cấu trúc 5-7-5 ( được bảo vệ rất cuồng nhiệt) lại đã tồn tại các xu thế cách tân( cũng rất mạnh mẽ) không theo cấu trúc đó. Khi tràn ra thế giới rất nhanh ( có lẽ vì các ưu thế : cực ngắn và rất tự do), Thơ Haikư ở các ngôn ngữ phương Tây đa âm ( polysyllabic) cũng trải qua giai đoạn ban đầu là tôn trọng cấu trúc 5-7-5. Họ làm việc này không khó khăn, vì cùng là tiếng đa âm : Chỉ cần có số âm (syllable – 音 – tiếng Nhật đọc là “on”) đúng theo cấu trúc này. Như vậy số từ (mot/ word) không lớn ( một từ thường gồm nhiều âm) và đặc điểm cực ngắn vẫn giữ được. Ta có thể đếm đủ 17 âm tiết trong các câu thơ Âu-Mỹ sau , tác giả bài này đã cố ý dịch sang tiếng Việt theo cấu trúc 5-7-5:

I am nobody:
A red sinking autumn sun
Took my name away.

Tôi chẳng phải là ai:

Mặt trời Thu đỏ hồng chìm xuống

Mang tên tôi đi rồi.

( Richard Wright
From “Haiku: This Other World”, 1998 – Từ : “ Haiku, một thế giới khác”)

Si un jour tu vois
Qu’une pierre te sourit,
Iras-tu le dire ?

Nếu một ngày bạn thấy
Một tảng đá mỉm cười với bạn,
Bạn nói gì với đá ?

(Eugène Guillevic (1907-1997)
[Haiku] Terebess Asia Online (TAO) – http://terebess.hu/english/haiku/guillevic.html )

Nhưng các nhà thơ Âu Mỹ và Thế giới vốn yêu tự do và không thích sự trói buộc của số từ cố định, họ đã không theo cấu trúc đó:

Trong một ga xe điện ngầm

Sự xuất hiện của các khuôn mặt trong đám đông

Những cánh hoa trên cành cây đen, ướt

In a Station of the Metro
The apparition of these faces in the crowd;
Petals on a wet, black bough.

(Ezra Pound (in 1913 trong tạp chí Poetry )

Chiếc lá lưỡng lự

Lướt giữa những cây hoa súng

Rồi đứng yên



La feuille indécise
glisse entre les nénuphars
et s'immobilise

(Philippe Caquant– Des Haikus en francais- http://www.tempslibres.org/tl/en/textes/essai13.html )

Các Haijin Việt ban đầu cũng cố gắng theo cấu trúc 5-7-5 với 17 âm tiết, mặc dầu tiếng Việt là tiếng đơn âm, mỗi âm là một từ . Họ thấy ngay là cấu trúc này khiên cưỡng, có nguy cơ phải cố tình tạo ra đủ số từ và phải chấp nhận các phụ từ và hư từ , vốn là điều úy kỵ trong thơ Haikư- Đây là câu thơ khiên cưỡng ban đầu:

Vòi phun trong công viên

Bao nhiêu hạt bụi nước bay lên

Mát mẻ chiều nắng hạ

( Nghiêm Xuân Đức – 1998)

Tác giả đã tự sửa thành các câu thơ xúc tích và ngắn gọn hơn:

Vòi phun công viên

Bụi nước bay lên

Mát chiều nắng hạ

(Nghiêm Xuân Đức – sau 2000)

Như vậy tùy nghi đầu tiên của các Haijin Việt là : Có thể chấp nhận cấu trúc 5-7-5 khi cần thiết và hợp lý ; hoặc không theo cấu trúc đó khi muốn làm cho câu thơ rất ngắn, xúc tích và loại bỏ bớt các tính từ, trạng từ.

-Tùy nghi tiếp theo là vấn đề Qúy ngữ ( Kigo), trong tiếng Nhật là các từ chỉ mùa. Điều này xuất phát từ Haikư Nhật cổ điển vốn có chủ đề thịnh hành về thiên nhiên. Nước Nhật có 4 mùa, vậy phải có các từ gợi đến mùa, và họ có cả cuốn “từ điển” để tra cứu các Kigo. Khi lan ra thế giới, có các quốc gia không có 4 mùa và các sự vật/ hiện tượng trong các mùa cũng khác nhau. Việt Nam không có băng tuyết , vậy băng tuyết không gợi lên mùa Đông. Người Mỹ nói hoa Cúc không tượng trưng cho mùa thu, vì họ đã trồng được hoa Cúc trong cả 4 mùa từ lâu rồi.Thơ Haikư hiện đại không chỉ nói về thiên nhiên, các tứ thơ của nó đề cập đủ chuyện, như vậy Kigo không có vai trò gì trong các tứ thơ đa dạng đó. Các Haijin Việt đã coi Qúy ngữ là “ tùy nghi ” thứ hai : Có quý ngữ khi nói về thiên nhiên (lúc ấy quý ngữ sẽ tự nhiên xuất hiện), và tất nhiên không thể có quý ngữ khi nói về các chủ đề hiện đại, đa dạng khác.

-Tùy nghi thứ ba là vấn đề vần. Thơ Haikư không có vần hoặc không quan tâm đến vần. Nhưng thơ Việt thường có vần ( và một số ít không vần hoặc gieo vần không chặt chẽ ). Người Việt quen dùng ngôn ngữ có vần ( như trong ca dao, tục ngữ và cả khi không làm thơ họ cũng nói có vần) . Nhiều người Việt quan niệm : thơ là có vần , để phân biệt với văn xuôi là không vần. Do đó , để cho thơ Haikư dễ quen thuộc với tâm hồn Việt hơn, nhiều Haijin Việt đã làm thơ Haikư có vần. Một số người vẫn viết các câu thơ Haikư không vần, đó là tự do của họ. Biểu hiện “vần” của người Việt rất đa dạng, phong phú: Vần lưng (có lẽ Thơ Việt là kiểu thi ca duy nhất có vần lưng), vần chân ( vần liền, vần cách). Mọi cách gieo vần đều được các Haijin Việt sử dụng, nhưng mọi nhà thơ Haikư Việt đều tùy nghi sử dụng kiểu thơ có vần hoặc không vần.

-Tùy nghi thứ tư là vấn đề “cực ngắn”, hạn chế số từ. Các Haijin Việt nghĩ rằng con số 17 là số âm tiêt ( tiếng Nhật là “on” : âm), không phải là số từ. Thơ Haikư Nhật gồm 17 âm, nhưng tiếng Nhật đa âm, mỗi từ có nhiều âm. Vậy tổng số từ cho một khổ thơ Haikư Nhật sẽ nhỏ hơn 17, thường chỉ gồm vài từ. Để cấu trúc cực ngắn, thơ Haikư thường không chuộng các hư từ ( tính từ, trạng từ, giới từ, liên từ…). Hậu quả tất nhiên là thơ Haikư có vẻ khô khan, trơ trụi như chiếc cành cây khô, lá khô… thường có trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana của người Nhật. Điều này cũng thường thấy trong các tứ thơ Thiền- Nhiều nhà thơ Haikư cổ điển của Nhật là các Thiền sư, kể cả Basô. Nhưng một đặc trưng nổi trội của thi ca Việt lại là tính trữ tinh ( lyrism); khó tìm thấy các bài thơ Việt không trữ tình ( cũng như khó tìm thấy các bài thơ của các Thiền sư lại trữ tình !). Thơ trữ tình thường ướt át, màu mè, hoa lá và dùng nhiều tính từ. Tùy nghi này có nghĩa là để bảo vệ tính trữ tình, các Haijin Việt không triệt để chống lại các tính từ, đặc biệt trong các tứ thơ trữ tình. Họ vẫn tích cực loại bỏ các hư từ để cho câu thơ ngắn gọn, nhưng vẫn sử dụng khéo léo các loại từ này nhằm làm cho câu thơ mềm mại lung linh thấm đẫm tình cảm của hồn thơ Việt.

Ta hãy xem câu thơ trữ tình rất nổi tiếng sau đây:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi….

Ta thử “ Haikư hóa” nó theo cách loại bỏ các hư từ và xếp thành 3 dòng:

Cô tát nước

Sao múc trăng

Đổ đi…

Tính trữ tình hầu như đã biến mất ! Tính “thơ” cũng giảm mạnh.

-Tùy nghi thứ năm là cách trình bày thơ Haikư Việt thành 3 dòng ( xuống dòng) hoặc 1 dòng ( với dấu gạch chéo / ). Điều này xuất phát từ cách trình bày thơ của thế giới : Câu thơ được trình bày theo cách xuống dòng, để phân biệt với cách trình bày văn xuôi thành các dòng liên tục (gần đây cách làm này ít nhiều bị rối loạn do lối “thơ văn xuôi“ không xuống dòng và cách xuống dòng tự do của kiểu thơ “leo thang” bắt đầu từ nhà thơ Nga Maiakốpsky) . Thơ thế giới phải làm như vậy, vì thơ Haikư Nhật vốn được trình bày theo các dòng dọc, viết từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Họ không xuống dòng mà ngăn cách bằng các từ ngắt Kire-ji ( Tổ tiên ta học chữ Hán cũng phải viết dọc như thế và cũng phải dùng các từ ngắt Chi, Hồ, Giả, Dã …), vì chữ Hán cũng không có các dấu chấm, phảy . Khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người Nhật cũng trình bày thơ Haikư thành các dòng chữ ngang, họ không xuống dòng mà dùng các từ ngắt Kire-ji cho các câu thơ bằng tiếng Nhật ( hoặc có tác giả hiện đại không dùng từ ngắt). Nhưng khi dịch sang các tiếng Âu- Mỹ, họ trình bày theo hai cách: Hoặc trình bày thành ba dòng ( xuống dòng như quy ước về cách trình bày thơ), hoặc sử dụng các dấu gạch chéo /để viết trên cùng một dòng ngang. Như vậy có 2 cách trình bày : 3 dòng hoặc 1 dòng.

Thí dụ : Đây là câu thơ được giải nhất trong kỳ thi thơ Haikư của Hội thơ Haikư quốc tế WHA công bố 10-10-2017: Tiếng Nhật được trình bày thành 1 dòng ngang, nhưng khi dịch sang tiếng Anh lại trình bày xuống dòng thành 3 dòng:

鍵を開けわたしでは無くなって来る昼 呼吸(日本)

Unlocking

I cease to be me

the noon     Kokyu (Japan)

第1位/The 1st Place The 2ns WHA Haiku Contest Results

2017年9月10日/10 September 2017

(Nghiêm Xuân Đức dịch : (trình bày thành 3 dòng)

Khi không bị khóa

tôi ngừng là tôi

lúc buổi trưa)

寒雷やびりりびりりと真夜の玻璃 [Kato Shuton]
Kanrai / biriri biriri to / shinya no hari
Sấm lạnh
răng rắc
kính vỡ giữa đêm

( TÍNH XÃ HỘI CỦA THƠ HAIKU – Lê Thị Bình – Nội san Haikư 7 – tháng 4 – 2017)

Các tác giả Âu- Mỹ chủ yếu trình bày thơ Haikư thành ba dòng :

www.maferme.com

le fermier a ouvert un site

3 visites par an

www.nôngtrangtôi.com

bác nông dân mở mạng

một năm 3 người thăm

(JEAN ANTONINI (1946-) Pháp- Hội viên Hiệp Hội Haiku Thế giới WHA- Đinh Nhật Hạnh dịch và giới thiệu )

Có lúc các tác giả quốc tế lại viết thành 1 dòng với các gạch chéo / , nhất là khi trích dẫn :

Remembering those gone / thankful to be here / the pond of purple iris

Tưởng nhớ những người đã khuất / biết ơn khi được ở đây / cái ao đày hoa diên vĩ tím

Margaret Chula

( Tinh thần Haikư – Patricia Donegan – Lê Văn Truyền dịch – Chuyên san CLB Haikư Việt – tháng 4 – 2017).

Ta thấy các Haijin Việt đã ứng xử tùy nghi với cách trình bày thơ Haikư Việt : Thông thường ( nhất là với thơ sáng tác và thơ dịch) thì viết thành ba dòng. Khi trích dẫn (nhất là trích dẫn từ nguyên văn tiếng Nhật hoặc tiếng Âu-Mỹ) thì có thể viết thành một dòng, với các dấu gạch chéo / .

-Và tùy nghi thứ sáu là vấn đề tiêu đề. Các Haijin Nhật và thế giới gần như thống nhất chặt chẽ rằng thơ Haikư không có tiêu đề ( họ không cho phép cả việc đánh số hoặc dùng từ đầu tiên để đại diện cho bài thơ Haikư). Hãy để cho mọi người suy nghĩ và thụ cảm tự do về các bài thơ Haikư, đặt tiêu đề là đã hướng dẫn hoặc gợi ý cho độc giả. Vậy thì tùy nghi ở đây là gì ? Vấn đề là : Trên thế giới và ở Việt Nam đã xuất hiện dạng thơ Haikư gồm nhiều khổ thơ, có chung chủ đề / nội dung. Có cả những tập thơ dài, với nhiều khổ thơ Haikư nối nhau. Lúc ấy, nhu cầu đặt tên cho bài thơ/ tập thơ ấy sẽ xuất hiện. Ta hãy xem các thí dụ :

The Locust Tree in Flower

Among

of

green


stiff

old

bright


broken

branch

come


white

sweet

May again


Cây bồ kết gai ra hoa

Trong

màu

xanh


cứng rắn

cổ xưa

chói lọi


của cái cành

đã gãy

bỗng lại xuất hiện


Tháng Năm

trắng trong

ngọt ngào


(William Carlos Williams -( 1983-1963- Giải thưởng Pulitzer 1963 -Tập thơ : The Red Wheelbarrow ( Xe cút kít đỏ) – Terebess Asia Online (TAO)

Tập thơ : Cent visions de guerre

Ma tête à peine rentrée,

Un moustique siffle et soudain
La crête de terre s’éboule.

.



Des croix de bois blanc
Surgissent du sol,
Chaque jour, ça et là.




Dans les vertebres
Du cheval mal enfoui
Mon pied fait: floche…

Tập thơ : Trăm tầm nhìn chiến tranh

Tôi hồi tỉnh khó khăn

Muỗi vo ve và bỗng nhiên

Cái gờ đất sụp xuống


Các cây thập tự bằng gỗ trắng

Mọc lên trên mặt đất

Đây đó hàng ngày


Giữa các đốt sống

Của con ngựa chôn sơ sài

Chân tôi rối beng









(Julien Vocance – Tập thơ : Cent visions de guerre ( Trăm tầm nhìn chiến tranh)– 1917- http://www.modernhaiku.org/essays/frenchhaiku.html

Nghiêm Xuân Đức sưu tầm, dịch và giới thiệu )

Các Haijin Việt cũng có nhiều người đã thử nghiệm xu thế sáng tác thơ Haikư nhiều khổ liên tiếp thành bài thơ dài và có chủ đề chung. Sau đây là một thử nghiệm của Nghiêm Xuân Đức.

Mưa ngâu- Sông Ngân

Tháng Bảy

Sông Ngân cá quãy

Cầu Ô Thước ngang trời


Một cây cầu thôi

Trời cho hai người

Còn bao đôi khác


Giọt mưa rơi trên sông

Hòa vào vô cùng

Số phận chung


Mưa lê thê

Buồn về hiu hắt

Quay quắt nhớ hè


Hơi mưa mát lạnh

Nỗi lo xa xôi

Heo may đến rồi


Giọt mưa in bàu trời

Cầu vồng lóng lánh

Dĩ vãng xa vời


Mưa ướt bước người đi

Tiếng bước chân thầm thì

Một đời lầm lũi


Cây cầu mong ước

Sang cầu có là giải thoát

Thiên đường mơ hồ


Chim én bắc cầu

Vì đâu vội vã

Một lần gặp nhau


Hương sắc tàn phai

Tình người hờ hững

Bao cuộc chia tay


Hợp tan- ly biệt

Mưa Ngâu- sông Ngân

Nỗi buồn nhân gian…

Nhiều tác giả không đồng ý với cách làm trên, họ cho rằng Thơ Haikư chỉ có 1 khổ 3 dòng – Nếu ghép nhiều khổ thơ 3 dòng , có tứ thơ (nội dung) chung, đặt tên thành bài thơ/ tập thơ thì đó là Thể thơ 3 dòng, không còn là Thơ Haikư nữa.

Trên đây là tường thuật sáu ứng xử tùy nghi của những người làm thơ Haikư Việt, với hy vọng thể thơ này sẽ góp phần làm phong phú thêm cho hồn thơ Việt. Các tùy nghi này có làm gần lại được sự khác nhau rõ ràng giữa hai nền thi ca ?

Nghiêm Xuân Đức

(Chủ nhiệm CLB Thơ Hải Thượng của các nhà thơ Y tế)

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt