Ám ảnh từ một câu Haiku Việt- Lê Đình Công

alt

alt

Đó là câu thơ của nhà thơ kiêm nhà thư pháp Trụ Vũ :

Giọt cà phê

không nói gì

không nói gì.

Nhà thơ trẻ Ts Đinh Trần Phương đã bình câu thơ này vởi đặc diểm là câu thơ haiku “một hình ảnh” (thông thường một câu thơ Haiku có vài hình ảnh đặt cạnh nhau và tự nó nói lên điều tác giả muốn gửi gắm). Còn tôi lại bị “tính gợi“ của câu thơ này ám ảnh.

Quả thật câu thơ đã gợi cho ta hình ảnh từng giọt cà phê đen rơi xuống, rơi xuống lặng lẽ… Điều thú vị ở đây là tác giả chỉ dùng cụm từ “không nói gì“ mà vẫn gợi cho người đọc hình ảnh rất rõ từng giọt cà phê rơi xuống mà không cần phải tả thực nó ra. Hơn thế nữa, ta lại hình dung ra người uống cà phê. Không phải là giọt cà phê không nói gì mà chính là người uống cà phê không nói gì. Phải chăng đó là một người đàn ông đã hơi luống tuổi (vì các bạn trẻ thường ồn ào) “Không nói gì“ vì đang mải suy ngẫm chuyện mình, chuyện đời? hay đang cấu tứ cho một bài thơ hoặc một bức thư pháp đang thai nghén?… Trong khi trong quán cà phê đó còn có thể có nhưng người khác vừa uóng vừa tâm sự với bạn bè… Cuối cùng, hóa ra câu thơ trên không chỉ có “một hình ảnh“ mà đã “gợi“ ra nhiều hình ảnh và suy diễn liên quan khác .

“Tính gợi “ là một “tính thơ” rất quan trọng của thơ Haiku. Vì thế đã là thơ Haiku thì không cần phải có đầu đề . Hãy để cho người đọc suy ngẫm cùng sáng tạo với tác giá và cùng thưởng thức thi vị của câu thơ,đôi khi còn vượt ra ngoài cả mong đợi ban đầu của tác giả.

Nhân đây, tôi xin mạo muội bàn thêm đôi lời về tiêu chí một bài Haiku- Việt hay

Theo tôi , về “hình hài “một bài Haiku-Việt là “cực ngắn” và “ba dòng“

Cực ngắn cả về ý và lời (không thể bỏ đi một từ nào) mà vẫn đủ để thể hiện đẹp đẽ tứ thơ. Ba dòng là để tao ra nhịp điệu của bài thơ và để nhấn mạnh từng ý thơ

Về “hồn cốt “của bài thơ chính là “tính thơ”của nó . Không có “ hồn cốt” tức là không có “thơ”. Tính thơ có thể được tạo nên bởi môt hoăc nhiều yếu tố: trươc hết là tứ thơ, rôi đến lời thơ’ hình ảnh , nhịp điêu , vần hoăc âm điệu thơ… vơi các thủ pháp thơ như ẩn dụ , đối lập, nhân hóa …nhằm gây được rung cảm nơi người đọc

Và như vây một câu Haiku- Việt hay không thể tạo nên bởi sự giản đơn , sáo mòn, thô thiển hoặc quá trừu tượng đến khó hiểu. Đã không hiểu được thì không thể cảm được

Về nội dung, theo tôi nên rộng rãi ,tùy theo cảm hứng của người viết.Có thể bao gồm thiên nhiên (Cảnh vật, sinh vật …), thế sự, tâm sự, tình cảm, triết lý… nghĩa là tất cả những gì có thể chạm đến sự cảm nhận của con người. Trong đó, khi nói về thiên nhiên (phần cơ bản nhất của Haiku) thì đương nhiên sẽ xuất hiện quí ngữ (kigo) vốn rất phong phú và rát dễ nhận biết trong bốn mùa của ngôn ngữ Việt.

Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân. Thường thì nói dễ hơn làm .Tuy vậy cũng cứ xin nói ra để cùng bàn và cùng phấn đấu để có được những câu thơ Haiku Việt hay. Xin cám ơn bạn.

LĐC

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt