Về tập thơ “Tiếng gọi” của Lương Thị Đậm- NXB Hội Nhà văn 2022

Thường thì, nhận một quyển sách, tôi hay ngấu nghiến đọc hết một lượt từ đầu đến cuối, cứ chỗ nào hay hay, bài nào thích thích thì tôi đánh dấu để sau đó lật lại nghiền ngẫm, nhâm nhi cho thoả chí. Đón nhận tập thơ Tiếng gọi vừa mới in xong, còn nóng hổi của chị Chủ nhiệm CLB thơ haiku Việt Nha Trang tôi lại thong thả thưởng thức từng phiến haiku và cũng đánh dấu, rồi cũng nhìn lại, ôi chao… sao mà nhiều chỗ, nhiều trang được đánh dấu thế nhỉ! Vì đâu?

Trước hết, tập thơ Tiếng gọi có cái bìa rất bắt mắt: hình ảnh cây đàn buông tiếng đục trong được phác thảo qua vài nét chấm phá và chiếc lá nổi rõ gân rơi xuống nằm bên đàn như tiếng xạc xào thu với phong cách rất Lê Vũ – danh hoạ, nghệ nhân xứ Trầm Hương.

Tập thơ co 132 trang gói ghém 258 bài thơ của chị, 23 trang đăng bài viết của bạn thơ bình về thơ chị… và 8 trang thơ hoạ rất ấn tượng, rất độc đáo thơ của chị.

   Kiệm lời là đặc trưng nổi trội của thơ haiku Lương Thị Đậm. Thơ chị là thơ của nguời từng trải, chiêm nghiệm rất sâu về cuộc đời. Để giúp độc giả chưa quen thơ haiku dễ nắm bắt, người viết xin quý vị hãy coi số thứ tự của 258 bài thơ không có tựa đề chính là “tên” bài thơ. Chúng ta đều biết: Thể thơ haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, nhiều người tập tành làm thơ phải khổ sở vì làm sao truyển tải hết ý của mình trong khuôn khổ hạn hẹp chỉ 17 âm tiết/ bài, thì, với chị, nó lại là thừa, là cái khuôn to tướng, chỉ chẳng cần dùng hết.

Chị thường dùng 9 hoặc 10 chữ cho một bài thơ, chẳng hạn: bài 251. Ánh trăng tan/ đổ xuống ao làng/ vương vãi hay bài 252. Ngôi sao vỡ/ trôi vào giấc mộng/ đắm chìm… Có bài chỉ 6 chữ: bài 23. Mắt buồn/ đêm đông/ đốm lửa, hay bài 10. Sen hồng/ ngày hạn/ mùa giông; bài 217. Sợi khỏi/ hình dấu hỏi/ bay lên trời (8 chữ) mà bài thơ cứ chảy tràn lênh lang vô tận, mà như thấm đến 9 tầng đất đen, vút lên 10 tầng mây…

Nội dung phong phú trong tập thơ cuốn hút, làm giàu thêm tâm trí bạn đọc. Hình tượng thơ đẹp như cô gái xuân thì vừa thơm tho vừa nõn nà, chỉn chu: bài 168. Câu thơ/ lạc vào mắt bão/ ướt bờ mi cong; bài 2. Sương đọng/ mưa xuân/ cầu vồng lấp lánh; bài 4. Hoa đào thắm/ má em hồng/ giếng nước trong; bài 123. Đoá sen/ vươn lên từ bùn đen/ tinh khiết…  nếu không có con mắt tinh đời, óc quan sát mẫn tiệp, khả năng thẩm mỹ tốt thì chắc chắn chúng ta không được đọc những bài thơ ấy của chị.

Thơ chị in dấu ấn vùng miền – những nơi chị đã đến như Huế, Hà Nội, Đà Lạt, Tây Nguyên… trong trang 50 với bài 118, 119; trang 51 với bài 121. Hà Nội trưa/ nghe câu hát Trịnh/ lối xưa tôi tìm, bài 122 hay bài 231 trong trang 91. Soi bóng dòng Hương/ trăng đêm Vĩ Dạ/ vấn vương lòng người.

Thơ chị có một khoảnh dành cho tâm linh, mang màu sắc tôn giáo dù chị không phải theo đạo giáo. Bài 70. Ai đốt ngọn lửa thiêng/ Đền Côn Sơn trầm mặc/ nỗi niềm Lệ Chi viên. Bài 71. Lạc vào hư vô/ nghe như Kiều khóc/ bên mồ Nguyễn Du. Bài 100. Khúc từ bi/ đẩy lùi/ tham sân si; bài 103. Trước tượng Đức Mẹ/ lòng bỗng bình yên/ dẫu mình ngoại đạo…

Vì khuôn khổ bài viết có hạn nên nói không thể hết về thơ chị, tôi đành vắn tắt lý do vì sao tôi thích tập thơ nói riêng, thơ chị nói chung, đó là: nét dung dị chị thốt ra một cách tự nhiên sau bao chiêm nghiệm. Chẳng hạn: bài115. Dịu êm/ gam la thứ/ thoảng qua thềm. Bài 90. Đưa cha ra đồng/ trời đổ mưa giông/ thổn thức. Chẳng một từ nào nói về tang chế mà ai cũng chạnh lòng. Bài 91. Vắng cha/ mơ được nghe tiếng gà/ gáy sáng. Bài 92. Nhớ mẹ/ thèm một giấc chõng tre/ giữa trưa hè hiu gió. Quê nhà chỉ còn là ký ức, chỉ trong tâm khảm khi mẹ cha không còn. Không một tiếng khóc mà người nghe, người đọc cay sè con mắt khi soi mình trên những trang thơ.

Đặc biệt, từ trang 93 đến trang 104 (từ bài 237 đến bài 258) thì mỗi trang chỉ có 2 bài mà 2 bài này đối nhau rất chỉnh. Ví dụ: bài 251. Ánh trăng tan/ đổ xuống ao làng/ vương vãi với bài 252. Ngôi sao vỡ/ trôi vào giấc mộng/ đắm chìm. Hay cặp bài 257. Gió trên cao/ lùa mây trôi/ khắp nẻo và bài 258. Mưa tầng thấp/ xua nước đổ/ ngàn phương. Từ đây, tôi tiên đoán, có lẽ, chị sẽ là người mở ra một hướng mới cho sáng tác và thưởng ngoạn thơ haiku Việt.

Là Phó Chủ nhiệm giúp việc cho chị, tôi đã học hỏi từ chị nhiều điều nhưng vẫn thua xa khả năng sáng tác, xuất bản sách của chị. Ngoài những tập in chung thì tập thơ Tiếng gọi này là tác phẩm thứ 10 của chị nếu tính cả tập Chiều buông. Thật sự, chị là niềm tự hào về cả bút lực lẫn trí lực của CLB thơ haiku Việt Nha Trang chúng tôi. Mong sao Tiếng gọi sẽ vọng đến, đậu neo trên tay những bạn yêu thơ toàn quốc./.

Nha Trang, ngày 16/12/2022

Ts Trần Thị Ánh Thu

Phó Chủ nhiệm CLB thơ Haiku Việt- Nha Trang

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt