Về một số vấn đề trong dịch thuật thơ Haiku- Hotta Kika

alt

Đây là lần đầu tiên tôi được thăm Việt Nam. Cá nhân tôi khi đến bất cứ nước nào cũng rất thích tìm hiểu về ngôn ngữ nước đó. Ngôn ngữ phản ánh lịch sử, văn hóa, tư tưởng của một đất nước và vùng ngôn ngữ mà nó tồn tại. Ngữ pháp và cách viết của ngôn ngữ ở đó gắn bó trực tiếp trong khuôn khổ và khả năng biểu hiện của nó. Đương nhiên thơ ca là nghệ thuật của ngôn ngữ, đặc biệt Haiku lại là thể thơ rất ngắn nên đặc tính của ngôn ngữ sử dụng càng được thể hiện rõ. Nói cách khác, trong thơ Haiku, những khái niệm như lịch sử, văn hóa, tư tưởng được phản ánh rất rõ trong ngôn ngữ mà nó thể hiện. Haiku bị chi phối rất mạnh trong khuôn khổ và khả năng biểu hiện của ngôn ngữ đó.

alt

Tôi nghĩ rằng thơ là bài ca của cảm nhận. Haiku cũng là thơ cho nên nó cũng là một hình thức văn nghệ về “cảm nhận” của tác giả. Tuy vậy Haiku rất ngắn cho nên nó không thể hiện nhiều “cảm nhận”, nó chỉ truyền đạt khoảnh khắc đó cho người đọc có tính tiêu điểm, nó chỉ thể hiện một, hai cảm nhận mà thôi. “Cảm nhận”, nói một cách đơn giản là nhận thức sự việc xảy ra trong khoảnh khắc. Câu Haiku hay thì cũng làm cho người đọc nhận ra sự việc trong khoảnh khắc đó.

Sự việc xảy ra trong khoảnh khắc là gì? Theo tôi những cái mà con người nhìn thấy, nghe thấy, những điều ai cũng nói, ai cũng viết thì không phải sự việc xảy ra trong khoảnh khắc. Những sự việc trong khoảnh khắc phải là điều gì đó tươi mới.

Theo tôi những sự việc được cảm thấy tươi mới trong Haiku chủ yếu có 4 loại.

Thứ nhất là đề tài (daizai) phải tươi mới. Trong Haiku người ta gọi là “kuzai”. Những cái có thể trở thành kuzai tươi mới là những thứ mà Haiku ca lên hoặc đưa ra những khái niệm mà người khác chưa nói tới. Nhìn lại lịch sử Haiku thì thấy các haijin thường ca lên những điều tươi mới. Ở Nhật. những từ ngoại lai như bia, noel (christmas), robot, computer… khi vừa xuất hiện đã được các haijin cho vào Haiku bằng tiếng Nhật ngay. Nếu là người đưa đầu tiên các khái niệm đó vào làm đề tài của Haiku thì đương nhiên câu đó là rất tươi mới.

Thứ hai, là cách cảm nhận tươi mới của tác giả. Tác giả nhìn phong cảnh đẹp ở một góc độ nào đó, tác giả cảm nhận về chiến tranh như thế nào, tác giả nghĩ về bệnh tật và sinh mệnh của mình như thế nào, tác giả quan sát những sự vật, sự việc thường ngày và phát hiện ra những gì hay trong đó, tác giả nghĩ như thế nào về lịch sử và thế giới sau khi mất… tất cả những thứ đó hàng ngàn năm trước các thi nhân thế giới đã nói tới rồi do đó khó có thể trở thành đề tài tươi mới. Nhưng nếu tác giả có cái cảm giác độc đáo, chưa có tiền lệ thì đó là cách cảm nhận lần đầu tiên và câu Haiku đó là câu Haiku tươi mới.

Thứ ba, là sự can thiệp của ngôn từ, đưa ra những từ ngữ, cách nói tươi mới, tiếng Nhật gọi là “kotoba no assen”. Tức là cách nói, dù rằng không phải đề tài mới, không phải cảm nhận mới, tức là dù là đề tài bình thường, cách cảm bình thường nhưng tác giả đưa ra kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ, lựa chọn cách dùng mới xưa nay chưa ai dùng và biết cách bố trí thì câu Haiku đó trở nên tươi mới.

Thứ tư, là sự can thiệp của âm thanh, đưa vào âm thanh mới. Cái này hơi giống loại thứ ba nhưng về âm thanh. Mặc dù đề tài, cảm nhận hay ngôn ngữ – tất cả đều bình thường nhưng nếu âm thanh, nhịp điệu và âm hưởng nghe mới lạ thì cũng trở thành câu Haiku tươi mới. Câu Haiku đó sẽ giàu nhạc tính, có sức cuốn hút.

Đối với tôi, câu Haiku hay là câu có ít nhất một hay hai thuộc tính nói trên. Câu Haiku không tươi mới thì dù được sáng tác với kỹ thuật điêu luyện đến đâu cũng là tác phẩm thất bại. Bởi vì nếu không mang tính tươi mới nào thì không lay động tâm hồn người đọc và nếu không có câu thơ đó cũng không gây tổn hại gì cho văn học cả.

Đối với những người sáng tác Haiku chúng ta, đặc biệt là đối với những haijin có tầm nhìn quốc tế thì điều đáng mừng là dù ngôn ngữ nào cũng có thể tạo ra những câu Haiku hay. Dù không sáng tác bằng tiếng Nhật, có thể sáng tác bằng tiếng Việt Nam, tiếng Pháp, tiếng Anh… đều có thể có những câu Haiku hay. Trên thế giới có những người khuyết tật về nghe nhìn, có những người phải dùng ngôn ngữ không có âm thanh nhưng họ vẫn có thể sáng tác được những câu Haiku hay. Bởi vì họ có khả năng sáng tác Haiku mang đề tài tươi mới, có cách cảm nhận tươi mới và cách nói tươi mới.

Xin lỗi, tôi đã mở đầu quá dài. Thực ra điều hôm nay tôi muốn thảo luận là những vấn đề trong dịch thuật Haiku. Những câu Haiku không đạt thì không có giá trị dịch thuật do đó tôi chỉ giới hạn trong việc dịch những câu Haiku hay. Hiệp hội Haiku thế giới hàng năm xuất bản những tuyển tập thơ Haiku nhiều ngôn ngữ gọi là tạp chí “Haiku thế giới”. Những câu Haiku tiếng Việt cũng bắt đầu được đăng trong tuyển tập thơ Haiku Thế giới số 9 (năm 2013) và tôi là người làm công tác biên dịch và hiệu đính các tác phẩm Haiku được đăng trong tạp chí “Haiku thế giới” này. Tất nhiên công việc này không chỉ có mình tôi mà còn các dịch giả khác cùng tiến hành. Tôi chỉ phụ trách một bộ phận trong đó, tuy vậy tôi cũng tham gia dịch nhiều ngôn ngữ. Trong dịch thuật tôi thấy cái vất vả nhất là phải giữ lại trong câu sự tươi mới nào đó của tác phẩm gốc. Đây là việc làm rất khó. Điều tôi muốn nói trước tiên là trong Haiku, đặc tính ngôn ngữ được thể hiện rất rõ vì vậy trong trường hợp dịch ra những ngôn ngữ có hệ ngôn ngữ lâu đời và bề dày lịch sử nhiều khi không giữ lại được sự tươi mới nào đó của câu gốc. Những câu Haiku hay mà không dịch được cái hay của câu đó ra thì mất hết ý nghĩa. Tóm lại, thử thách lớn nhất của việc dịch thuật Haiku là phải giữ được bốn loại tươi mới mà tôi nêu trên.

Bây giờ ta suy nghĩ một chút về việc dịch thuật bốn loại tươi mới nêu trên. Đầu tiên là đề tài. Nếu đề tài của câu Haiku mà không có cùng thể hiện trong hai ngôn ngữ thì sẽ rất khó dịch. Ví dụ ở Nhật Bản ngày 5 tháng 5 là ngày người ta hay trang trí “búp bê võ sỹ” nhưng trong tiếng Anh không có. Nếu cố ép dịch ra thì là “warrior doll” nhưng nếu không giải thích hoặc không có kiến thức thì độc giả tiếng Anh sẽ không hiểu. Hoặc trong Haiku Nhật Bản hay ca ngợi “hoa cẩm tú cầu” (ajisai), đây là loại hoa rất hiếm trong ngôn ngữ tiếng Anh vì vậy không có tên tiếng Anh có thể dùng tên la-tinh là “hydrangea” nhưng hầu hết người nói tiếng Anh không biết loài hoa này. Ngược lại, nếu trong hai ngôn ngữ đều có thì dễ dịch hơn. Những từ như “gương soi”, “điện thoại di động”… thì không có vấn đề gì trong dịch thuật. Tuy vậy dù có từ tương ứng nhưng vẫn nảy sinh vấn đề. Đó là trong ngôn ngữ của bản gốc phản ánh đậm nét lịch sử, văn hóa, tư tưởng của ngôn ngữ đó. Ví dụ từ “trăng” trong tiếng Nhật là “tsuki” đều có thể dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng trong Haiku, nếu dịch thẳng như vậy thì chưa chắc đã hay. Trong nguyên gốc tiếng Nhật nếu chỉ là “trăng” trong khái niệm vật lý của vũ trụ thì đơn giản nhưng khi từ “trăng” đó chỉ mùa thu, hay mang khái niệm chỉ tâm hồn yên tĩnh chẳng hạn thì sẽ khó dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Bởi vì trong tiếng Anh, tiếng Pháp thì trăng và mùa thu không có quan hệ gì với nhau, trăng không để chỉ tâm hồn yên tĩnh mà lại chỉ sự bất an, điên loạn. Hay “điều 9” trong hiến pháp Nhật Bản thì chỉ có ai biết nội dung của điều này mới hiểu ý nghĩa của nó. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề tươi mới của câu thơ.

Trong Haiku Nhật Bản nếu nói về các vị thần thánh của đạo Hồi thì đối với người Nhật là mới mẻ nhưng nếu dịch ra tiếng Ba Tư hay tiếng Ả Rập thì người đọc vùng Iran hay Ả Rập thấy không có gì mới. Nói tóm lại sự sai khác về lịch sử và văn hóa mỗi vùng ngôn ngữ có ảnh hưởng đến cảm giác tươi mới của độc giả. Yêu cầu duy nhất của chúng tôi là những đề tài mới trong thế kỷ XXI có nhiều vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa như vấn đề thời gian và kỹ thuật mũi nhọn I.T. Nhưng những ngôn ngữ diễn tả lại các khái niệm này lại không phải những câu chữ phản ánh văn hóa, lịch sử và tư tưởng đặc thù của ngôn ngữ nào đó. Ví dụ “nhân bản vô tính” (clone) hay “tế bào gốc”, “tế bào iPS”… là những đề tài hiếm hoi nên dịch ra tiếng nước nào cũng cho cảm giác tươi mới cả.

Thứ hai là nội dung. Cái này thì dễ dịch, nếu không vướng những vấn đề liên quan đến đề tài như đã đề cập đến ở trên. Ví dụ câu của ông Ban’ya Natsuishi:

「未来より滝を吹き割る風来たる」

(mirai yori / taku wo hukiwaru / kazekitaru)

“Gió tương lai / thổi tới / chia dòng thác”

Hay câu của Kamakura Sayumi:

「水仙をとりまく青は歌ういろ」

(suisen wo / torimaku ao wa /utau iro)

“Màu xanh / vây quanh thủy tiên / màu ca hát”

Khi hai câu trên được công bố ở Nhật thì đã được coi là rất tươi mới về nội dung và dịch ra bất cứ tiếng nước nào cũng đều thấy tươi mới cả. Cả tác giả, cả người đọc, khi được dịch ra ai cũng đều có thể cảm nhận được điều đó.

Tuy vậy khi dịch thơ Haiku có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất là có những khái niệm mà dù dịch cẩn thận đến đâu người đọc cũng không hiểu, vấn đề phát sinh khi văn hóa và môi trường sống rất khác nhau. Cũng như nói với người mù về màu sắc. Ví dụ, đối với người Ainu sống ở cực Bắc nước Nhật thì hành vi sờ tay không vào nước biển là một khái niệm nguy hiểm, do vậy khi họ nói 「海に手を入れてしまう」(“cho tay vào nước biển mất rồi”) thì người sống ở dưới xích đạo lại không có cảm xúc gì đặc biệt. Điều này không phải là vấn đề ngôn ngữ cho nên người dịch dễ dàng quên, không để ý. Một vấn đề nữa là về văn phạm khi dịch những ngôn ngữ mà có cấu trúc câu, thứ tự sắp xếp từ trong câu khác nhau. Nếu người dịch chỉ lưu ý chuyển ngữ cho đúng nghĩa thì lại không ra câu thơ hay và ngược lại. Tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt có cấu trúc câu rất khác nhau. Ví dụ câu của Nozawa Bonchou:

「ながながと川一筋や雪の原」

(naganagato / kawa issetsu ya / yuki no hara)

“Dài dằng dặc / một khúc sông / cánh đồng tuyết”

Trong câu này tuần tự ngôn ngữ là rất quan trọng, tôi cho rằng nếu thay đổi thứ tự câu đi sẽ làm mất ngay cái thi vị của câu thơ. Dịch ra tiếng Anh mà muốn giữ tuần tự từ ngữ đó thì rất khó dịch, nó trở thành câu thơ rất dở. Thực ra câu này đã có mấy bản dịch tiếng Anh được xuất bản nhưng thứ tự ngôn từ bị thay đổi, tiếng Anh dễ đọc nhưng mất đi thi vị của câu thơ.

Thứ ba là “cách nói mới” và thứ tư là “âm thanh mới” –những ngôn ngữ không gần giống nhau thì dịch khó đến mức tuyệt vọng. Ví dụ hai câu sau của Tsubouchi Toshinori:

「三月の甘納豆のうふふふふ」

(sanga tsu no / amanattou no / u hu hu hu hu)

“Tháng Ba / mứt đậu / ha ha ha”

「たんぽぽのぽぽのあたりが火事ですよ」

(tanpopo no / popo no atariga / kaji desu yo)

“Bồ công anh / xung quanh bồ / lửa cháy”

Hoặc câu của Ozwa Minoru sau đây thì tôi không thể dịch được:

「ふはふはのふくろふの子のふかれをり」

(huawa huwa no / hukurou no ko no / hukare ori)

“Xốp xốp mềm / cú con / xù lông”

Câu “tháng Ba” (sangatsu) có từ tượng thanh là “ha ha ha” (u hu hu hu hu) không có trong tiếng Anh, dù dùng tạm từ tượng thanh biểu hiện tiếng cười thì cũng không biểu hiện được âm thanh của câu gốc. Từ “tampopo” (bồ công anh) nếu dịch ra tiếng Anh là “dandelion”còn “popo” thì có thể dịch là “lion” nhưng không dịch được biểu hiện âm “p” hiếm hoi của Nhật. Câu “xốp xốp mềm” (huwa huwa) là câu nhắc đi nhắc lại chữ “hu” tạo âm “hu hu” liên tiếp có sức hút còn nội dung và đề tài của câu thì bình thường. Do đó tôi coi như câu này không thể tái hiện được âm “hu hu” liên tiếp này và tôi cũng coi như là câu không thể dịch được.

Cuối cùng chúng ta sẽ xem xét câu Haiku Việt của tác giả Lý Viễn Giao đăng trong tạp chí Haiku thế giới số 9 năm 2013 đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Nhật như thế nào.

Trăng lạnh / nghĩa trang / đồng đội xếp hàng

Cold moon / in the cemetery / a lineup of war comrades

冷たい月/霊園に/戦友の整列

(tsumetai tsuki / reien ni / senyuu no seiretsu)

Cũng như ông Ban’ya Natsuishi đã bình luận, việc dịch khá thành công. Điều hấp dẫn của câu Haiku này là ở cảm nhận – các chiến hữu (đồng đội) khi còn sống cũng như khi đã chết vẫn đang xếp hàng (trong trường hợp này là nội dung tươi mới), bên cạnh đó, tình cảm tác giả được thể hiện rất hay ở cụm từ “trăng lạnh”. Trước hết, có thể nói phần dịch tốt về nội dung. Về trường của câu Haiku này, tác giả nắm vững cấu trúc 3 dòng, riêng dòng thứ 3 (tương đương với 5 từ cuối trong tiếng Nhật) “đồng đội xếp hàng” (senyuu no seiretsu) của tác giả, người dịch đều dứt khoát muốn để cuối câu vì vậy dịch sang tiếng Anh hay tiếng Nhật đều đã thành công. Tiếng Anh hơi miễn cưỡng một chút nhưng 3 ngôn ngữ mà dịch được thành 3 dòng giữ nguyên cấu trúc của tác giả như vậy là rất hiếm. Về đề tài của câu thì cụm từ “trăng lạnh” có thể gây hiểu lầm cho một số độc giả Nhật Bản thành “hàn nguyệt” tức là câu thơ nói về mùa đông nhưng cho dù như vậy cũng không sao, cả 3 ngôn ngữ Việt, Anh và Nhật đều cho ấn tượng tương tự là ổn rồi. Ở đây nếu không dùng “trăng lạnh” mà chỉ dùng “trăng” không thôi thì cách giải thích của người Nhật và người Anh sẽ lại khác nhau. Câu này nội dung mang tính quyết định mà không gây nhiễu đến âm thanh và cách dùng từ là điều may mắn. Trong câu gốc có âm “-ang” tuy nhiên không tái hiện được trong tiếng Nhật và tiếng Anh nhưng sự tươi mới được chuyển ngữ một cách trung thực nên rất ổn. Mặt khác, vì số từ của câu ít nên khi dịch sang tiếng Nhật và tiếng Anh thì về âm luật cũng không bị gò ép mà tạo được nhịp điệu mang tính Haiku.

Trên đây tôi nói sơ qua về một số vấn đề trong dịch thuật thơ Haiku. Ngẫm ra thì thấy việc dịch thơ Haiku ngay từ đầu đã biết là khó nhọc, biết rằng nó vĩnh viễn là công việc không thể hoàn thành một cách toàn bích. Tôi vẫn mong chia sẻ với nhiều người hơn về những câu Haiku đầy cảm xúc, cũng mong chia sẻ với những ai không thể đọc bản gốc của những câu Haiku hay. Từ trước đến nay, tôi luôn phải đối mặt với những câu không thể dịch được và có lẽ từ nay về sau cũng vậy. Thế nhưng tôi nghĩ rằng thông qua phần dịch thuật của tôi, dù là một câu, hai câu mà có ai đó ở trên thế giới này chia sẻ với tôi sự rung cảm của câu Haiku là quý lắm. Các bạn Việt Nam thông qua sáng tác Haiku có thể giao lưu, tôi cũng muốn giới thiệu với các bạn những câu Haiku hay bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và ngược lại giới thiệu với người Nhật Bản những câu Haiku hay của các bạn, đó là niềm vui sướng nhất của tôi. Và vì có niềm vui sướng đó tôi sẽ mãi nguyện dấn thân vì sự nghiệp dịch thuật Haiku không ngừng nghỉ giống như nhân vật vua Sisyphus trong thần thọai Hy Lạp bị kết án khổ sai phải lăn hòn đá to lên đỉnh núi dốc đứng, gần đến đỉnh thì đá lại lăn xuống chân núi và lại phải lăn lại từ đầu, một công việc khó nhọc mà không có hồi kết.

Lê Thị Bình dịch từ nguyên bản tiếng Nhật

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt