Thực tại là thoảng qua trong thơ Buson- Nhật Bản

alt

alt

Đêm xuân

Tâm tư ai cũng thế

Bay xa khỏi mái nhà

Thơ BUSON (Đinh Nhật Hạnh dịch)

Bài thơ 3 câu, 12 chữ. Đọc rồi phải ngẫm. Ngẫm rồi đọc lại. Đọc nhiều lần mới dần dần cảm được. Cảm sự tinh tế. Cảm triết lý sâu xa. Cảm cái tình người rất người. Người thơ trải nghiệm. Và, người thơ nói lên tiếng nói không còn của riêng mình. Nói cái điều của quy luật hiển nhiên, như nhiên, mà phải đâu nhận thức ngay được.

“Đêm xuân” là một ước lệ. Nhưng ước lệ ấy có chủ ý. Bởi, mùa xuân, tâm trạng con người ta thư thái hơn. Mùa xuân là dấu hiệu một vòng quay mới của đất trời. Con người cũng bước vào một tuần hoàn mới của tư duy, của nhận thức, của khát khao, mơ ước. Trạng thái, tâm tư của con người hòa hợp với cảnh sắc, với sự trỗi dậy của muôn loài, với thiên nhiên cựa quậy đầy sức sống. Ban đêm, khi lắng xuống mọi điều vất vả, lo toan, là lúc thức dậy những trằn trọc, trở trăn. Nhưng đêm xuân, nỗi trằn trọc, trở trăn ấy không bị dằn vặt, vật vã, đối đầu với cuộc mưu sinh, giảm bớt sự toan tính tầm thường. Đêm xuân, ánh sáng của trí tuệ bừng lên, thả bay trong lãng đãng, mơ màng về cõi nào đấy của thanh thản, trầm lắng. May ra, chỉ có “đêm thu” mới có thể sánh được với “đêm xuân”; nhưng, “đêm thu” trí tuệ thiên về việc “gói” lại và trầm ngâm những gì đã qua nhiều hơn?

“Tâm tư ai cũng thế” là một khái quát của một tâm hồn thơ, vừa nhân tình, nhân tính, vừa nhân văn, nhân loại. Cá thể người thơ thấu hiểu tâm sự chung nhiều người.

Thật bất ngờ khi người thơ “buông” câu kết rất… bất ngờ: “Bay xa khỏi mái nhà”! Cái gì bay xa khỏi mái nhà? “Đêm xuân” hay “tâm tư”? Và, tại sao lại phải bay đi?

Câu thơ này khiến tôi bật hình dung, nhớ lại. Nhiều lắm những ví dụ từ thực tế cuộc sống. Bên bàn trà hay bên mâm rượu, một mình hay bầu bạn quay quần, những suy nghĩ, những câu chuyện cứ dần dần loang ra, loang ra đến lúc các thứ trước mặt ta bỗng nhòa đi, biến mất, nhường chỗ cho những thứ xa tắp mù khơi. Hiện thực của thực tại chỉ còn bóng dáng mờ nhạt. Qua khứ, ẩn náu nơi nào, được khơi dậy. Thì tương lai thả sức bung ra trong tưởng tượng. Chuyện của trí nhớ và chuyện của trí tưởng tượng đan cài, móc nối, thành thử “chuyện nọ xọ chuyện kia”. Ban đêm, nằm một mình, dĩ chí nằm bên vợ/chồng, thì ý nghĩ càng không dừng lại ở thì hiện tại, Biết bao chuyện ập tới. Tâm tư không còn ở dạng trạng thái nữa. Nó đã thoát xác, bay khỏi thân thể, khỏi “vai ấp, má kề”, tới thế giới khác, không có trong thực tại. Mái nhà chỉ là một ước lệ. Thực tại cũng ước lệ mà thôi. Không có khuôn khổ nào, ranh giới nào ngăn cản nổi sức bay của tưởng tượng, của ước mơ và khát vọng. Không gian rộng lớn mới là nơi gặp gỡ, giao hòa, cảm thông và tiếp tục nâng cánh những bay lượn đó, để tạo nên miền cực lạc/thượng giới, mà con người thực tại hướng tới như một thiên đường để kết thành niềm tin.

Bài thơ haikư của Buson, vào thế kỷ XVII, khiến người đọc ngày nay “tương tư”, đặc biệt câu kết. “Đêm xuân” hay “tâm tư” vừa bay vừa không bay, đó chỉ là “điểm tựa” cho tư duy, cho tưởng tượng bay lên hòa vào không gian vô định

Cao Ngọc Thắng

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt