Sinh hoạt thơ haiku tại Osaka Nhật Bản

alt

Tiếp tục tham gia sinh hoạt các nhóm thơ haiku tại Nhật, sáng sớm ngày 29.7.2017, từ Kyoto Quỳnh Như khởi hành đi Osaka gặp và tham gia hoạt động của Hội Sử thơ haiku Osaka. Kết thúc chương trình về đến nhà cũng gần 10 giờ tối.

alt

Gần 30 thành viên tham gia, đa số là các bậc tiền bối rất nổi tiếng và có vị trí trong thơ haiku Nhật. Từ sáng đến chiều, Hội đã đi điền dã các di tích thơ haiku trong đó chủ yếu của Matsuo Basho. Ông đã mất tại Osaka vào ngày 12/10, trước khi mất để lại bài thơ “Lữ thứ, thân nằm bệnh, hồn lang thang đồng khô” vào ngày 9/10. Hội đã được một vị trong Hội Chấn hưng văn học Osaka hướng dẫn và giải thích tường tận kèm đầy đủ thông tin các di tích thơ haiku tại Osaka. Xin gửi kèm một vài hình ảnh trong chuyến đi. (Do thành viên đoàn có nhiều nhà thơ haiku nổi tiếng nên chỉ có thể gửi hình tránh thấy mặt).

Hình bia đá có bài thơ của Basho là bài “akaakato hi wa tsurenakutemo aki no kaze”

Trao đổi với các nhà thơ về thơ haiku Việt Nam, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến giá trị cho sự phát triển thơ haiku Việt. Họ đều cho rằng, tất nhiên Haiku Việt có thể phát triển theo hướng riêng của mình, không cần 5-7-5, không kire-ji (từ ngắt), thậm chí không quý ngữ (tạm gọi là 3 không), nhưng nên cần định hướng để thơ haiku Việt có một phong cách riêng và chứng tỏ đây là thơ haiku, chứ không phải là hình thức thơ ngắn.

Trong đó, 5-7-5 và từ ngắt thuộc phạm trù ngôn ngữ có thể không đưa vào thơ haiku Việt (nhưng nếu muốn vẫn có thể làm theo phong cách riêng), nhưng ít ra nên có hệ thống quý ngữ theo phong cách thơ haiku Việt. Cứ cho rằng Nhật Bản 4 mùa trong khi Việt Nam cơ bản là 2 mùa “mưa – nắng”, hoặc cứ cho rằng quý ngữ sẽ làm bó buộc sự sáng tác, nhưng nếu hiểu đúng thế nào là quý ngữ, thì với bề dày lịch sử văn hóa, chắc hẳn rằng thơ haiku Việt sẽ có một phong cách riêng độc đáo với hệ thống quý ngữ để thể hiện tính đặc trưng chỉ có duy nhất này của Nhật. Vì khi đã có hệ thống quý ngữ, từ đó sẽ đưa ra được những quy định về cách sử dụng trong thơ haiku…như Nhật Bản đã từng làm. Đây cũng là một trong những vấn đề cần suy nghĩ tiếp theo.

Vấn đề thứ hai là sự phát triển thơ haiku. Các bậc tiền bối thơ haiku Nhật đã cho ý kiến rằng, hãy hiểu đâu là sự hấp dẫn trong khi “chơi thơ haiku” tại Nhật Bản. Vì sao tại Nhật nhiều nhà thơ luôn gắn bó và sinh hoạt đều đặn với các Hội, Nhóm thơ haiku để giúp truyền bá và lưu truyền thơ haiku? Quan trọng là cách làm, cách sinh hoạt của các Hội, Nhóm. Không chỉ có bài thơ hay đem trình làng là đủ, mà quan trọng là phát huy được vai trò của từng người khi tham gia. Đây cũng là cách NB đã làm từ khi thơ haiku được ra đời và luôn được thực hiện đến ngày nay.

Nói chung, ý kiến thì rất nhiều không thể viết hết trên giấy. Khi có điều kiện sẽ trao đổi tiếp và nếu có điều kiện, sẵn sàng góp tay để đem vào thơ haiku Việt theo tinh thần “phát triển bền vững và lan tỏa”.

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như
(Nghiên cứu thơ haiku tại Nhật)

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt