Chiều ngày 16/12/2017, tại một phòng họp gần ga Kyoto, nhóm Net Haiku gần 40 thành viên đã tổ chức sinh hoạt thơ haiku. Thành viên nhóm gồm các Giáo sư thơ haikai trường Đại học Kansai, Doshisha, nhiều chuyên gia thơ haiku đến từ nhiều nơi của Nhật Bản như Kyoto, Osaka, Shizuoka, từ phương Bắc xa xôi Hokkaido, và từ phương nam Kumamoto nơi đã từng hứng chịu động đất liên hoàn năm 2016.
(Hội thơ Haiku tại Kyoto; Ngồi bên cạnh Quỳnh Như là Giáo sư Đại học Kansai, chuyên gia về thơ haikai, về nhà thơ Buson)
Trước khi bắt đầu sinh hoạt hội thơ, Giáo sư thơ haikai của trường Đại học Kansai đã có bài nói chuyện về nhà thơ Masaoka Shiki – một nhà thơ tài năng vì không chỉ làm thơ haiku mà còn làm thơ tanka và viết tiểu thuyết. Masaoka Shiki không thích và ít có bài thơ về Hyakunin Isshu (Thơ Waka trăm nhà) vì nó giống thơ Senryu, thích chơi Karuta (một trò chơi bài lá), vì với trò này có nhiều Quý ngữ, và Shiki có nhiều bài thơ về tình yêu.
Tham dự hội thơ haiku, mỗi người đem theo hai bài thơ haiku theo chủ dề quý ngữ “Cây khô”, “Đậu hủ nóng (Yudofu)” là món ăn đặc sắc tiêu biểu của Kyoto vào mùa đông.
Quỳnh Như – một thành viên người nước ngoài, cùng dự Hội thơ được tổ chức theo kiểu hội thơ “Buson Kukai”. Trong gần 2 năm qua, Quỳnh Như đã từng tham dự các Hội thơ (Kukai)ÂÂ theo hình thức truyền thống haikai thời nhà thơ Basho. Theo cách của hội thơ haikai của Basho là người bình chọn không biết tên người sáng tác (Các cuộc thi thơ haiku tại Nhật đa số đều được tổ chức theo hình thức này. Cuộc thi thơ haiku của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức cũng vậy. Có thể hiểu nôm na là thi thơ có rọc phách, người bình chọn thơ không biết ai là tác giả. Nhà thơ Matsuo Basho khi tham gia hội thơ cũng theo thể lệ này).
Hôm nay lần đầu tiên được tham dự hội thơ theo hình thức của nhà thơ Buson, thật là thú vị. Nhà thơ Buson khi đến tham dự Hội thơ không cho mình là nhà thơ mà là một họa sĩ, tham gia bình đẳng như mọi người và ông đã đưa ra một hình thức sinh hoạt mới, được gọi là “Buson Kukai”. Không thể hiện quá chuyên nghiệp, hội thơ “Buson Kukai” dân dã, quần chúng hơn và mục đích của hội thơ là giúp tác giả biết bài thơ nào của mình được mọi người yêu thích nhất. Trong hai bài thơ của Quỳnh Như, bài thơ về “đậu hủ nóng” được mọi người chọn là bài thơ được yêu thích. Xin tạm dịch sang tiếng Việt: Không thể chờ / đậu hũ nóng vừa chín / ăn nhanh thôi
Sau khi tham gia bình chọn, mọi người rất háo hức khi biết Quỳnh Như đến từ Việt Nam, nơi có thơ haiku đang được phát triển. Thế là, ngoài dự kiến, Quỳnh Như đã có buổi nói chuyện về phong trào và đặc trưng thơ haiku Việt. Sau khi đọc thơ haiku Việt và chuyển nghĩa một số bài thơ haiku Việt, đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến cho sự phát triển thơ haiku. Rằng thơ haiku Việt có 5-7-5 không, quý ngữ đặc trưng theo từng mùa của thơ haiku Việt là gì..Các chuyên gia thơ haiku Nhật cho biết hiện nay tại Nhật tuy những dòng thơ haiku hiện đại có thể không sử dụng quý ngữ, nhưng hơn 80% thơ haiku đều có quý ngữ. Có thể hiểu quý ngữ như là tài sản vô giá của thơ haiku và vẫn đang được dạy tại trường phổ thông trong các giờ dạy haiku, tại các hội thơ…
Quỳnh Như đã giới thiệu một số bài thơ haiku Việt có quý ngữ vào Ngày nhà giáo Việt Nam (Nhật Bản không có ngày này), một số bài thơ mùa thu…để minh chứng rằng thơ haiku Việt cũng có quý ngữ. Phía hội rất vui mừng về điều này và khuyến khích nên tiếp tục như thế, vì nhờ có quý ngữ, giúp cho nguồn sáng tác phong phú hơn. Vào thời điểm này, tại Nhật Bản đang tất bật chuẩn bị đón Noel và Năm mới, Hội thơ tin chắc chắn rằng Việt Nam cũng tưng bừng với sự kiện này rất háo hức được đón đọc những bài thơ haiku Việt về Noel, về Tết Tây và sau này là Tết ta nữa.
Một điều Hội lưu ý là có một số bài thơ haiku Việt tuy có quý ngữ, nhưng còn tình trạng có nhiều quý ngữ sử dụng trong cùng một bài thơ. Đây là một lỗi rất cơ bản trong sáng tác thơ haiku và luôn được nhắc nhở ngay từ lúc mới tập tành làm thơ (Xin tham khảo thêm bài viết “Tinh tế tính chắt lọc trong thơ Haiku”(http://haikuviet.com/ly-luan/462-2017-10-24-21-19-21.html…) .
Không tham vọng trở thành nhà thơ haiku, những chuyến đi Nhật Bản của Quỳnh Như là nhằm nâng cao kiến thức về thơ haiku, hiểu đúng hơn thế nào là thơ haiku. Trước sự mong mỏi đó, Giáo sư Đại học Kansai ngay lập tức sắp xếp cho Quỳnh Như tham dự những giờ học về thơ haiku tại Trường, các buổi hội nghị quốc tế về thơ haiku. Chắc rằng trong các hội nghị này, sẽ tiếp tục nói về thơ haiku Việt.
Đáp lại, cũng theo mong mỏi của phía Nhật, Quỳnh Như dự kiến sẽ tập hợp bộ sưu tập quý ngữ thơ haiku Việt để giới thiệu cho Nhật Bản. Phía Nhật Bản rất vui mừng và sẵn sàng giúp đỡ công việc này. Rất mong sự tham gia của các hội viên haiku Việt, nếu ai có quan tâm xin vui lòng liên hệ với Quỳnh Như để trao đổi cụ thể hơn.
Kyoto, 16/12/2017
NVQN
.