Sinh hoạt thơ Haiku tại Nhật Bản giữa những ngày giá rét

alt

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như

Sau hơn hai tháng tích cực tham gia nghiên cứu thơ haiku tại khu vực Kyoto, Osaka, vào đầu tháng 2 năm 2018, Quỳnh Như đã lên đường đến một số thành phố của Nhật Bản tiếp tục hành trình tìm hiểu thơ haiku.

Đã qua đầu tháng 2, nhưng tuyết vẫn rơi tại các tỉnh thành Nhật Bản. Đối với người phương Nam Việt Nam, quả thật là phải khó khăn lắm mới có thể vượt qua cái rét căm căm này. Không quản ngại khó khăn về cách biệt thời tiết, Quỳnh Như đã đặt chân đến tỉnh Yamaguchi (cách Kyoto nơi đang làm việc hơn 600km).

Tại khu Yuda-Onsen của tỉnh Yamaguchi – nơi có lịch sử Onsen (tắm nước nóng) hơn 600 năm, đã được đến thăm các di tích lịch sử và thơ ca của Nhật Bản. Nơi đây đang diễn ra các hoạt động kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân, và cũng là 150 năm nhà thơ haiku Masaoka Shiki.

Trưa ngày 3 tháng 2 năm 2018, tại Phòng Thông tin triển lãm thành phố Yamaguchi, đã đến xem triển lãm và dự buổi nói chuyện về nhà thơ haiku Taneda Santoka (1882 – 1940).

alt
(Xem triển lãm về nhà thơ haiku Santoka)

Santoka là nhà thơ theo phong cách tự do, không quan trọng bắt buộc phải đủ 17 âm tiết và quý ngữ theo thơ haiku truyền thống. Cuộc đời lang bạt của ông sau thời kỳ haiku đổi mới đã tiếp sức cho haiku vươn mình vượt khỏi biên giới Nhật Bản. Thơ của ông cùng phong cách tự do đã được đón nhận tại Mỹ, Hawai…nơi có nhiều di dân Nhật Bản đang ở đó.

Ông được ví von là nhà thơ “Basho thời Showa” (thời Chiêu Hòa từ năm 1926 đến năm 1989). Thật ngạc nhiên vì phong cách thơ haiku của Matsuo Basho chú trọng thể thơ haiku 5-7-5 âm tiết có quý ngữ, còn Santoka lại không, trước sự ví con này. Qua tìm hiểu thông tin và trao đổi với người chuyên môn tại phòng triển lãm mới biết tuy phong cách thơ haiku của Santoka khác với phong cách truyền thống của nhà thơ Matsuo Basho, nhưng phong cách sống và cuộc đời làm thơ của Santoka lại khá giống với nhà thơ lừng danh Matsuo Basho với những chuyến du hành khắp đất nước Nhật Bản. Nếu các chuyến du hành của Basho lừng danh ở khu vực Đông Bắc thì Santoka có khởi nguồn du hành từ các tỉnh thành Tây Nam Nhật Bản. Từ những mảnh đất khác nhau, lối sống mỗi vùng miền khác nhau trong các thời đại lịch sử phát triển khác nhau đã làm nên các phong cách thơ haiku khác nhau.

Tại buổi nói chuyện, Quỳnh Như đã gặp một nhà thơ haiku chuyên phát triển dòng thơ haiku theo phong cách tự do mà sau này ông phải đặt tên cho dòng thơ này là “Thơ cú tự do” (Chứ không phải là “Thơ haiku tự do”. Theo ông, chữ “hai” (俳) trong “haiku” (俳句)có tính lịch sử rất lâu đời từ trước khi thơ haiku ra đời với những quy tắc khó di dời, do đó dòng thơ haiku mang phong cách tự do không chú trọng 5-7-5, nhất là không đặt nặng quý ngữ, đã được đổi tên gọi là “Thơ cú” chứ không phải thơ haiku. Tuy nhiên, ông đã đưa ra một số nhận định rằng dù thơ tự do theo trường phái tuy có thể cho rằng không có quý ngữ nhưng thật ra trong đó vẫn “ngầm” thể hiện được sự vận động của thiên nhiên, của mùa trong thơ. Để làm được điều này, đòi hỏi người làm thơ phải có kỹ năng cao.

alt

Trên đường tìm đến nhà tưởng niệm nhà thơ Santoka, có nhiều bảng chỉ đường, trên đó có hình và bài thơ của nhà thơ. Xin giới thiệu và tạm dịch một trong những bài thơ đó.

ふるさとのここにもそこにも家が建ち(種田 山頭火)
furusato no kokonimo sokonimo iega tachi (Taneda Santoka)
ở quê nhà
nơi này và nơi kia
nhà nhà mọc lên
(Quỳnh Như dịch)

Sau đó, vừa từ tỉnh Yamaguchi trở về Kyoto, nhận được lời mời của Hiệp hội Giao lưu thơ quốc tế (HIA), ngay ngày hôm sau (ngày 6/2/ 2018), lại lên đường đi Tokyo (cách Kyoto hơn 500km) để tham dự Buổi giao lưu với Đại sứ H.E. Mr Van Rompuy. Năm ngoái, Ngài đã được Bộ Ngoại giao Nhật Bản gia hạn tư cách Đại sứ – Đại sứ giao lưu thơ haiku EU – Nhật Bản (“Haiku Ambassador for Japan-EU Friendship”) thêm hai năm. Tại buổi giao lưu đã gặp gỡ với các nhà thơ, chuyên gia thơ haiku và trao đổi rất nhiều điều hữu ích về những vấn đề của sự lan truyền của thơ haiku tại Nhật Bản và trên thế giới.

alt

(Đại sứ H.E. Mr Van Rompuy – đứng giữa. Bên trái Đại sứ là người phụ trách thi thơ haiku trẻ em – 3 năm trước Quỳnh Như đã gặp tại văn phòng JAL Foundation trao đổi về thi thơ)

alt

Ngoài cùng bên trái: Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu thơ quốc tế (HIA) – nơi đã mời Quỳnh Như sang Nhật Bản diễn thuyết về thơ haiku Việt vào tháng 12/2016 tại Tokyo.

Đặc biệt, tại buổi giao lưu, Hiệp hội Giao lưu thơ quốc tế (HIA) đã trao đổi riêng với Quỳnh Như về những vấn đề giáo dục thơ haiku trong thời đại ngày nay.

Những buổi gặp gỡ đã đem lại nhiều điểu hữu ích để hiểu thêm về vấn đề phát triển thơ haiku ngày nay. Dự kiến, sẽ có bài viết tổng hợp về những vấn đề này trong thời gian sắp tới.


TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như (ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
15/2/2018, Thực hiện tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế Nichibunken, Kyoto

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt