Được vinh danh là “Cha đẻ của thơ Haikư Nhật Bản”,Matsuo Shiki là người ấn định tên gọi vĩnh viễn của thể thơ ngắn nhất thế giới này,vốn manh nha từ Cụ Basho (Thế kỷ XVII) thời đó quen gọi là “Hokku độc lập”.
Ông là kẻ bảo vệ mạnh mẽ nhất thể thơ Haikư này, đã xuất phát từ mục tiêu cao cả đó mà thành lập một trường học và xuất bản một Tạp chí văn học ở Nhật Bản.Ông là nhà thơ lỗi lạc bạc mệnh, từ thuở thiếu thời đã mang trọng bệnh và ra đi năm vừa 35 tuổi đời phơi phới thanh xuân.Dẫu cuộc đời tài hoa quá ngắn,nhưng những tác phẩm của ông đã vinh danh ,tôn ông vào hàng Đại Sư cuối cùng của nền Văn học truyền thống cổ điển Nhật Bản.
”Ôi cô đơn
sau pháo hoa
Ngôi sao băng”
”Vô tận đêm dài
miên man ta nghĩ
về ngàn năm sau”
”Thiên đường-
một người đàn bà
một bông sen đỏ”
Shiki
Tháng 9 năm 2015, bà Lê Thị Bình và người viết bài này đã may mắn được thăm Nhà lưu niệm Shiki ở trung tâm Tokyo,chính tại ngôi nhà cũ 2 gian,trên mảnh vườn xưa, nơi hoa mào gà đỏ tía,giàn mướp cuối mùa triũ quả và cúc,loại hoa ông yêu quý nhất-đang nở rộ vào thu.Trong 2 gian nhà nhỏ đơn sơ, chỉ kê một chiếc bàn gỗ thấp, mặt bàn bị cưa một ô chữ nhật vừa đủ chỗ lồng một đầu gối nhà thơ khi ngồi sáng tác.Một thanh kiếm ngắn ông mang theo thời được điều sang Mãn Châu làm nghĩa vụ quân sự. Một tủ sách nhỏ.Thế thôi.Rất tiếc không ghi được gì hơn ngoài cảnh vườn, một góc có giếng nhỏ chưa kịp xây thành,tạm rào quanh bằng gỗ và giàn mướp cuối mùa quả còn lúc lỉu mà ngày xưa thân mẫu nhà thơ trồng lấy ngọn và quả non giã chắt nước chữa ho cho ông.Nội quy ghi cấm chụp ảnh-khác với Viện bảo tàng Basho cũng ở Tokyo.Đành chỉ vậy thôi.
Tức cảnh ,cảm nhớ người xưa mệnh bạc xin ghi lại đôi dòng cảm thông:
“Ông hằng mong mùa thu
nay cúc vàng rực ngõ
Hoa đợi người! Người đâu!”
Và
“Thiên đường nào đâu!
Bóng hồng nào đâu?
Chỉ bông hoa đỏ” …
ĐNH
107 khúc Haikư
Bài 1–
Ngày đầu năm
đất trời hòa hợp
mọi việc bắt đầu
Bài 2–
Xuân trong nhà ta
dẫu chẳng có gì !
Nhưng gì cũng có
Bài 3-
Tượng Đại Phật
gà gật
ngày xuân
Bài 4-
Tĩnh lặng
đi dạo một mình ,
một mình sung sướng
Bài 5–
Ôi,yên tĩnh làm sao
chiếc gậy cầm tay
đi dạo trong vườn
Bài 6–
Đêm xuân
không vợ
Biết đọc gì đây?
Bài 7–
Nắng ấm
hoa mận rụng đầy
trên tảng đá rêu
Bài 8–
Sương mù lan loang
núi rừng biến mất
Vùng Stupa lẻ loi
Bài 9–
Làn gió xuân êm
trong màu xanh điệp trùng ngàn ngọn núi
một ngôi chùa lẻ loi
Bài 10–
Thuyền
chuyện trò cùng bãi.
Ngày dài
Bài 11–
Tượng Đại Phật
vai tuyết phủ đầy
đang tan dưới nắng
Bài 12–
Mặt ao
sóng vỗ ì oàm
băng tan
Bài 13–
Băng tan
bầy ngựa thả hoang
chạy rông khắp làng
Bài 14–
Rổ cỏ
ai đó bỏ quên
không một bóng người
Bài 15–
Những ngọn núi mùa Xuân
chồng nhau
đỉnh tròn đều một loạt
Bài 16–
Đồng ruộng mùa Xuân
người đi, kẻ lại
chẳng hiểu họ làm gì
Bài 17–
Nơi đây, thắng cảnh
bác đang cày ruộng
chắc đâu hiểu ngọn nguồn
Bài 18–
Dẫm lên mây trắng
thở hít mù sương
vút cánh sơn ca
Bài 19–
Ngủ say trên đá
bướm liệu có mơ về ta chăng!
Một đời bất hạnh
Bài 20–
Dừng chân trên đỉnh chuông chùa
đèn đom đóm
lập lòe trong đêm
Bài 21–
Xem ta như bạn lữ hành
ta xinÂÂ với bướm
nhập cùng chuyến đi
Bài 22-
Nhịp cầu gẫy gục
một cây lệ liễu
cô tịch phía sau
Bài 23-
Ôi,trăng hoàng hôn
cánh hoa mận rụng
trên đàn Kôtô
Bài 24–
Lê nở hoa kìa!
vết tích còn lại
ngôi nhà tan hoang
Bài 25–
Ôi hoa cải dầu!
Sen vàng rực rỡ
trên chùa Môntơ
Bài 26-
Phải gắng sức lắm
mới treo được đèn
giữa hoa là hoa
Bài 27–
Tiếng chuông chiều
ướt đẫm trong mây
Hoa anh đào
Bài 28–
Đau yếu lắm rồi
vẫn sao luôn nhớ
Hoa anh đào ơi!
Bài 29–
Anh đào thắm nở
nhớ bao người thân
thảy đều xa cách
Bài 30–
Chiếc cuốc để đó
không một bóng người
Ôi sao nóng vậy!
Bài 31–
Sông Mogami
chảy chi nhanh thế!
Mang mùa hè đi
Bài 32
Đảo nào cũng rợp bóng thông
ngồi nghe tiếng gió
mát lòng hè ơi!
Bài 33-
Ôi!mát làm sao
Ngọn đèn đêm tắt
tiếng nước rì rào
Bài 34-
Ôi!mát quá
Bộ tộc Heike bị tiêu diệt rồi
Chỉ còn tiếng sóng
Bài 35-
Trên cầu treo
lênh láng tràn lan
những dòng nước mưa to vừa tạnh
Bài 36-
Nhìn đâu cũng thấy
ánh sáng thần linh
Ánh sáng tượng Phật
Bài 37-
Tượng Đại Phật
chẳng có ruột gan
Mát ơi là mát!
Bài 38-
Những ngày còn lại đời ta
hẳn đã định rồi
Đêm sao ngắn vậy!
Bài 39-
Trên bãi cát sáng,
đốt lửa làm chi?
Trăng soi mùa hạ
Bài 40-
Có con ếch xanh
bơi trong bình nước
Mưa giông tháng 5
Bài 41-
Đã gầy vì thể Waka
lại còm hơn
bởi Haikư tiết hè!
Bài 42-
Mùa hè gầy guộc
chỉ da bọc xương
Lạ kỳ vẫn sống!
Bài 43-
Trăng lên
gió luồn trong cỏ
một tiếng chim gù
Bài 44-
Dơi bay
tiếng cánh mịt mờ
Chính giữa lùm cây
Bài 45-
Con ruồi bẹp dí
gian buồng 4 chiếu rưỡi*
được vài phút bình yên
*căn buồng này khá hẹp,chỉ đủ trải vừa hơn 4 chiếc chiếu .
Bài 46-
Mình đi ngủ đây!
Cậu dậy đuổi ruồi ,
nhớ khua thật khẽ!
Bài 47-
Chẳng còn bóng muỗi
sau trận lụt tràn
Sao mà quạnh hiu!
Bài 48-
Lửa con đom đóm
trong lòng bàn tay
sáng lấp lánh lạnh
Bài 49-
Tiếng sấm bỗng dừng
trên một cây phía Tây
Ve kêu xa xả
Bài 50-
Ngừng kêu
con ve cất cánh
ta mới thấy chàng
Bài 51–
Góc tường cũ
một con nhện chửa
bất động hoàn toàn
Bài 52–
Một đàn cá quả
lượn trước mắt tôi
làn nước trong xanh
Bài 53–
Lùm cây mùa hạ
có kẻ lẻn vào
không lưu dấu vết
Bài 54–
Bông mẫu đơn trắng
chỉ một đêm trăng
rụng tàn hết cánh
Bài 55–
Ngắm hoa hồng
lâu lâu mỏi mắt
thời kỳ dưỡng bệnh
Bài 56–
Vẽ hoa hồng
bông thì dễ
vẽ lá khó ghê!
Bài 57–
Trong đền Taiga
quả anh đào rụng
Không một bóng người
Bài 58–
Cỏ dại mùa hè
Quận Saiga nhiều gái đẹp
Nhưng cũng lắm ngôi mồ
Bài 59-
Bông hoa anh túc
cánh tàn rơi rụng
làn gió ban ngày
Bài 60-
Chuyên chú vẽ hoa
công việc hàng ngày
mùa thu lại đến
Bài 61–
Phòng bên
đèn tắt
đêm sao lạnh lùng!
Bài 62-
Ban mai dù lạnh
nhà sư mới về
đọc một bài kinh
Bài 63–
Đền rộng mênh mông
ánh đèn thưa thớt
Đêm lạnh quá chừng!
Bài 64-
Nhà sư mới đến
một mình thỉnh chuông
Đêm đông lạnh cóng
Bài 65-
Ánh trăng
cùng với hoa cúc trắng,vàng
Mùa thu đang tàn
Bài 66–
Lả tả bay bay
lá vàng đâu đến
Mùa thu đang tàn
Bài 67-
Dằng dặc đêm dài
làm sao bắt được trăng vàng !
*Khỉ mơ!
*Khỉ đây ám chỉ con người.Mặt trăng là minh triết cao siêu.
Bài 68-
ÔI,vô tận đêm dài
miên man ta nghĩ
tận ngàn năm sau
Bài 69-
Sông Ngân
một đầu
dựa vào ngọn núi
Bài 70–
Căn nhà cô đơn
trên trảng cỏ vắng
khi vầng trăng tà
Bài 71–
Ôi làn gió thu ,
ước mãi bên nhau
Em và anh thôi!
Bài 72–
Cô đơn làm sao!
sau đêm pháo hoa
Một ngôi sao sa
Bài 73-
Sẻ đồng mùa gặt
bay chạm bù nhìn
rơi tòm xuống biển
Bài 74–
Na ná dạng người
những đêm trăng sáng
Bù nhìn đáng thương
Bài 75–
Trông kìa bù nhìn!
cũng mũi cũng mắt
-Ôi đời phù du
Bài 76-
Đàn muỗi mùa thu
biết ta sắp nghoẻo
đốt sao dữ dằn!
Bài 77-
Đã kề cõi tử
càng ồn ã hơn
lũ ve mùa thu
Bài 78–
Ngọn đèn phụt tắt
Tiếng gió rì rào
thổi qua bụi chuối
Bài 79–
Thế là đổ nát
ngôi đền thảm thương!
Sao Bashô thế!
Bài 80–
Mình khoái ăn hồng
say mê hokku *
Bà con nhớ nhé!
*Thời kỳ này chưa minh định danh từ haiku mà còn thường gọi là hokku độc lập.
Bài 81–
3.000 haikư
mình vừa sửa hộ
được 2 quả hồng!
Bài 82-
Nhai một quả hồng-
Tiếng chuông chùa vọng
từ Horyuji
Bài 83-
Quả hồng ta thích
không nhá được rồi!
Bệnh tình quái ác
Bài 84–
Con chim đang hót
làm rụng mất rồi
một chùm quả đỏ
Bài 85–
Gọt quả lê
bao nhiêu giọt ngọt
chảy dọc lưỡi dao
Bài 86–
Táo vừa hái trộm
ta đã xơi rồi
dạ dày đau quá!
Bài 87–
Quan lớn đi rồi
vút qua ,để lại
cái lạnh ghê người
Bài 88–
Trèo lên mái nhà
họ nhìn đám cháy
trăng lên mùa đông
Bài 89-
Một quả chín đỏ
rụng rồi đơn côi
Vườn ai trăng phủ
Bài 90-
11 kỵ mã
đầu vẫn đóng băng
qua cơn bão tuyết
Bài 91
-Kìa!từng đợt một
tuyết thành mưa đá
Gió mạnh quá chừng!
Bài 92–
Một cây cao vút
tít tận mây xanh
cánh đồng hiu quạnh
Bài 93–
Vòm cửa cô đơn
chơ vơ trảng lạnh
Tu viện ngày xưa
Bài 94–
Con sông mùa đông
cạn không còn đủ
cho vài vịt bơi
Bài 95–
Tạm trú mùa đông
quen dần chậu nước
một chú vịt con
Bài 96-
Ngày Tổng vệ sinh
rải nằm bãi cỏ
tượng Phật,tượng Thần
Bài 97-
Cơn bão tan rồi
thưa thớt bóng ve
buổi sáng thu này
Bài 98–
Hấp hối rồi kìa
kêu càng ra rả
lũ ve mùa thu
Bài 99–
Lá vàng
gió cuốn từ đâu
mùa thu đang chết
Bài 100–
Mọi tiếng ồn trong phố
tắt ngấm xa xa
chỉ còn tiếng ve xa xả
Bài 101-
Một con chim vụt bay
Lão ngựa già giật thột
trên truông đông khô cằn
Bài 102-
Bóng tôi, bóng trăng
chuyển động
Ánh trăng đông soi
Bài 103-
Một ngày thu đẹp
khói từ đâu đến
nhẹ bốc lên trời
Bài 104-
10 năm lao lực
đủ trả tiền học !
Mảnh chăn đã sờn
Bài 105-
Mô phật Thích Ca!
xin một điều cầu nguyện:
-Chỗ trú tạm mùa Đông!
Bài 106-
Hàng năm, vẫn mơ về hoa cúc
Hoa cũng thế
về ta
Bài 107–
Thiên đường
-Một người đàn bà
-Một bông sen đỏ
*** *** ***
Chép 2010- Hoàn chỉnh 2011- Công bố 2019
Ngõ bằng lăng Lập xuân Kỷ Hợi 2019
Đinh Nhật Hạnh& Đinh Trần Phương
Tham khảo:Cent sept haiku-Traduit du japonais: JOAN TITUS-Carmel/Verdier-2002-Paris